Người ở trọ bầu trời

Chia sẻ

PNTĐ-Thơ Trần Gia Thái giữ được hồn quê, ấm áp với cha mẹ, tình làng nghĩa xóm. Anh giữ được cách quan tâm đến mọi người và vì người.

 
Người ở trọ bầu trời - ảnh 1

 
“Biển giờ không còn mặn” là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Trần Gia Thái với 71 bài gói ghém những phận người, những tỷ lệ hay ước lệ trong cách nhìn, và cách phát hiện rất riêng của một người chân quê. Một người từng làm quản lý, có chức sắc, vẫn được trời cho làm thơ, và có hẳn một tài sản thơ để dành. Hẳn trời phú cho cách nhìn, cách phát hiện tinh tế của một người từng trải qua nghề làm báo.
 
Trần Gia Thái, sớm ý thức được rằng đời người là hữu hạn, rằng mình đang ở trọ dưới bầu trời. Từ lúc sinh ra  nơi miền quê khoai lúa; cho đến khi đi học, ra ở phố, rồi học hành thành đạt, có tước vị trong đời, anh vẫn có cái nhìn trong sáng, bình dị. Thơ anh vẫn đắm đuối, thầy thầy, u tôi; quyết không đánh đổi cách xưng hô thành bố mẹ, hay cậu mợ như  những người ở thành phố vẫn gọi bậc sinh thành. Thơ Trần Gia Thái giữ được hồn quê, ấm áp với cha mẹ, tình làng nghĩa xóm. Anh giữ được cách quan tâm đến mọi người và vì người. Trong thơ ca viết giản dị là khó nhất khi bày tỏ cõi lòng mình. Trần Gia Thái đi nhiều, từng sang châu Âu sải bước ở xứ sở sương mù, khi rẽ Trung Hoa ngồi uống rượu Tiểu Hồ Đồ ở Quý Châu, nhà thơ không chỉ mượn rượu để nói về  trải nghiệm cảm xúc, cơ hồ thế sự “quá tỉnh không có thơ/quá hồ đồ tan cơ đồ”.
 
Người ở trọ bầu trời - ảnh 2
Nhà thơ Trần Gia Thái

 
Thơ Trần Gia Thái đem cả tỷ lệ hay ước lệ vào thơ, mà không khô cứng. Mỗi khổ thơ phác họa một nghề, một nghiệp, một cơ sự diễn biến, thơ suy nghĩ cho thế cuộc ngày hôm nay. Không cần một phép tính nào mà vẫn chỉ ra cái ác và cái xấu, sự vô cảm nhan nhản trên đời. Và thật hoang mang khi con người ta tiêu phí thời gian vào những thứ phù du ở giữa những đám đông, với những luật lệ bày đặt ra mà nhiều trò chỉ để xem dang dở. Rồi sau những tung hô, những lý thuyết, những phần trăm những tỷ lệ thì cuối cùng giật mình nhận ra “trên đầu trên vai các vĩ nhân/ phân chim phủ trắng”. Cái kết mở, khơi gợi sự suy tưởng ở mỗi người, mỗi tầng văn hóa khác nhau.
 
 Ở bài “Nghe lời điếu trong đám tang bạn” tứ thơ này không mới vì anh đã từng viết về sự khiêm nhường , người ẩn mình thua thiệt đến tột cùng cuộc đời của người bạn; mà khi bạn chết, trong đám tang mới có người nói ra sự thật. 
 
Trần Gia Thái trong đám tang nhìn ra lòng người thương yêu nhau, thương yêu nhau mà giờ đây khó sao, yêu thương con người thời nay lẽ nào lại hạn hẹp như trôn kim ấy. Nỗi chua xót, đau đời rất khác, nhưng đều vì lẽ sống sao cho NGƯỜI hơn, cao cả hơn.
 
Mỗi nhà thơ đều có một cần ăng ten riêng cho mình, đó là sự phát hiện mới. Ở góc nhìn rất khác này của Trần Gia Thái, anh nhìn ra cái giả trá của lòng người đang sống với nhau, đối với bạn khi chết. Tác giả chỉ ra một giá trị sống: Tình người đâu có cần gì đầu tư tiền bạc, đâu có sợ khấu hao, không vay mượn, mà tình nghĩa dành cho nhau sao vẫn còn hẹp như cái trôn kim. Và anh cho người đọc niềm hy vọng “tôi không tin ta túng quẫn lòng tốt/ tôi không tin ta cạn kiệt lời khen/ lẽ nào bụng dạ chúng ta cứ hẹp mãi trôn kim”. Lại có một cách nhớ bạn thơ cũng đơn lẻ “bao giờ áo cỏ khâu xong nhỉ/ để hồn sông ấy hết bơ vơ”. Hay cách thăm bạn vong niên, cách nhìn cúi xuống với bước trượt dài của thời gian. Sống, rồi ai cũng phải đi đến cái dốc này. Dốc cuối cùng tới vực của con người.
 
“Chợt vai rung tiếng nấc
Ông khóc mà như cười
Với tay vặn chiết áp
Ngoài thềm hoa nắng rơi”.
 
Viết về những phận người đang cùng ở trọ bầu trời với nhau, cùng thân tộc với nhau mà danh lợi cũng làm bao người đánh mất nhân tính. Một cách nhà thơ nhắn nhủ mình: “Thì xin lấy chữ trước sau/ thì mong lấy lẽ dài lâu làm bền”.
 
Người biết xin lấy chữ trước sau làm lẽ sống ấy là người sống chí tình, đằm thắm. Người cũng biết bỏ qua, thể tất cho người, là người biết sống nhất; để sau những gió giông đi qua, trời sẽ xanh và đất sẽ lành trở lại.
 
 Được biết trong gia tài thơ ca của Trần Gia Thái, anh còn đủ vốn sống và lượng bài viết dành cho một tập thơ nữa, dành riêng cho một chủ đề xã hội đương đại. Bạn đọc có quyền hy vọng sẽ được gặp nhà thơ ở những tác phẩm mới, giá trị mới và đem lại sự phát hiện của nhiều ngôi sao con người ở trọ dưới gầm trời này.
 
 
Hoàng Việt Hằng

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ tới thế hệ trẻ thông qua những ấn phẩm được xuất bản.
Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.
Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” trình chiếu miễn phí 6 bộ phim: Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên, Chuyện những người lính già, Đồng hành cùng lịch sử, Chia lửa cùng Điện Biên, Điện Biên Phủ niềm hy vọng.