Chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Hà Nội: Bước đầu triển khai an toàn, hiệu quả

Chia sẻ

Từ ngày 16/4, Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn toàn thành phố. Ghi nhận tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng được liên ngành Y tế - Giáo dục và các nhà trường triển khai quy củ, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Học sinh tự tin khi đi tiêm chủng

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều điểm tiêm như: Điểm trường THCS Nguyễn Trãi, trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình); điểm trường Tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân, THCS Nguyễn Phong Sắc (quận Hai Bà Trưng); trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông); trường THCS Việt Long (huyện Sóc Sơn)… công tác tiêm chủng được triển khai cẩn thận.

Đơn cử, tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), công tác đón tiếp được tổ chức quy củ, các em học sinh lớp 6 của 2 trường THCS Lê Quý Đôn và THCS Dương Nội đều được phụ huynh đưa đến xếp hàng đăng ký tiêm. Ông Trương Kỳ Phong - Giám đốc Trung tâm y tế quận cho biết: Lực lượng tham gia tiêm chủng là các nhân viên Trung tâm Y tế quận và các trạm y tế cơ sở; bệnh viện đa khoa và bệnh viện Y học cổ truyền tổ chức các tổ cấp cứu, xe cứu thương để đảm bảo an toàn tiêm chủng lần này. Các thầy cô và gia đình cũng được hướng dẫn kỹ lưỡng trước khi trẻ được tiêm, vì vậy tâm lý của hầu hết các cháu rất thoải mái.

Ngồi chờ tới lượt tiêm vắc-xin, em Nguyễn Tuấn Anh (lớp 6, trường THCS Dương Nội) chia sẻ: “Ban đầu em thấy khá hồi hộp và lo nhất là bị sốt sau khi tiêm vắc-xin. Nhưng qua hướng dẫn, động viên và lời dặn dò kỹ lưỡng của bố mẹ, thầy cô, em thấy nhẹ nhàng và yên tâm hơn. Em sẽ thực hiện đúng lời mẹ và các bác sĩ dặn”. Cũng hoàn thành việc tiêm chủng rất tự tin, em Nguyễn Duy Anh (lớp 6, trường THCS Lê Quý Đôn) cho biết: “Lúc tiêm em thấy rất nhẹ nhàng, sau khi hết thời gian chờ em chỉ thấy hơi đau tay, sức khỏe của em không có gì thay đổi, nếu không bị sốt, ngày mai em vẫn có thể đi học bình thường”.

Hay tại huyện Sóc Sơn, các điểm tiêm đều được trang bị đầy đủ vật tư như: Bông, cồn, phích vắc-xin, nhiệt kế, hộp chống sốc, tờ khai y tế, bảng kiểm khám sàng lọc, phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu xác nhận tiêm chủng, phiếu theo dõi phản ứng sau tiêm… Trung tâm Y tế huyện cũng trang bị đầy đủ cơ số phòng chống phản vệ và phân công 3 tổ cấp cứu thường trực trong những ngày diễn ra chiến dịch để sẵn sàng xử trí, cấp cứu các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã có lưu ý và khuyến cáo cụ thể tới các bậc cha mẹ khi đưa trẻ đi tiêm; nhấn mạnh sự cần thiết của việc giúp trẻ thoải mái về tinh thần, cho trẻ ăn no. Đặc biệt trong 3 ngày đầu sau tiêm, bố mẹ được khuyến cáo luôn bên cạnh hỗ trợ trẻ 24/24 giờ. Tránh cho trẻ vận động mạnh, hướng dẫn trẻ nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng. Chuẩn bị thuốc hạ sốt và cho trẻ dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ khi trẻ sốt trên 38,50C.

Nhân viên y tế tiến hành tiêm chủng cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm trường THCSLê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội)Nhân viên y tế tiến hành tiêm chủng cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội)

Vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu

Tính đến ngày 17/4, chỉ trong vòng 2 ngày thành phố đã có 15 quận, huyện, thị xã triển khai tiêm chủng cho trẻ là học sinh lớp 6; tổng số mũi tiêm được thực hiện là 8.435. Các mũi tiêm đều an toàn, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Sau 28 ngày, trẻ sẽ được tiêm mũi 2. Việc tiêm chủng được triển khai theo thứ tự lứa tuổi giảm dần bắt đầu từ học sinh lớp 6 (từ 11 tuổi đến 11 tuổi 10 tháng tính theo ngày sinh nhật), không mắc Covid-19 hoặc mắc Covid-19 và đã khỏi trên ba tháng. Vắc-xin được sử dụng tiêm cho trẻ là vắc-xin Moderna, liều lượng là 0,25ml mỗi trẻ.


Trao đổi thêm về công tác tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay: Ước tính toàn thành phố có 1 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Trong kế hoạch tiêm cho đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tất cả các điểm tiêm chủng cố định, lưu động, các trạm y tế, các phòng khám đa khoa, các bệnh viện, các điểm lưu động ở các trường THCS, tiểu học, mầm non hay các Trung tâm bảo trợ xã hội đều được tổ chức các điểm tiêm chủng. Ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng kế hoạch tiêm chủng tốt nhất.

“Với lứa tuổi này quan trọng nhất là an toàn tiêm chủng, Hà Nội đã tập huấn cho tất cả lực lượng y tế tham gia dây chuyền tiêm chủng cùng với kiến thức về công tác khám sàng lọc, tập huấn về cấp cứu và tổ chức các đội cấp cứu lưu động, đội cấp cứu cố định. Tại các điểm tiêm chủng, Sở Y tế đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến thành phố để tham gia ứng trực.

Để chiến dịch tiêm chủng an toàn, Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực Nhi khoa, Hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, trong quá trình tiêm chủng, chúng tôi rất quan tâm đến các đối tượng: Trẻ em mắc bệnh bẩm sinh, trẻ suy dinh dưỡng hay trẻ có tiền sử dị ứng… và thực hiện khám sàng lọc thật kỹ.

Bên cạnh đó có những phương án xử trí trong quá trình tiêm chủng, với những trẻ có bệnh lý nền hoặc dị ứng chúng tôi sẽ tiêm tại bệnh viện để bảo đảm an toàn nhất cho các cháu. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn phụ huynh học sinh đồng thuận, đưa con em tới các điểm tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng đầy đủ và sớm nhất. Dự kiến đợt tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày” - Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin.

Riêng với những trường hợp trẻ đã mắc Covid-19, bà Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo nên cho trẻ tạm hoãn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ít nhất là 3 tháng sau khi mắc bệnh. Sau thời gian này, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin nếu bảo đảm đủ điều kiện sức khỏe.

Bài và ảnh: HƯƠNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

(PNTĐ) - Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.