Hơn 1.000 thanh niên, sinh viên được khám sức khoẻ miễn phí

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều ngày 3/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức mít-tinh hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới năm 2025.

Ngày Sức khoẻ thế giới năm 2025 được WHO phát động với chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em để dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em với ưu tiên mang lại hạnh phúc lâu dài của phụ nữ.

Hơn 1.000 thanh niên, sinh viên được khám sức khoẻ miễn phí - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại mít-tinh

Phát biểu tại mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, WHO ước tính mỗi năm có khoảng 300.000 phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh con và hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên sau khi sinh; ước tính cứ 7 giây lại có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa được.

Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước, vì vậy phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em luôn có sự ưu tiên hàng đầu.

“Việt Nam luôn thể hiện những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hơn 1.000 thanh niên, sinh viên được khám sức khoẻ miễn phí - ảnh 2

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc khởi động chương trình, cam kết tiếp tục những nỗ lực để bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế tiếp tục thúc đẩy triển khai các giải pháp trọng tâm về phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 20 triệu thanh niên - đang trong thời kỳ dân số vàng - một cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên. Tuy nhiên, theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, cơ hội chỉ trở thành hiện thực khi mỗi bạn trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, từ trước khi làm cha, làm mẹ.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam luôn xác định chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe bà mẹ - trẻ em là một trong những nội dung trọng tâm trong việc triển khai Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và là những nội dung quan trọng trong thực hiện hiệu quả Luật Thanh niên.

Hơn 1.000 thanh niên, sinh viên được khám sức khoẻ miễn phí - ảnh 3
Các đại biểu đạp xe tuyên truyền ngày Sức khoẻ thế giới

Dù vậy, thực tế cho thấy khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em giữa các vùng miền vẫn còn lớn.

Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, thanh thiếu niên vẫn thiếu thông tin, thiếu dịch vụ y tế thân thiện; nhiều bà mẹ trẻ còn thiếu điều kiện được chăm sóc thai kỳ, sinh nở và nuôi con một cách khoa học, an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỉ lệ tảo hôn ở thanh thiếu niên dân tộc thiểu số có nơi lên tới 30-40%. Tình trạng kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần vẫn còn xảy ra tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số.

Nhiều trường hợp phụ nữ mang thai khi mới 14-17 tuổi, trong khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến các rủi ro trong quá trình mang thai. Thanh niên ở địa bàn khó khăn và đặc thù còn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản; không được tư vấn tiền hôn nhân, không khám thai định kỳ; gặp rào cản ngôn ngữ, kinh tế và văn hóa khi tiếp cận hệ thống y tế.

Hơn 1.000 thanh niên, sinh viên được khám sức khoẻ miễn phí - ảnh 4
Thanh niên, sinh viên được tư vấn, khám sức khoẻ tại mít-tinh.

“Đây không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề phát triển bền vững, là thách thức mà chúng ta - những người trẻ - không thể đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, tôi kêu gọi lực lượng thanh niên, đặc biệt là thanh niên ngành y tế, hãy là những người tiên phong trong việc thu hẹp khoảng cách này. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; tăng cường dịch vụ y tế thân thiện với thanh niên, tạo điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế một cách chủ động, an toàn, khoa học và không kỳ thị.

Đồng thời, mỗi tổ chức Hội, mỗi đoàn viên, hội viên cần trở thành hạt nhân kết nối giữa cộng đồng với hệ thống y tế, giữa kiến thức khoa học và hành vi sức khỏe lành mạnh, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh về thể chất, bền vững về tinh thần, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”, anh Ngô Văn Cương kêu gọi.

Hơn 1.000 thanh niên, sinh viên được khám sức khoẻ miễn phí - ảnh 5
Các đồng chí lãnh đạo tặng quà cho các sản phụ có hoàn cảnh khó khăn.

Tại mít tinh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức khám, sàng lọc, tư vấn chăm sóc sức khỏe và tặng quà cho hơn 1.000 người dân và thanh niên trong độ tuổi tiền hôn nhân; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Ban tổ chức cũng dành ra 10 phần quà hỗ trợ các bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Dự kiến trong tháng 4/2025, hơn 10.000 người dân tại các địa phương trên cả nước sẽ tiếp tục được tư vấn và hỗ trợ trong các chương trình khám bệnh của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Hưởng ứng ngày Sức khoẻ thế giới (07/04) năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” (Healthy beginnings, hopeful futures) nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em để dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em với ưu tiên mang lại hạnh phúc lâu dài của phụ nữ.

Một số thông điệp truyền thông hưởng ứng như sau:

1. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước khi có thai- Bước chuẩn bị vững chắc cho mẹ khoẻ, con khoẻ.

2. Khám thai đầy đủ, sinh con an toàn - Bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

3. Chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe toàn diện - Giúp mẹ và bé luôn khỏe mạnh, hạnh phúc.

4. Tăng cường chăm sóc y tế cho bà mẹ, trẻ em - Giảm nguy cơ mắc bệnh, đảm bảo tương lai tươi sáng.

5. Giữ gìn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh - Bảo vệ mẹ và bé ngay từ những ngày đầu đời.

6. Nuôi con bằng sữa mẹ - Nguồn dinh dưỡng vàng cho những năm tháng đầu đời.

7. Dinh dưỡng đầy đủ, tiêm chủng đúng lịch - Trao cho trẻ em một khởi đầu tốt đẹp.

8. Trẻ em khỏe mạnh, thông minh từ những năm tháng đầu đời - Hãy quan tâm đến 1000 ngày vàng đầu tiên.

9. Cùng xây dựng môi trường sống xanh, không khói thuốc, không ô nhiễm - Mẹ khỏe, bé an toàn.

10. Mỗi bà mẹ khỏe mạnh là một gia đình hạnh phúc - Cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

11. Sức khỏe mẹ và bé là nền tảng của hạnh phúc gia đình - Hãy hành động ngay hôm nay.

12. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Đầu tư cho tương lai hạnh phúc và thịnh vượng của Việt Nam.

13. Khởi đầu khỏe mạnh - Tương lai tươi sáng! Hãy cùng hành động vì sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngay hôm nay.

14. Chung tay bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

15. Cộng đồng chung tay, mẹ và bé an toàn - Hạnh phúc lan tỏa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Dịch sởi và tay chân miệng gia tăng, sốt xuất huyết duy trì ở mức thấp

Hà Nội: Dịch sởi và tay chân miệng gia tăng, sốt xuất huyết duy trì ở mức thấp

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, từ ngày 28/3 đến 4/4, số ca mắc sởi và tay chân miệng tại thủ đô tiếp tục gia tăng. Dịch sởi bùng phát trên diện rộng với 206 trường hợp tại 30 quận, huyện, trong khi số ca tay chân miệng đạt 203 ca, tăng so với tuần trước. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp giám sát, khoanh vùng và xử lý kịp thời nhằm hạn chế lây lan.
Bài 1: Y tế cơ sở - nhiều đổi mới nhưng người dân vẫn chưa “mặn mà“

Bài 1: Y tế cơ sở - nhiều đổi mới nhưng người dân vẫn chưa “mặn mà“

(PNTĐ) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước với kỳ vọng bứt phá về tăng trưởng kinh tế. Đối với ngành Y tế, một vấn đề bức thiết đặt ra là làm sao để nâng cao hơn nữa hiệu quả, năng lực của y tế cơ sở, cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế ngay tại địa phương…