Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta

Chia sẻ

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố một loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được đặt tên là Omicron và gán nhãn “biến thể đáng lo ngại” do tốc độ lây lan khủng khiếp, có 32 đột biến trong protein gai, khả năng né miễn dịch ở những người tiêm vắc-xin Covid-19 và từng nhiễm Covid-19 trước đó...

Cảnh giác với biến thể siêu lây nhiễm mới của virus SARS-CoV-2

Trước khi được WHO đặt tên là Omicron, biến thể mới này ban đầu có tên gọi B.1.1.529, xuất hiện lần đầu ở phía Nam châu Phi, được giới khoa học mô tả là biến thể tồi tệ nhất được tìm thấy cho đến nay. Đến ngày 29/11, Omicron đã được phát hiện thêm ở Úc, Anh, Đức, Ý, Bỉ, Israel... và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).

Theo định nghĩa của WHO, biến thể đáng quan ngại là khi nó dẫn đến một trong những thay đổi lớn ở cấp độ y tế công cộng toàn cầu như: Biến thể làm tăng khả năng lây lan dẫn tới thay đổi bất lợi về dịch tễ học Covid-19; gia tăng độc lực virus hoặc thay đổi về tình trạng lâm sàng; biến thể gây giảm hiệu quả trong phòng ngừa như chẩn đoán, vắc-xin và các biện pháp điều trị.

Chia sẻ trên Newsweek ngày 26/11, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding - nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) lưu ý rằng, biến thể mới Omicron có số lượng đột biến xấu ở gai nhiều gấp đôi so với biến thể Delta. “Biến thể B.1.1.529 mới có khả năng lây nhiễm cạnh tranh cao hơn khoảng 500% so với biến chủng Delta. Đây là chỉ số đáng kinh ngạc nhất tới nay”.

Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện Omicron chứa hàng loạt đột biến như: K417N, N501Y, N440K, G446S... Trong đó, K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta. Đột biến ảnh hưởng đến một vùng của protein S mà virus dùng để xâm nhập tế bào, được gọi là vùng liên kết thụ thể (phân tử protein). Khu vực này quyết định độ bám dính của virus với tế bào, giúp tạo liên kết mạnh mẽ hơn giữa chính nó và vật chủ và khiến virus lây nhiễm dễ dàng hơn. Đột biến N501Y cũng có trong biến thể Alpha, giúp virus gắn vào tế bào người.

Đột biến N440K giúp virus trở nên mạnh mẽ, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng sau nhiễm Covid-19. Theo các báo cáo, độc lực của nó cao gấp 15 lần so với các biến thể ban đầu. Thông thường, người mắc Covid-19 đạt đến giai đoạn khó thở, thiếu oxy trong vòng một tuần. Nếu nhiễm virus chứa đột biến N440K, bệnh nhân có thể chuyển nghiêm trọng chỉ trong vòng ba đến 4 ngày.

B.1.1.529 còn chứa tới hai đột biến là P681H và N679K ở vị trí phân cắt furin (vị trí giúp virus thuận lợi xâm nhập vào tế bào). Đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi nhận hai đột biến này trong một biến chủng. P681H từng xuất hiện trong biến chủng Mu và Alpha, làm tăng khả năng lây truyền của virus.

Với việc phân loại Omicron vào loại biến thể đáng lo ngại, WHO yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus biến thể mới này. Các quốc gia nộp bản giải trình tự gene đầy đủ và dữ liệu (metadata) lên cơ sở dữ liệu công, đồng thời báo cáo các ca mắc/ổ dịch biến thể Omicron đầu tiên lên WHO. WHO cũng khuyến cáo điều tra hiện trường và đánh giá năng lực phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về tác động tiềm năng của biến thể đáng quan ngại đối với dịch tễ học Covid-19, hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội và y tế công cũng như khả năng trung hòa kháng thể virus.

Ngoài ra, WHO cũng cảnh báo gia tăng nguy cơ tái nhiễm khi so sánh với các biến chủng khác, bởi số lượng ca nhiễm mắc biến thể Omicron đang tăng lên ở hầu hết các địa phương của Nam Phi. Theo khuyến cáo của WHO, người dân các nước cần thực thi các biện pháp bảo vệ để phòng tránh nguy cơ nhiễm Covid-19, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội, thông gió, mở cửa không gian trong nhà, tránh nơi đông người và tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19.

Biến thể Omicorn được nhận định là dễ thích ứng với cơ thể người hơn biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2.Biến thể Omicorn được nhận định là dễ thích ứng với cơ thể người hơn biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Int)

Gấp rút triển khai biện pháp phòng chống biến chủng Omicron

Tại Việt Nam, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên, để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận, lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19, nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của ổ dịch Covid-19.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gên các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; đồng thời đã báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế và cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/ đi về từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia y tế cho rằng các địa phương phải nâng cao hơn một mức công tác giám sát y tế, dịch tễ đến từng người dân, từng nhóm đối tượng cần giám sát, như người chưa tiêm vắc-xin (trẻ em dưới 12 tuổi, người già chống chỉ định tiêm vắc-xin), người có bệnh nền… và phân công từng trạm y tế, từng tổ phản ứng nhanh theo dõi thường xuyên, thăm khám kịp thời; tăng cường xét nghiệm điều tra dịch tễ cộng đồng ở những nơi nguy cơ cao như các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, trong đó lưu ý sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2…

Đặc biệt, các quy định phòng, chống dịch phải làm sao để người dân không giấu thông tin bị nhiễm, mà báo ngay cho y tế cơ sở để được xét nghiệm, điều trị từ sớm. Các hướng dẫn về xét nghiệm, xử lý ca nhiễm trong khu công nghiệp cần được cập nhật để các doanh nghiệp có ca nhiễm có phương án vừa xử lý nhanh chóng, hiệu quả mà không làm gián đoạn sản xuất.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.