Chất lượng dân số Thủ đô đã từng bước được nâng cao
(PNTĐ) - Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, công tác dân số và phát triển của thành phố những năm qua đã đạt được thành tựu đáng kể về cả quy mô và cơ cấu dân số. Đặc biệt, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm.
Những thành tựu bước đầu trong công tác dân số
Thông tin tại lễ phát động tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Từ năm 1961, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 216-CP ngày 26/12 “về việc sinh đẻ có hướng dẫn”. Với văn bản này có thể nói Việt Nam thuộc nhóm những nước có chương trình kế hoạch hóa gia đình sớm nhất thế giới.
Trải qua 62 năm thực hiện các mục tiêu của công tác Dân số, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Dân số Việt Nam tăng gấp hơn 3 lần (từ 30,2 triệu lên 96,2 triệu), thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từ 6,3 con xuống 2,09 con.
Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%. Tuổi thọ bình quân khá cao, đạt 73,64 tuổi năm 2022. Mức sinh giảm sẽ tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với cả nước, công tác dân số của Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn xác định công tác dân số là bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển Thủ đô, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng.
Về quy mô dân số, năm 2022, dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người, chiếm khoảng 8.4% dân số cả nước, toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ -TFR: 2,1 con), tỷ suất sinh thô giảm trung bình hàng năm 0,1%.
Về cơ cấu dân số, thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) năm 2022 là 110,8/100, dự kiến 2023 là 112/100.
Hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, dự kiến, năm 2023 tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 83%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88%.
Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù…
Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm cũng ghi nhận và đánh giá cao công tác dân số của Hà Nội: Thành phố đã tham mưu kịp thời, chọn vấn đề cần ưu tiên để quyết liệt chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân số và phát triển, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.
"Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về dân số đã được UBND thành phố phê duyệt nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số" - Phó Cục trưởng Cục Dân số nhấn mạnh.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong các phong trào
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay với chủ đề: “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”, bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhấn mạnh: Chúng ta cần nhận thức rõ, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn có vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề đảm bảo sức khỏe cơ thể và sức khỏe tinh thần trước khi kết hôn, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị sức khỏe để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
“Tại quận Tây Hồ, công tác dân số đã được UBND quận triển khai bằng những đề án, chương trình và các kế hoạch cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của dân số. Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển quận đã có những hoạt động phối hợp mang tính đồng bộ, các hoạt động từ truyền thông đến can thiệp trực tiếp tới các nhóm đối tượng cụ thể được triển khai liên tục.
Có thể kể đến các chương trình như: Mô hình “Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên”, “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”; các kế hoạch thực hiện Đề án: “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh”, “Sàng lọc khiếm thính”; các chương trình: “Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn”, “Gia đình bình đẳng, không biệt giới tính”… cùng nhiều chương trình khác luôn phát huy vai trò và tác dụng.
Ban chỉ đạo công tác dân số 8 phường trên địa bàn, hệ thống đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại cơ sở cũng luôn phát huy tính chủ động và sáng tạo trong các phong trào. Chất lượng về quản lý dân cư và truyền thông vận động đã mang tính chính xác, kịp thời, đúng trọng tâm, đúng đối tượng”- bà Bùi Thị Lan Phương thông tin.
Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình, thời gian qua, Ban Thường vụ Quận Đoàn - Hội LHTN Việt Nam quận Tây Hồ luôn chú trọng và thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Đoàn - Hội triển khai giáo dục, truyền thông dân số cho trẻ vị thành niên, thanh niên.
Quận Đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội và hệ thống website do Đoàn - Hội các cấp quản lý, truyền thông thông qua các phương tiện trực quan...
Cùng với đó, tổ chức hội thi sân khấu hóa liên quan đến các nội dung đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản... nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên về công tác dân số - KHHGĐ.
Thông qua các hoạt động đã trang bị cho đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên và người dân những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, giới tính, từ đó thực hiện có hiệu quả các chính sách về Dân số - KHHGĐ.
Để đảm bảo công tác dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội, thực hiện có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến rõ nét, chất lượng và sự ổn định trong công tác dân số, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh: Trong thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương và thành phố công tác dân số theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự tham gia của các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân.
Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên...