"Ẩm IC" - Ai cũng có thể mắc

Chia sẻ

Bệnh tâm thần có rất nhiều thể, dạng, mức độ khác nhau… và mọi người đều có thể bị “ẩm IC” – dẫn tới “chập mạch”.

 
Đỏ mặt, cứng họng khi yêu: Cũng là tâm thần
 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: Sức khỏe không chỉ là trạng thái không bệnh hay không tật mà còn là trạng thái hoàn toàn thoải mái về các mặt cơ thể, tâm thần và xã hội. Sức khỏe tâm thần là mặt trọng tâm thiết yếu bởi vì chức năng tâm thần của hệ thần kinh là chủ đạo, điều khiển mọi hành vi, tư duy và cảm xúc của con người.
 

 
Theo BS Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, nói đến bệnh tâm thần, người dân thường nghĩ đến số ít các bệnh nhân điển hình như tâm thần phân liệt và rối loạn hoang tưởng. Chẳng hạn, có chàng trai luôn nghĩ mình… là chim câu. Có anh lúc nào cũng sợ bị ám sát vì cho rằng mình là Tổng thống Mỹ. Cách đây vài chục năm, một người tự nhận là “nhà khoa học vĩ đại” công bố công trình tưới nước ở đồi cao su. Nhưng, ông này lại để nước… tự chảy lên đồi không cần dùng bơm trong khi những người “không vĩ đại” khác đều hiểu nước chỉ có thể chảy chỗ trũng.
 
Tuy nhiên, ít ai hiểu rõ rằng, thực ra, trong sức khỏe tâm thần có tới 300 loại bệnh và 99% bệnh lý tâm thần là ở những dạng khác ngoài tâm thần phân liệt và rối loạn hoang tưởng. Chúng ta có thể bắt gặp những biểu hiện “bệnh” như thế trong cuộc sống: Trẻ em đái dầm, nói ngọng, nói lắp… do tâm lý tâm thần (biểu hiện bệnh lý rất ít), người nhút nhát quá mức, đi ngủ không dám tắt đèn vì sợ ma; hay chàng trai hễ gặp bạn gái là đỏ mặt, cấm khẩu không thể tỏ tình… Bệnh tâm thần còn gồm cả những quý ông “chưa bắn” đã “hết đạn” vì tự ti hay quá ư sợ vợ...
 
Theo BS Lý Trần Tình, trong cuộc sống, ai cũng có lúc vui, lúc buồn, khi căng thẳng, lo âu, khi hối hận, hưng phấn, lúc lại “hơi leng keng”... Với người bình thường, sau một thời gian ngắn “không bình thường” sẽ lại tự cân bằng được cảm xúc, tâm  lý, làm chủ được hành vi. Nhưng, một khi cảm xúc, suy nghĩ, hành động của con người thường xuyên “có vấn đề” trong thời gian dài, vượt ra khỏi sự tự điều chỉnh cân bằng trở lại của cơ thể… thì người đó đã mắc chứng bệnh tâm lý-tâm thần.
 
Bệnh tâm thần: Đừng chủ quan
 
Từ năm 2001, trong báo cáo tình hình sức khỏe thế giới, WHO đã nêu rõ rối loạn tâm thần là bệnh phổ biến nhất, đứng đầu trong danh sách gánh nặng bệnh tật của con người, vượt trên cả HIV, các bệnh nhiễm trùng thông thường và tim mạch. Trên thế giới, cứ 4 người thì có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
 
Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, con người chịu  nhiều sức ép thì bệnh ngày càng tăng. WHO dự báo các bệnh lý tâm thần-tâm lý sẽ tăng từ 12% (năm 1999) lên đến 20% (năm 2020). Bệnh tâm thần thường không gây chết người đột ngột nhưng làm giảm sút hoặc mất khả năng lao động, làm đảo lộn cuộc sống của gia đình và xã hội.
 
