Cảnh báo biến thể ung thư cổ tử cung hiếm gặp do HPV type 18: âm thầm, khó phát hiện, dễ bỏ sót
(PNTĐ) - Trường hợp của chị Nguyễn Thị Tiên (45 tuổi, TP.HCM) là lời cảnh tỉnh về nguy cơ mắc biến thể hiếm của ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra, dù trước đó không có dấu hiệu bất thường trong các lần tầm soát.
Hơn một tháng gần đây, chị Tiên xuất hiện các triệu chứng đau bụng dưới, đau thắt lưng và tiểu khó. Sau khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, chị được chỉ định làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear), kết quả cho thấy dương tính với virus HPV type 18 – một trong những chủng nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Đồng thời, chị có tổn thương trong biểu mô vảy độ cao và được phát hiện có u xơ tử cung tương đương thai 16 tuần tuổi (loại 2-5 theo phân loại FIGO).
Sau khi được thực hiện kỹ thuật khoét chóp cổ tử cung, kết quả mô học xác định chị Tiên mắc tổn thương biểu mô cổ tử cung dạng chế tiết nhầy (SMILE) – một biến thể hiếm gặp và nguy hiểm của ung thư biểu mô tuyến tại chỗ (AIS). Các tế bào ác tính đã có dấu hiệu xâm nhập mạch máu và bạch huyết, cho thấy bệnh đã tiến triển đến giai đoạn IB1.

Theo BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, tổn thương dạng SMILE là dạng tổn thương tiền ung thư/ung thư cổ tử cung ít gặp, đặc trưng bởi sự chồng lấp giữa tổn thương biểu mô vảy (SIL) và ung thư biểu mô tuyến tại chỗ (AIS). Biến thể này thường liên quan đến các chủng HPV nguy cơ cao, đặc biệt là type 16 và 18.
“SMILE có đặc điểm khó chẩn đoán, diễn tiến âm thầm nhưng khả năng ác tính cao hơn so với những tổn thương tiền ung thư cổ tử cung thông thường. Phác đồ điều trị cần cá thể hóa cho từng trường hợp”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.
Với trường hợp chị Tiên, để điều trị, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung toàn phần, nạo hạch chậu, bảo tồn hai buồng trứng. Sau mổ, chị hồi phục tốt, xuất viện sau ba ngày và tiếp tục tái khám theo lịch hẹn.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, với nguyên nhân hàng đầu là nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn sớm. Các dấu hiệu nếu có thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa thông thường như: chảy máu âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục, dịch tiết âm đạo có mùi hôi hoặc đau vùng chậu.
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, cơ hội sống rất cao. Theo bác sĩ Mỹ Nhi, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở bệnh nhân mắc SMILE giai đoạn I có thể lên đến 88,9%. Ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn II – IV), tỷ lệ sống sót chỉ còn khoảng 30%. Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vaccine HPV là biện pháp chủ động, hiệu quả giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Vaccine được khuyến cáo cho nữ giới từ 9 đến 45 tuổi.
Bên cạnh đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 64 cần chủ động sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ bằng xét nghiệm Pap smear hoặc HPV test theo chỉ định. Phát hiện sớm những bất thường sẽ giúp điều trị hiệu quả, giảm chi phí và ngăn bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng.
Bởi vậy, chị em đừng chủ quan khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Việc tầm soát định kỳ và tiêm vaccine đúng lịch là “lá chắn” quan trọng bảo vệ sức khỏe sinh sản và tính mạng của chính bạn.