Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đến nay đã là năm thứ 11 được tổ chức, và chưa lần nào “Hành trình đỏ” – chương trình vận động hiến máu lớn nhất trong năm khiến mọi người thôi trầm trồ về hiệu ứng lan tỏa cũng như những con số ấn tượng cùng vô vàn câu chuyện cảm động từ người hiến máu.

Năm 2023, Hành trình đỏ diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/7/2023 với sự tham gia của 46 tỉnh/thành phố; tổ chức được 68 điểm hiến máu chính thức, tiếp nhận trên 45.000 đơn vị máu; 240 điểm hiến máu hưởng ứng, tiếp nhận gần 70.000 đơn vị. Tổng cả các điểm chính và ngày hưởng ứng là tổ chức được 308 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 115.000 đơn vị máu.

Đam mê “hiến máu” giúp xóa nhòa mọi “khoảng cách”

Trong suốt thời gian đó, những thanh âm của Hành trình Đỏ đã được vang lên, những sắc màu của Hành trình Đỏ đã tô thắm mọi nẻo đường, thúc giục hàng trăm ngàn trái tim nhân ái trên khắp dải đất hình chữ S cùng tham gia vào chương trình hiến máu, chiến dịch vận động hiến máu có quy mô lớn nhất, hiệu quả nhất Việt Nam.

Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt - ảnh 1
Hai mẹ con bà Phạm Thị Phượng và em Đặng Phương Dung đi từ Hưng Yên lên Hà Nội để tham gia ngày hội Giọt hồng tri ân

Tại ngày hội hiến máu Giọt hồng tri ân năm 2023 trong buổi Tổng kết Hành trình đỏ diễn ra tại Đại học Thủy Lợi, một trong số nhiều câu chuyện xúc động đó là những chia sẻ và sự đóng góp những "giọt hồng" vô giá của chị Phạm Thị Phượng và con gái Đặng Phương Dung. Từ sáng sớm, hai mẹ con cùng đi từ Hưng Yên lên Hà Nội để tham gia "Hành trình đỏ", nhưng mỗi người lại đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau: Mẹ hiến máu, con gái là tình nguyện viên.

Đặng Phương Dung hiện đang là sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Để đến với địa điểm tổ chức Hành trình đỏ năm nay, Dung và mẹ phải di chuyển chặng đường cả đi và về lên tới gần 140km, nhưng dường như không ai thấy mệt mỏi. Cô sinh viên năng động, trẻ trung ấy còn hào hứng chia sẻ: "Mặc dù là tình nguyện viên của tỉnh Hưng Yên nhưng mùa hè này em lên đầu quân cho Hà Nội để tham gia vận động cho ngày hội Giọt hồng tri ân và chương trình Hành trình Đỏ".

Và điều khiến hai mẹ con có nguồn động lực, tinh thần phấn chấn ấy không phải bởi họ được gì mà xuất phát từ trong tim, và tâm niệm: "Khoảng cách không xa lắm nếu chúng ta coi Viện Huyết học và hiến máu là tất cả".

Trò chuyện thêm với Dung mới thấy, cái duyên đưa cô bé tới với hành trình hiến máu cũng rất đặc biệt. Dung kể, trước đây cô bé từng bị thiếu máu và phải đi truyền máu. Đến khi sức khỏe bình thường trở lại và đủ điều kiện hiến máu, cứ đều đặn 1 năm 4 lần, Dung lại đi hiến máu.

Là một người hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiến máu nên Dung còn tích cực tham gia kêu gọi, vận động mọi người xung quanh đi hiến máu. "Em đam mê hiến máu, vì thế em muốn mọi người cũng đam mê hiến máu như em. Đó chính là lý do mẹ em đã vượt 70 km từ thành phố Hưng Yên lên Hà Nội và có mặt ở đây để hiến máu" - Dung bộc bạch.

Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt - ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Thu Nga (ở Hà Nội) hiến máu với suy nghĩ “Cho đi là còn mãi”

Đến với ngày hội hiến máu Giọt hồng tri ân năm 2023 diễn ra tại Đại học Thủy Lợi không chỉ có Phương Dung, đông đảo các bạn sinh viên, thanh niên mà còn rất nhiều cô bác lớn tuổi đi từ xa tới với mong muốn chia sẻ dòng máu cho người bệnh. Nhưng dù là những người mới lần đầu hồi hộp giang cánh tay hiến máu hay là những người đã nhiều lần thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, tất cả đều chung một tấm lòng vì người bệnh.

