SEA Games 32: Cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam

Bài và ảnh: Nhật Minh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tại SEA Games 32, Thể thao Việt Nam vượt qua hai đối thủ mạnh là Thái Lan và Indonesia để lần đầu tiên trong lịch sử có vị trí Nhất toàn đoàn ở một kỳ SEA Games khi không phải là chủ nhà. Đây thực sự là cột mốc mang tính lịch sử của thể thao nước nhà…

SEA Games 32: Cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam - ảnh 1
Niềm vui của tuyển nữ Việt Nam khi bảo vệ tấm HCV tại SEA Games 32. 

Một bước phát triển rực rỡ của thể thao Việt Nam 
Sự kiện Nguyễn Hoàng đánh bại Pacatiw của Philippines ở chung kết nội dung KK1 67kg nam vào ngày thi đấu cuối cùng của SEA Games 32 đã mang về tấm HCV thứ 136, đưa đoàn thể thao Việt Nam đứng ở vị trí số 1 ở kỳ Đại hội diễn ra ở Campuchia. Bên cạnh 136 HCV, đoàn còn có thêm 105 HCB và 114 HCĐ.

Đây là lần thứ 3, Việt Nam có được vị trí nhất toàn đoàn, kể từ khi SEA Games được tổ chức lần đầu năm 1959 (ban đầu mang tên SEAP Games). Tuy nhiên, 2 lần nhất trước đó (năm 2003 và 2022) là khi chúng ta ở vai trò chủ nhà. Tại đấu trường SEA Games, chủ nhà được quyết định môn thi đấu, số lượng bộ huy chương nên việc nhất toàn đoàn thường xuyên diễn ra như một lẽ dĩ nhiên. Việc không đăng cai nhưng có được vị trí số 1 mới được coi là thước đo thực lực. Sau 32 lần tổ chức, mới chỉ có 3 quốc gia giành được vị trí nhất toàn đoàn khi SEA Games diễn ra ở một quốc gia khác là Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

“Chúng ta đã vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường. Những con số này cũng giúp đánh giá được sự phát triển của thể thao Việt Nam trong thời gian qua và khẳng định được vị thế của chúng ta trên đấu trường khu vực. Thông thường, thành tích của một nền thể thao tại các kỳ Đại hội sẽ là thước đo đánh giá sự phát triển của thể thao thành tích cao và phong trào thể thao của quốc gia đó. Vì thế những con số tại SEA Games vừa qua cho thấy nền thể thao nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua”- Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt chia sẻ.

Trong khi Việt Nam vượt chỉ tiêu, rất nhiều quốc gia khác lại “vỡ kế hoạch” tại SEA Games 32. Điển hình, truyền thông Malaysia dùng từ “đau lòng” hay “màn thể hiện tệ nhất lịch sử” khi nói về kỳ Đại hội này. Malaysia có 677 VĐV, kém Việt Nam 25 người, nhưng chỉ giành được tổng cộng 34 tấm HCV. Thái Lan đã có 13 lần nhất toàn đoàn, nhiều nhất lịch sử, cũng bể “kế hoạch” chiếm vị trí số 1 khi chỉ đạt 108 HCV, kém Việt Nam tới 28 tấm.  

Ông Kongsak Yodmanee nhận Thái Lan vẫn là “nhà vô địch tại SEA Games 32” khi đạt được nhiều HCV ở các “môn quốc tế”, bao gồm các môn thi thuộc hệ Olympic và Asiad. Truyền thông nước này thống kê họ đứng đầu với 54 HCV giành được trong các môn thể thao quốc tế, kế đến mới là Việt Nam với 52 HCV và Indonesia là 35 HCV. Nhưng theo thống kê của đoàn Việt Nam, chúng ta có 69 HCV đến từ môn Olympic. Cụ thể, các môn mang về nhiều HCV gồm điền kinh (12), bơi (7), judo (8), vật (13), karatedo (6), taekwondo (4)...Và thực tế nếu chỉ tính huy chương ở các môn được thi đấu tại Olympic Paris năm 2024, Việt Nam vẫn dẫn đầu với 48 HCV, nhiều hơn 10 tấm so với Thái Lan.

SEA Games 32: Cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam - ảnh 2
Kình ngư Phạm Thanh Bảo ở tuổi 22 phá 2 kỷ lục SEA Games khi giành HCV ở cả cự ly 100m ếch và 200m ếch.

“Việc nhóm môn Olympic mang về gần 50% HCV cho Việt Nam tại Đại hội là tín hiệu đáng mừng dù thực tế chúng ta mong muốn rằng số lượng HCV từ các môn này phải là trên 80%. Tuy nhiên việc đánh giá như vậy là rất khó vì chúng ta chưa có được cái nhìn tổng thể về các môn Olympic tại Đại hội lần này. Đây là kỳ SEA Games mà nhiều môn Olympic thế mạnh của chúng ta đã không được tổ chức như đua thuyền với các phân môn là rowing, canoeing; hay các môn như bắn súng, bắn cung... Ở nhóm các môn võ Olympic, chúng ta cũng chỉ được đăng ký 70% trên tổng số các nội dung thi đấu. Vì thế việc đánh giá thành tích của các môn Olympic lần này là không toàn diện và không rõ ràng. Tỷ lệ gần 50% số HCV đoạt được đến từ nhóm môn Olympic, tôi cho rằng đó là thành tích tốt của Đoàn Thể thao Việt Nam”-Trưởng đoàn Đặng Hà Việt phân tích.

