Mỗi năm có 76.000 thai phụ tử vong do tiền sản giật

Chia sẻ

Trung bình mỗi năm thế giới có khoảng 76.000 thai phụ tử vong do tiền sản giật và các rối loạn cao huyết áp có liên quan. Đây là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng cho cả thai phụ lẫn thai nhi, nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ đang chú trọng sàng lọc trước sinh cho thai nhi mà bỏ qua tình trạng của mẹ.

TS.BS Đinh Thúy Linh siêu âm, kiểm tra sức khỏe cho thai phụ.TS.BS Đinh Thúy Linh siêu âm, kiểm tra sức khỏe cho thai phụ. (Ảnh: T.H)

TS. BS Đinh Thúy Linh -Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, tiền sản giật là rối loạn thai nghén do huyết áp cao, phù và protein niệu. Bệnh bắt đầu từ tuần 20 của thai kỳ và nếu không chữa trị sẽ dẫn đến co giật (hay được gọi là sản giật). Đây là một trong những tai biến gây tỷ lệ tử vong mẹ rất cao.

Ba triệu chứng điển hình của tiền sản giật là tăng huyết áp, protein trong nước tiểu và phù. Cơ chế phát sinh, phát triển chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định. Hầu hết phụ nữ bị tiền sản giật có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, một số trường hợp có các triệu chứng nặng và biến chứng như rau bong non, sản giật...

Đơn cử trường hợp thai phụ Nguyễn Thị N.B (SN 1988, trú tại Hà Nội). Từ tuần thứ 28, thai phụ xuất hiện tình trạng thai phù nhưng lại chủ quan, cho rằng biểu hiện này là bình thường trong thai kỳ. 3 tuần trôi qua, khi hiện tượng phù toàn thân có dấu hiệu tăng dần kèm theo những cơn đau đầu dữ dội, chị B mới tới khám tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Thời điểm nhập viện, thai phụ trong tình trạng huyết áp cao, phù toàn thân, đau đầu nhiều, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, có triệu chứng phù não. Kết quả xét nghiệm cho thấy rối loạn chức năng gan, thận đồng thời bác sĩ siêu âm phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi. Đây là các dấu hiệu và hậu quả của tiền sản giật nặng. Để điều trị, bác sĩ phải mổ cấp cứu để đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi. May mắn sau đó sức khỏe mẹ và bé đã dần ổn định.

Theo TS. BS Đinh Thuý Linh, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp thai phụ mắc tiền sản giật nặng được điều trị tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong số 500-600 thai phụ xét nghiệm hàng tháng, các bác sĩ phát hiện tỷ lệ dương tính khá cao, khoảng 10%. Hiện nay gần 200 trường hợp có nguy cơ cao mắc tiền sản giật đang được bệnh viện quản lý thai kỳ.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt, song bệnh có thể tiến triển rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ cao thai phụ và thai nhi gặp biến chứng nguy hiểm. Với thai nhi, tiền sản giật có thể gây sinh non. Một số trường hợp nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí, tử vong trong bụng mẹ.

Đáng nói, hiện nay đa phần thai phụ thực hiện sàng lọc trước sinh chỉ nhằm phát hiện bệnh lý cho em bé trong bụng mà bỏ qua tình trạng của mẹ. Tiền sản giật gặp ở 3-5% thai phụ, tức cứ 100 bà bầu sẽ có 3-5 người mắc bệnh lý này. Thậm chí, ở nhiều nơi trên thế giới, con số này là 8/100 thai phụ.

“Bệnh lý tiền sản giật không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Ngừng thai kỳ là cách điều trị triệt để duy nhất. Nếu tiền sản giật xuất hiện sớm, diễn biến bệnh nặng, việc ngừng thai kỳ sẽ khiến em bé đối diện tình trạng sơ sinh non tháng rất nặng. Nhiều trẻ không có cơ hội sống sót” - TS. BS Linh chia sẻ.

Bởi vậy, để phát hiện kịp thời và hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe, TS.BS Đinh Thúy Linh khuyến cáo các thai phụ nên chủ động thực hiện sàng lọc tiền sản giật. Thời điểm thích hợp nhất là khi thai kỳ được 11 - 13 tuần 6 ngày.

3 bước sàng lọc tiền sản giật bao gồm: Đo huyết áp; siêu âm đo doppler động mạch tử cung; lấy máu xét nghiệm. Qua hệ thống phần mềm tính toán nguy cơ, thai phụ được phân loại nguy cơ thấp và cao. Việc điều trị dự phòng sẽ được áp dụng với những thai phụ có nguy cơ cao.

“Sau khi phát hiện sản phụ có nguy cơ cao, chúng tôi sẽ điều trị ở quý một thai kỳ kéo dài tới 36 tuần để hạn chế việc khởi phát tiền sản giật, hoặc có khởi phát thì muộn hơn để em bé có thêm thời gian phát triển trong bụng mẹ, cứng cáp hơn trong trường hợp phải lấy thai ra sớm. Theo thống kê, việc điều trị dự phòng này sẽ giúp giảm gần 70% trường hợp tiền sản giật nói chung và gần 90% các trường hợp trước 32 tuần” - TS.BS Linh cho hay.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.