Hà Nội: Số ca mắc sởi, tay chân miệng có xu hướng giảm, tiếp tục tăng cường phòng chống dịch
(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm ở một số bệnh truyền nhiễm phổ biến như sởi và tay chân miệng, song vẫn ghi nhận thêm nhiều ca bệnh mới, đòi hỏi các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống.
Theo đó, tuần qua toàn thành phố ghi nhận 181 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, không có ca tử vong; giảm 8 ca so với tuần trước (189 ca). Một số địa phương có số ca mắc cao gồm Hà Đông (21 ca), Nam Từ Liêm (16), Hoàng Mai (15), Long Biên (11) và Cầu Giấy (10).
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi có xu hướng giảm nhưng vẫn ghi nhận rải rác, chủ yếu ở nhóm chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 2.635 ca mắc, trong đó có 1 ca tử vong; tăng so với cùng kỳ năm 2024 (1.000 ca/0 tử vong). Bệnh nhân phân bố ở nhiều nhóm tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 254 ca tay chân miệng tại 28 quận, huyện, không có tử vong, giảm 59 ca so với tuần trước (313 ca). Một số địa bàn có số ca mắc cao như Nam Từ Liêm (27), Mê Linh (20), Hoàng Mai (18), Sóc Sơn (17), Hà Đông (16).
Trong tuần, phát hiện 5 ổ dịch mới, nâng tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay lên 40, hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động. Cộng dồn năm 2025, Hà Nội ghi nhận 2.277 ca mắc tay chân miệng, không có tử vong; tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (1.247 ca).
Hà Nội ghi nhận 12 ca sốt xuất huyết trong tuần, không có tử vong; tăng 8 ca so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 251 ca mắc, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (667 ca). Trong tuần không ghi nhận ổ dịch mới, 1 ổ dịch cũ đã kết thúc hoạt động.
Tuần qua, thành phố ghi nhận 1 ca uốn ván ở người lớn tại huyện Chương Mỹ (nam, 57 tuổi, tiền sử giẫm phải đinh); cộng dồn năm 2025 là 14 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2024 (7 ca).
Dịch Covid-19 tiếp tục duy trì ở mức thấp với 23 ca mắc mới trong tuần, không có ca tử vong; cộng dồn từ đầu năm là 37 ca, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (637 ca). Các bệnh khác như liên cầu lợn, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, ho gà không ghi nhận ca mắc trong tuần.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát trong mùa hè, các quận, huyện, thị xã đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6; triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất tại các điểm nóng hàng năm.
Tăng cường giám sát tại cộng đồng, trường học, xử lý triệt để ổ dịch, vệ sinh môi trường và khử khuẩn theo đúng quy định. Ngành Y tế và Giáo dục đẩy mạnh phối hợp giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học; tuyên truyền phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ.
Ngoài ra, CDC Hà Nội đang tiếp tục giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại nhiều địa bàn như Đan Phượng, Bắc - Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Phú Xuyên và thực hiện điều tra sự phân bố, thành phần loài muỗi truyền bệnh. Công tác y tế cũng được đảm bảo để phục vụ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Dự kiến, trong thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức hội nghị hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2025 tại trụ sở UBND thành phố.