Hành trình khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào

Chia sẻ tại buổi tổng kết Hành trình đỏ 2023, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2023 cũng nhấn mạnh: “Chính nhờ những kết quả rất đáng khích lệ đó, Hành trình Đỏ đã góp phần đem lại sự sống cho hàng trăm ngàn người bệnh, giúp cho ngành y tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện, Hành trình Đỏ thực sự đã khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào, tô thắm nên truyền thống tương thân tương ái đáng tự hào của dân tộc ta và chung sức xây dựng một cộng đồng nhân ái”.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - giáo viên trường Tiểu học Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chính là một trong những "giọt hồng" nhân ái như vậy. Chị không chỉ sẵn sàng vượt qua gần 40 km để đi hiến tiểu cầu tới hơn 10 lần trong một năm mà phía sau niềm mong mỏi, khát khao được hiến máu của chị còn là một câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn.

Hành trình hiến máu của chị Thủy bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, chị bị mất ngủ thường xuyên, chán ăn, sút cân, mặt sưng phù… Kết quả xét nghiệm phát hiện các chỉ số bạch cầu tăng cao bất thường khiến chị trải qua một quãng thời gian vô cùng lo lắng, bất an. May mắn chị chỉ bị một bệnh lành tính và sau một thời gian điều trị, sức khỏe của chị đã ổn định trở lại.

Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt - ảnh 3
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy đi gần 40 km từ Bắc Ninh về Viện Huyết học – Truyền máu TW để hiến máu, hiến tiểu cầu

Trong một lần đi khám tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, chị được bác sĩ thông báo: Các chỉ số của chị hoàn toàn bình thường. Cũng trong ngày hôm đó, tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đang tổ chức chương trình hiến máu Giọt hồng tri ân, chị đăng ký tham gia hiến máu... và "Hành trình đỏ" với chị cũng bắt đầu từ đấy.

Chị Thủy chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, máu là món quà vô giá mà người hiến máu đem lại cho người bệnh mà không có một vật chất nào có thể đánh đổi được. Bản thân tôi từng trải qua cảm giác: Đang là một người khỏe mạnh bỗng nhiên phải đi viện, phải đối diện với bệnh tật. Hơn ai hết, tôi hiểu sức khỏe là điều vô cùng quý giá với mỗi con người. Vì vậy, thông qua hiến máu, tôi muốn truyền cho tất cả mọi người động lực, muốn đem lại niềm hy vọng và sự sống cho những người bị bệnh về máu”.

Và rồi, từ một người phụ nữ rất sợ tiêm, trong vòng 8 năm chị đã hiến máu và tiểu cầu tới 41 lần. Mỗi lần hiến tiểu cầu, chị phải di chuyển một chặng đường khá xa từ Tiên Du, Bắc Ninh đến Viện Huyết học – Truyền máu TW, nhưng nghĩ đến những người bệnh đang phải chống chọi với bệnh tật, chị không hề cảm thấy ngại ngần. Chị luôn nghĩ: “Mình tranh thủ lúc còn nhiều sức khỏe, góp chút ít cho các bệnh nhân”.

Chỉ riêng trong năm 2022, người phụ nữ nhỏ bé ấy đã hơn 10 lần vượt qua quãng đường gần 40 km từ nhà ra Hà Nội để hiến tiểu cầu. Chị chia sẻ thêm: “Hiện tại và sau này cũng thế, tôi sẽ luôn đồng hành với hoạt động hiến máu để góp phần nhỏ bé đem lại sự sống cho người bệnh”.

Qua 11 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã đã diễn ra tại 58/63 tỉnh/thành phố; tổ chức thành công 2.653 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 810.000 đơn vị máu. Trong đó có 5 địa phương đã tổ chức Hành trình Đỏ trong 11 năm liên tiếp là: Lâm Đồng, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh; 6 địa phương tổ chức trong 10 năm là: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ.

Chương trình đã hoàn thành 5 mục tiêu chính gồm: Tạo chiến dịch truyền thông rộng lớn từ TW đến địa phương, đáp ứng nhu cầu máu cho điều trị, nâng cao chất lượng công tác vận động và tiếp nhận máu, điều phối công tác tiếp nhận – cung cấp máu trên toàn quốc và lan tỏa tinh thần nhân ái, yêu thương, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Trong đó đặc biệt để lại nhiều dấu ấn trong công tác điều phối máu trên toàn quốc. 

Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

(PNTĐ) - Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

(PNTĐ) - Sáng 17/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công ty Fujifilm Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ; hợp tác triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa; tập trung nghiên cứu khoa học, trao đổi để tiếp cận công nghệ mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu.
Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).