Những dấu ấn không quên 
Một dấu ấn nức lòng người hâm mộ là bóng đá nữ Việt Nam đã đi vào lịch sử SEA Games. Đội tuyển nữ Việt Nam đã đánh bại Myanmar trong trận chung kết để có lần thứ 4 liên tiếp đoạt HCV, điều chưa từng có đội bóng nào làm được. Bóng đá nữ giành ngôi vô địch lần thứ 4 đã một lần nữa khẳng định sự kiên cường, tài năng của các “cô gái kim cương”. Sự tỏa sáng của các nữ cầu thủ trên sân cỏ thực sự lấp lánh như ánh sáng viên kim cương, làm người hâm mộ nức lòng. Đến mùa giải năm nay, các nữ cầu thủ đã làm được một điều đó là lôi kéo người hâm mộ từ chỗ không quan tâm bóng đá nữ đã trở nên “cuồng” bóng đá nữ không thua kém gì bóng đá nam.

Ở môn bóng đá nam, Việt Nam không bảo vệ được tấm HCV nhưng vị trí thứ 3 cũng là không tệ khi đội có HLV mới là ông Philippe Troussier và lứa cầu thủ trong tay nhà cầm quân người Pháp bị coi là “hạn chế về chuyên môn”. 
Đặc biệt, Đoàn thể thao Việt Nam đã phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games tại Campuchia. Trong đó có những kỷ lục được thiết lập bởi những VĐV trẻ. Điển hình, đô cử 21 tuổi Nguyễn Quốc Toàn chỉ sau một năm đôn từ hạng 81kg lên 89kg đã giành HCV và lập 3 kỷ lục. 

Tại nhà thi đấu Olympic Taekwondo Hall sáng 16/5, Quốc Toàn sớm áp đảo các đối thủ khi đăng ký mức tạ cao nhất cho cả hai phần thi: 150kg cử giật, 190kg cử đẩy. Ngay lượt cử giật đầu tiên, VĐV sinh năm 2002 đã bắt kịp kỷ lục SEA Games. Tới lượt thứ hai, đô cử này nâng lên 155kg. Dù hỏng ở lượt ba với mức 157kg, Quốc Toàn vẫn dẫn đầu ở phần cử giật, bỏ xa đối thủ Indonesia đứng kế sau Muhammad Zul Ilmi tới 10kg, đồng thời chắc chắn nắm giữ một kỷ lục. Sang phần cử đẩy, Quốc Toàn hoàn thành lượt đầu một cách suôn sẻ với 185kg để san bằng kỷ lục tổng cử SEA Games là 340kg. Ở lượt kế tiếp, anh tiếp tục thành công với 190kg để cùng lúc lập hai cột mốc mới của đại hội: Cử đẩy và tổng cử (345kg). 

SEA Games 32: Cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam - ảnh 3
Nguyễn Quốc Toàn chỉ sau một năm đôn từ hạng 81kg lên 89kg đã giành HCV và lập 3 kỷ lục. 

Cử tạ Việt Nam từng ghi nhận những VĐV nam xuất sắc mang về nhiều HCV và kỷ lục SEA Games. Nhưng chưa ai đạt kỳ tích như Quốc Toàn. Tại SEA Games 2017 ở Malaysia, đô cử Trịnh Văn Vinh giành HCV hạng 62kg nam với tổng cử 307kg, phá hai kỷ lục gồm tổng cử và 172kg cử đẩy. Tương tự, tại SEA Games 2013 ở Myanmar, Thạch Kim Tuấn cũng đoạt HCV hạng 56kg với tổng cử 285kg, phá hai kỷ lục gồm tổng cử và cử giật 129kg.

Ở nội dung bơi, kình ngư Phạm Thanh Bảo ở tuổi 22 cũng phá hai kỷ lục SEA Games khi giành HCV ở cả cự ly 100m ếch và 200m ếch. 

Tại SEA Games 32, Việt Nam cũng có những môn thi “vô đối”. Điển hình, đội aerobic giành trọn vẹn cả 5 HCV ở 5 nội dung thi đấu ở SEA Games. Hay ở nội dung điền kinh, chân chạy Nguyễn Thị Oanh dù bị xếp lịch thi đấu “oái oăm”, có ngày thi hai nội dung chỉ cách nhau ít phút nhưng vẫn ẵm trọn 4 HCV nội dung 1.500m, 3.000m chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m.

“Tất cả các VĐV đã cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình để tạo nên kỳ đại hội thành công hơn mong đợi và thể thao Việt Nam cũng đã kịp ghi dấu ấn về một kỳ đại hội thành công rực rỡ trên sân khách” - ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục Thể thao khẳng định.

Sau SEA Games 32, thể thao Việt Nam sẽ ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị cho Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới. Một số VĐV trọng điểm, điển hình như Nguyễn Huy Hoàng ở môn bơi sẽ tiếp tục sang nước ngoài tập huấn. Mặc dù giành đến 136 HCV và đứng đầu tại kỳ Đại hội vừa diễn ra ở Campuchia nhưng chỉ tiêu của thể thao Việt Nam tại Asiad rất khiêm tốn, chỉ từ 3-5 HCV. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục