Phát hành tác phẩm “Lũy hoa” của Nguyễn Huy Tưởng nhân 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô
(PNTĐ) - “Lũy hoa”- một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là tập truyện phim tái hiện 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ Thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: 60 ngày đêm chúng ta thấy HOA TRÊN CHIẾN LŨY.
“Lũy hoa” đưa bạn đọc trở về những ngày tháng không thể nào quên đó, chứng kiến người dân tản cư và những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù. Với những cú chuyển cảnh qua ngòi bút nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ta thấy lại phố phường Hà Nội với Hàng Gai, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân,... bắt gặp những con người của Hà Nội thuộc đủ tầng lớp và nghề nghiệp. Họ chiến đấu, họ lao động, họ yêu nhau.
Đặc biệt, cuốn sách còn có ảnh chụp những trang bản thảo của “Lũy hoa”, hình bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác “Lũy hoa” và “Sống mãi với Thủ đô”.
Trong “Lũy hoa” có sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến đấu với cái hào hoa rất riêng của Hà Nội. Giữa tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, khi những lỗ thông tường nhà kết nối ý chí thủ đô, vẫn có những nụ hôn, có bánh chưng và hoa đào, có tiếng đàn hát và những cặp tình nhân. Tất cả được thể hiện qua một bút pháp chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa.
“Lũy hoa” giúp bạn đọc hồi tưởng về quá khứ hào hùng của đất nước, hiểu thêm và yêu thêm Hà Nội, qua con mắt một người đã trút hết sức lực và tâm lực để viết về thủ đô. Truyện phim Lũy hoa cũng như tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, được xuất bản sau khi tác giả qua đời, là kết quả của cả một quá trình Nguyễn Huy Tưởng dồn tâm sức cho đề tài Hà Nội, kể từ đầu năm 1957 cho đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, mùa hè năm 1960. Cùng chung đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô, cùng chung niềm cảm hứng về mảnh đất và con người Hà Nội, hai tác phẩm bổ sung, hô ứng cho nhau để trở thành một chỉnh thể gắn bó hữu cơ.
Trong đó, truyện phim “Lũy hoa” không chỉ được xem như cái khung sườn khả dĩ cho cuốn tiểu thuyết dở dang, mà còn có đủ phẩm chất văn chương để có thể tồn tại như một tác phẩm văn học với một bút pháp riêng: chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã ghi lại khá kỹ quá trình viết hai tác phẩm này.
Theo giáo sư Phong Lê, nếu Sống mãi với Thủ đô tạm dừng ở ba ngày đêm đầu của cuộc chiến thì Lũy hoa cho ta chứng kiến cuộc chiến diễn ra trong suốt 60 ngày đêm, cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch; cùng với một khúc vĩ thanh đậm in dấu ấn lãng mạn 7 năm sau đoàn quân chiến thắng trở về, trên những phố xưa... Có nghĩa là “Lũy hoa” nhận sứ mệnh thực hiện nốt phần còn lại của “Sống mãi với Thủ đô” - cuốn tiểu thuyết nếu Nguyễn Huy Tưởng thực hiện được trọn vẹn thì đó sẽ là tác phẩm có quy mô lớn nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, tính cho đến ngày nhà văn qua đời.
Nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã không thực hiện được những gì mình ấp ủ, sau hơn 600 trang tiểu thuyết! Và bù vào chỗ trống đó, người đọc chúng ta may mắn có “Lũy hoa”.
“Lũy hoa”- truyện phim, tức là phải hướng đến một mục tiêu có khác với tiểu thuyết, nếu mục tiêu đó là khả thi. Ở đây phải là các mảng khối của hành động, tập trung vào hai tuyến chính: cuộc tản cư, tức là rút ra khỏi Hà Nội của các bộ phận nhân dân; và cuộc cố thủ, quyết ở lại Hà Nội của bộ phận cầm súng, tức là đội ngũ tự vệ sao vuông, Vệ quốc đoàn và những người Hà Nội quyết tử cho Thủ đô... Trên hai mảng khối lớn của hành động ấy là sự quy tụ mọi hoạt động, mọi nghĩ suy và tâm trạng của con người... Là sự chuyển cảnh, qua rất nhiều địa danh của Hà Nội - Liên khu I, nằm trọn một phần trong khu phố cổ của 36 phố phường; là Hàng Gai, Hàng Đào, đình Phất Lộc, rạp Tố Như; là Hàng Buồm, Phố Mới, ngõ Quảng Lạc, chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng... Nới rộng đường biên ra một chút - đó là phố Bờ Sông, cầu Long Biên, ngõ Gầm Cầu, bãi Phúc Xá,
“Đọc “Lũy hoa”, ấn tượng đậm nét nhất là sự chan hòa, sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến đấu, với cái hào hoa rất riêng của người Hà Nội. Một cái riêng, có ý nghĩa như là sự tự ý thức về sứ mệnh đại diện cho cái chung của đất nước, của người Hà Nội. Nếu có một biểu hiện gây ấn tượng nhất trong Lũy hoa, đó trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui các qua lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội. Những lỗ tường làm gắn nối ý chí chiến đấu cũng đồng thời xóa bỏ mọi ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến. Và sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe ba gác, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo, và cũng không muốn để cho địch sử dụng... Việc đặc tả hai biểu tượng này quả đã đem lại cho Lũy hoa những trang hay; ai không sống, không chứng kiến với tất cả xót xa, thương quý và tự hào về Hà Nội, khó viết được những trang như thế”- GS Phong Lê viết.
Tiếc là Nguyễn Huy Tưởng chỉ mới được đọc bản in thử truyện phim trên giường bệnh, còn khán giả mà ông nhắm tới thì đến nay vẫn đành tạm bằng lòng là... độc giả. Nhưng, như một nghịch lý, “Lũy hoa”- truyện phim lại có sức hấp dẫn riêng của một tác phẩm để đọc. Nhiều chục năm đã qua, bên cạnh Sống mãi với Thủ đô mới chỉ có tập I, “Lũy hoa” vẫn là sự bù đắp cho những gì còn trống thiếu ở Sống mãi với Thủ đô để cho ta một phác thảo toàn cảnh 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử trong chiến đấu cho Tổ quốc quyết sinh. Để 7 năm sau, những người đã rút ra khỏi vòng vây Hà Nội - Liên khu I mùa Đông 1946, sẽ tham gia vào đại quân bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm của mùa hè 1954, chuẩn bị cho mùa Thu - Tháng 10, Hà Nội đón đoàn quân trở về giải phóng, trong hạnh phúc đoàn tụ và niềm vui vĩnh viễn Tự do.