Gia tăng gánh nặng sức khỏe do đồ uống có đường

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều kết quả nghiên cho thấy, một đứa trẻ mỗi ngày tiêu thụ hơn 1 phần nước ngọt làm tăng 0,24 chỉ số khối lượng cơ thể (BMI). Trẻ từ 2 - 5 tuổi nếu thường xuyên uống nước ngọt thì nguy cơ béo phì tăng 43%. Đáng nói, thừa cân, béo phì lại kéo theo nguy cơ gia tăng và trẻ hóa hàng loạt bệnh không lây nhiễm như: Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường…

Nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bệnh không lây nhiễm

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do như: Đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm; đường tự nhiên có trong mật ong, si-rô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc; nước có hương vị, nước uống tăng lực và tăng cường thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền, và sữa có hương vị…

Ước tính của nhóm liên cơ quan UNICEF/WHO/World Bank trong năm 2023 cho thấy, toàn thế giới có 5,6% trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân (tương đương với 37 triệu trẻ em). Tổng chi phí do béo phì gây ra là 12% tổng chi tiêu chăm sóc sức khỏe hoặc 0,78% tổng sản phẩm quốc nội trong khu vực.

Thông tin về tình trạng trẻ thừa cân, béo phì  ở Việt Nam, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm - Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho hay: Từ năm 2002-2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em 5-19 tuổi tăng 7,3 lần (từ 2,6% lên 19%). Trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì ở thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng tăng từ 0,6% (năm 2000) lên 7,4% (năm 2020).

Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho thấy, tỷ lệ thừa cân, bép phì ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, qua tìm hiểu tại gần 2.000 trường học trên địa bàn thành phố năm học 2022 – 2023, có đến 32% học sinh bị thừa cân, béo phì. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chế độ ăn uống của trẻ, chủ yếu là tiêu thụ đồ ăn vặt gồm uống nước ngọt và ăn snack.

Gia tăng gánh nặng sức khỏe do đồ uống có đường - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

 Mới đây, một bé trai 13 tuổi (ở Hà Nội, cân nặng 70kg) được các bác sĩ BV Nội tiết Trung ương khám và chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2. “Khác với tiểu đường type 1 ở trẻ thường do nguyên nhân tự miễn, tiểu đường type 2 liên quan nhiều đến chế độ ăn, uống. Như bệnh nhi nói trên rất thích ăn đồ nướng, rán, thích uống nước ngọt. Trong khi trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn, thì hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh này. Do số lượng trẻ em thừa cân, béo phì đang tăng nhanh” - BS Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa Nội tiết (BV Nội tiết Trung ương) chia sẻ.

Nguy hiểm hơn cả, thừa cân, béo phì không chỉ là nguyên nhân dẫn tới đái tháo đường mà còn khiến cơ thể có nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết huyết áp, tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 loại ung thư. Tại Mỹ, nghiên cứu trên 95.000 phụ nữ trong 15 năm cho thấy: Phụ nữ tiêu thụ ≥708ml đồ uống có đường/ngày có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn gấp 2 lần. Mỗi 354ml đồ uống có đường/ngày, nguy cơ ung thư tăng thêm 16%. Với nhóm 13-18 tuổi, mỗi 354ml đồ uống có đường/ngày, nguy cơ ung thư tăng thêm 32%.

Ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm chiếm 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật; và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong (cứ 10 người chết thì có hơn 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm). Trong đó, đồ uống có đường được xem là một trong những tác nhân khiến gánh nặng bệnh tật đang ngày càng trở nên nặng nề. “Trên nhãn dinh dưỡng của một lon nước ngọt 330ml, nhà sản xuất công bố có 11gram đường/100ml, tương đương từ 33-40gram đường/lon nước. Như vậy, chỉ cần uống một lon nước ngọt mỗi ngày đã vượt ngưỡng tiêu thụ đường tự do có lợi cho sức khỏe” - TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm thông tin thêm.

Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm mức tiêu thụ

Nhằm giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe, WHO từng đưa ra khuyến nghị: Cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Cụ thể, giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25gram) mỗi ngày. Thay vì việc tiêu thụ đường tự do trong đồ uống, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo mọi người nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường...; hạn chế cho thêm đường vào đồ uống hay món ăn và ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho trái cây sấy khô, đồ ăn vặt có đường.

Về giải pháp lâu dài để giảm thiểu cũng như kiểm soát mức tiêu thụ đồ uống có đường, WHO cho rằng, các quốc gia triển khai kết hợp ba giải pháp: Áp thuế với đồ uống có đường; giáo dục truyền thông; hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em.

Ông Mark Goodchild - chuyên gia chính sách tài chính y tế (WHO) nhận định: Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang chứng kiến gánh nặng y tế ngày càng gia tăng do các bệnh không lây nhiễm. Chính vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, BS Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng: Việc đánh thuế vào các sản phẩm cụ thể có thể làm tăng chi phí tiếp thị của nhà sản xuất. Khi chi phí này tăng lên, kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng, từ đó có thể làm giảm mức tiêu thụ sản phẩm xuống. Chưa kể, nếu thuế đồ uống được đánh theo hàm lượng đường cũng có thể khuyến khích nhà sản xuất chuyển sang các chất lành mạnh hơn để ít bị đánh thuế, lại tốt cho sức khỏe.

Liên quan tới quy định áp thuế với sản phẩm đồ uống có đường, ông Mark Goodchild cho biết thêm: Tính tới tháng 5/2022, đã có 60 quốc gia đã áp dụng chính sách hạn chế tiếp thị thực phẩm và đồ uống không cồn cho trẻ em, đặc biệt là ở khu vực châu Mỹ và khu vực châu Âu. Tại châu Âu, hầu hết các quốc gia áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mặt hàng này.

Khẳng định việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong 3 chính sách hữu hiệu nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Tuy nhiên, BS Ngô Thị Hà Phương cũng nhấn mạnh, cần đánh giá tác động của các phương án thuế, cung cấp bằng chứng khoa học làm căn cứ lựa chọn chính sách thuế đủ mạnh, đạt được mục tiêu cốt lõi bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong ngắn hạn, có thể nghiên cứu chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với: sản phẩm nước ép trái cây không bổ sung đường; sữa và các sản phẩm từ sữa có hàm lượng đường thấp (như sữa ít đường), để tạo sự khác biệt về mức giá giữa các sản phẩm có hàm lượng đường thấp và đường cao. Từ đó, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm ít đường, tạo động lực để doanh nghiệp cắt giảm giảm lượng đường trong đồ uống.

Tin cùng chuyên mục

Kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đồng hành cùng Hội nghị Nha chu Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15

Kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đồng hành cùng Hội nghị Nha chu Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15

(PNTĐ) - Với sự tham gia của gần 1000 Hội thảo viên 20 quốc gia, Hội nghị Nha chu Châu Á - Thái Bình Dương 2024 (APSP 2024) là một sự kiện lớn của khu vực, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đồng hành cùng sự kiện, các sản phẩm của thương hiệu kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong và ngoài nước.
500 doanh nghiệp thực phẩm nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững

500 doanh nghiệp thực phẩm nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững

(PNTĐ) -Vừa qua, mạng lưới phát triển thực phẩm Việt Nam phối hợp Hiệp hội thực phẩm minh bạch TP.HCM (AFT), Mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) tổ chức chương trình Diễn đàn thực phẩm bền vững, lễ tôn vinh các sáng kiến và nỗ lực vì sự phát triển thực phẩm bền vững với chủ đề 'From Food Hero to Net Zero' (Từ anh hùng thực phẩm đến phát thải ròng bằng 0).