Thận trọng với ý tưởng cải tiến chữ viết tiếng Việt

Chia sẻ

PNTĐ-Nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ, để bộ chữ cái 38 chữ chỉ còn 31 chữ của PGS.TS Bùi Hiền gây tranh cãi dữ dội trong những ngày qua.

 
Thận trọng với ý tưởng cải tiến chữ viết tiếng Việt - ảnh 1
Cộng đồng mạng “chế” ảnh về chuyện cải cách chữ
 
Bài nghiên cứu “Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế” của PGS.TS Bùi Hiền về việc cải tiến chữ quốc ngữ được đăng trong cuốn sách “Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển” (tập 1) dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành, nhân “Hội thảo Ngữ học toàn quốc” được tổ chức tại trường ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9/2017.
 
Ông Bùi Hiền đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W = Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
 
Việc cải tiến chữ viết theo ông Bùi Hiền sẽ thống nhất cách viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các bất cập, thiếu sót, không nhất quán trước đây, gây khó khăn cho người dùng, giảm bộ chữ cái 38 chữ chỉ còn 31 chữ; nếu chữ cũ viết 100 trang thì chữ mới chỉ còn hơn 90 trang; tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư khi tạo lập văn bản trên giấy...
 
Theo PGS. TS Bùi Hiền chia sẻ, quá trình nghiên cứu chữ quốc ngữ của ông kéo dài chừng 40 năm. Ông đã soạn thảo phần thay đổi toàn bộ hệ thống phụ âm, còn phần nguyên âm thì vẫn chưa làm xong. Phần ông mới công khai chỉ là một nửa công trình nghiên cứu.
 
Ngay lập tức, dư luận dậy sóng với những luồng ý kiến, đa phần đều cho rằng nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền là “lố bịch”, “thảm họa của tiếng Việt”, “đề xuất thảm họa và vô nghĩa”, “rảnh rỗi sinh nông nổi”…
 
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu ngôn ngữ học không phản ứng dữ dội như bộ phận đông đảo công chúng và cư dân mạng. Họ cho rằng, công trình của PGS. TS Bùi Hiền là nghiên cứu khoa học, không nên miệt thị, chỉ trích hay “ném đá”.
 
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương vừa qua cũng đã chia sẻ rộng rãi quan điểm của mình là trước khi phê bình, ném đá hội đồng, chúng ta nên trân trọng ý tưởng mới, chúng ta nên nhìn nhận, suy ngẫm nó dưới góc nhìn khoa học. Mặc dù vậy, TS Hương cũng phải thừa nhận rằng, rất khó để hiện thực hóa ý tưởng này, bà hài hước ví von rằng, nếu nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền được chấp nhận thì bà và cháu sẽ cùng học chung một lớp, vì bà cũng chưa biết viết chữ kiểu mới thế nào.
 
PSG.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng bày tỏ, thực tế trên thế giới, tất cả các bộ chữ tượng thanh đều không hoàn hảo và có nhiều điểm bất hợp lý, không riêng gì chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ đã có những thay đổi nhất định theo thời gian, theo cơ chế “tự điều chỉnh” của cộng đồng, chứ không thể áp đặt. Ông Tình chia sẻ, nhiều người đề xuất cải cách chữ như ông Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bạt Tụy, GS Hoàng Phê, nhưng vì đã được cộng đồng sử dụng quá lâu, việc thay đổi chữ viết sẽ chịu sức ép vô cùng lớn và rất khó để mọi người đồng thuận.
 
Để khép lại những tranh cãi, cuối tuần qua tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tuyên bố, Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ.
 
Tuy nhiên, cũng từ vấn đề này, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại được nhiều nhà Ngôn ngữ, nhà Văn hóa, nhà Sử học đặt ra. Theo Giáo sư Trần Đình Sử hiện nay còn có nhiều lo lắng về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giới trẻ đang có những cách viết riêng trên mạng xã hội theo những quy ước với nhau mà người lớn không đọc được, báo chí cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ cách viết mới của mạng xã hội. Đây là điều không tốt cho sự phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cũng nhân sự việc này, nhiều người cho rằng, nên sớm đề xuất luật về cải cách chữ viết, nhằm tránh những trường hợp gây náo loạn dư luận như đề xuất của Giáo sư Bùi Hiền.

Hương Thủy

Tin cùng chuyên mục

Khi “Hạt gạo làng ta” hóa vũ kịch: Nhà thơ Trần Đăng Khoa “xin… lạy” sinh viên Nhân văn

Khi “Hạt gạo làng ta” hóa vũ kịch: Nhà thơ Trần Đăng Khoa “xin… lạy” sinh viên Nhân văn

(PNTĐ) - Trước những nỗ lực thực hiện chương trình Talkshow và Biểu diễn Vũ kịch Hạt gạo làng ta của các sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn diễn ra hôm 14/5, nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả bài thơ “Hạt gạo làng ta” đã phải xúc động thốt lên: “Tôi xin… lạy! Các bạn làm quá giỏi!”
Khi tình yêu nảy nở giữa người và... AI

Khi tình yêu nảy nở giữa người và... AI

(PNTĐ) - Tình yêu giữa người và trí tuệ nhân tạo tưởng chừng là một khái niệm viễn tưởng xa vời, nhưng trở thành "có thật" trong Tiểu thuyết Người tình của Elara. Ở đó, mối tình chạm đến nỗi cô đơn sâu kín nhất của con người hiện đại, thì thầm với độc giả một điều: “Hãy yêu lại chính mình, từ đoạn đời đã từng tổn thương”.
Hà Nội công bố danh mục di sản, di tích cần bảo vệ

Hà Nội công bố danh mục di sản, di tích cần bảo vệ

(PNTĐ) - Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HĐND tại kỳ họp thứ 22 (khóa XVI), ngày 29/4/2025, ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản và công trình kiến trúc cần được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Đây là bước triển khai cụ thể Luật Thủ đô và các quy định liên quan trong công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.