Bệnh tâm thần không “tha” một đối tượng nào. Trẻ em bị rối nhiễu tâm lý do áp lực học tập; thanh niên, công chức bị stress do công việc, bị thất tình, vỡ nợ; người già gặp vấn đề vì cô đơn, buồn chán, vì quan hệ với con cái…
 
Để có một sức khỏe tâm thần tốt:
1. Sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi. Biết cân nhắc giữa khả năng thực tế và nhu cầu. Đảm bảo ngủ tốt, ngủ đúng và đủ số giờ cần thiết. Sinh hoạt điều độ, hạn chế rượu và các chất kích thích.
2. Tổ chức tốt cuộc sống gia đình. Gia đình là môi trường luôn tác động đến đời sống tâm thần mỗi người.
3. Hạn chế và cố gắng  loại trừ các sang chấn tâm lý. Trong gia đình, cần tránh các xung đột, mâu thuẫn giữa cha mẹ hoặc anh em. Trong cơ quan, cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài.
4. Biết chọn lọc thông tin, có thái độ đúng với các cảm xúc âm tính. Kiên quyết loại trừ những thông tin không cần thiết. Cảm xúc dương tính (vui mừng, phấn khởi, lạc quan…) làm tăng trương lực của vỏ não, ảnh hưởng tốt đến họat động tim mạch và chuyển hóa, còn cảm xúc âm tính (lo âu, giận dữ, bi quan, thất vọng…) có ảnh hưởng ngược lại.
5. Khi thấy mình hoặc người thân có biểu hiện “ẩm IC” hãy đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám, tư vấn kịp thời.
   Ở nước ta, chỉ tính riêng tỷ lệ 10 bệnh tâm thần thường gặp (tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, lo âu, chậm phát triển tâm thần, rối loạn  hành vi thanh thiếu niên, mất trí tuổi già, nghiện ma túy, nghiện rượu, rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não) đã có trên 15% dân số bị các bệnh này (riêng lạm dụng rượu và nghiện rượu chiếm 6%). Ở HN tỷ lệ này là 18,6% (lạm dụng rượu và nghiện rượu chiếm trên 8%). Hiện, con số này còn cao hơn.
 
   Từ những biểu hiện bất bình thường ban đầu về sức khỏe tâm thần như lo lắng thái quá, chán nản mệt mỏi, căng thẳng, nếu được can thiệp kịp thời, bệnh có thể chữa khỏi hoặc thuyên giảm. Tuy nhiên, do hiểu biết của  người dân về bệnh tâm thần còn hạn chế nên thường bệnh được phát hiện khá muộn. Thời gian mà người bệnh từ lúc mới bị bệnh đến lúc phát bệnh rõ rệt là 3 năm mới được đưa đi chữa trị.
 
   Có gia đình khi con bỏ học, quậy phá… lại nghĩ rằng con “láo”, “hư” chứ không phải bị… tâm thần. Một số gia đình thì giấu bệnh vì “xấu hổ”, tới khi người bệnh đốt nhà, quậy phá, đòi tự vẫn... mới vội vàng đưa tới viện.  Thực tế đã ghi nhận nhiều ca như học sinh tự sát tập thể, phụ nữ bị trầm cảm sau sinh giết chết con… cũng là hệ quả của bệnh tâm thần không được chữa trị kịp thời.
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Sởi ở người lớn

Sởi ở người lớn

(PNTĐ) - Không còn là căn bệnh “của trẻ con”, sởi đang quay trở lại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả người lớn. Nhiều bệnh nhân trưởng thành nhập viện trong tình trạng nguy kịch, gặp các biến chứng như viêm phổi nặng, tiêu chảy cấp, thậm chí suy hô hấp tiến triển (ARDS) phải can thiệp bằng kỹ thuật ECMO.
Hà Nội: Khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em

Hà Nội: Khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em

(PNTĐ) - Mới đây, Bệnh viện Tim Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đến thăm, khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội.