Họa sĩ - NSƯT Chu Lượng:
Vẽ phụ nữ là cuộc thử sức mới!
(PNTĐ) - Họa sĩ - NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long - được nhiều người biết đến bởi ông đã từng gắn bó nhiều năm và nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước. Không chỉ vậy, thời gian gần đây, ông còn để lại ấn tượng sâu sắc với giới yêu thích hội họa qua những bức tranh vẽ chân dung người phụ nữ.

Theo họa sĩ Chu Lượng, hầu hết các bức tranh chân dung phụ nữ do ông vẽ đều đã có chủ, điều này cho thấy tranh của họa sĩ Chu Lượng được đón nhận nhiệt tình. Nhận xét về tranh vẽ chân dung của họa sĩ Chu Lượng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, các họa sĩ ai chẳng vẽ về chân dung, song khi nhìn tranh chân dung của Chu Lượng thì tôi nhận ra một tinh thần khác. Dường như, Chu Lượng thấu hiểu rằng, người phụ nữ nào muốn vẽ đều mong ước nhan sắc của họ vĩnh hằng. Vì vậy, Chu Lượng không bỏ sót bất cứ điều gì làm nên vẻ đẹp của họ và cố gắng làm nổi bật lên nét riêng đặc biệt ở mỗi người.
Chia sẻ về lựa chọn vẽ chân dung phụ nữ, họa sĩ Chu Lượng thừa nhận, sở trường của ông không phải vẽ chân dung, nhưng từ tình cảm với bạn bè, những người xung quanh, ông mạnh dạn cầm cọ vẽ. Hồi tháng 3/2016, ông đã trưng bày cuộc triển lãm “Chu Lượng và những người bạn”. Ở đó, chân dung những nghệ sĩ nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Bảo Ninh, các họa sĩ Thành Chương, Đào Hải Phong... đã được họa sĩ Chu Lượng vẽ chân dung sinh động. Tại cuộc triển lãm này, ông bày tỏ, tình bạn là một giá trị văn hóa vô cùng cao quý. Ông đã mượn những người bạn để thể hiện con người và nghệ thuật của mình.
Thành công của cuộc triển lãm “Chu Lượng và những người bạn” giúp họa sĩ Chu Lượng mạnh dạn hơn trong vẽ chân dung. Ông chia sẻ, khi lựa chọn vẽ chân dung những phụ nữ, ông cũng có phần áp lực. Ông nghĩ, phải làm sao để hài lòng nhân vật, thỏa mãn sự sáng tạo của cá nhân và sự đánh giá của những người làm nghề. Trong đó, làm sao thỏa mãn cái tôi, cá tính của mình là điều khiến ông cảm thấy áp lực nhất. “Muốn toát lên được tinh thần, nét đặc sắc của từng bức tranh, họa sĩ phải sống với nhân vật và tôi đã vẽ họ bằng sự đam mê, bằng cảm thụ của nghệ thuật. Vẽ chân dung, đặc biệt là đề tài phụ nữ bao giờ cũng hấp dẫn giới nghệ thuật. Tôi lại là người tay ngang sau khi gắn bó nhiều năm với nghệ thuật múa rối nước nên cũng muốn chạm thử đề tài này một lần. Khi nhận vẽ một nữ nhân vật mới quen, tôi đã thường phải có những buổi ngồi uống cà phê, trò chuyện để hiểu về đời sống của nhân vật mà mình sẽ vẽ như sở thích, tâm trạng...” - họa sĩ Chu Lượng nói.
Với mỗi chân dung người phụ nữ, họa sĩ Chu Lượng vẽ 2-3 bức tranh, một bức chiều theo ý nhân vật, còn lại là ông vẽ theo cảm quan và cá tính của mình. Họa sĩ Chu Lượng chia sẻ thêm, ông vẽ người phụ nữ trên tinh thần của nghệ thuật múa rối nước, vẽ họ trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất. "Để làm toát lên vẻ đẹp nội tâm của họ thực sự rất khó bởi tôi không vẽ hình hài bên ngoài mà vẽ nội tâm, khát vọng của nhân vật” - họa sĩ Chu Lượng nói. TS. PGS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội từng chia sẻ khi đến tham quan triển lãm của họa sĩ Chu Lượng rằng, họa sĩ Chu Lượng không chỉ suốt đời mê mẩn với những con rối mà còn là một nghệ sĩ vẽ chân dung tài ba: Anh vẽ những con người chứ không vẽ hình dáng.
Nhìn tranh của họa sĩ Chu Lượng vẽ, người xem như nhìn nhận ra những câu chuyện của cái đẹp ở mỗi bức chân dung. Ở đó như có sự hội tụ từ nhiều tấm hình, sự chuyển động của sắc màu, khoảnh khắc của niềm vui, của suy tư lặng lẽ. Trước khi đến với giá vẽ, họa sĩ Chu Lượng nổi tiếng với nghệ thuật múa rối. Suốt nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật múa rối, đến giờ niềm đam mê với môn nghệ thuật này vẫn rất đặc biệt với ông. Trong lĩnh vực này, ông đã để lại nhiều dấu ấn sáng tạo. Những con rối do họa sĩ Chu Lượng thiết kế không chỉ kế thừa giá trị truyền thống của ông cha mà còn nâng tầm lên để con rối trở nên đẹp hơn, sinh động hơn, phù hợp với đời sống đương đại.
Có lẽ, sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc bộ nên nét sinh hoạt văn hóa đời thường của làng quê cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân đã ảnh hưởng vào Chu Lượng để làm nên một Chu Lượng không những nổi tiếng với những con rối nước giản dị, mộc mạc mà còn được người yêu hội họa mến mộ bởi những nét cọ tinh tế của mình.