Phân biệt sốt phát ban và sởi

BS Bùi Thanh Phong (Hệ thống tiêm chủng VNVC)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sốt phát ban và sởi là hai bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nhưng dễ gây nhầm lẫn bởi triệu chứng ban đầu của bệnh khá tương đồng. Tuy nhiên, người bệnh có thể dựa vào một số tiêu chí để phân biệt sốt phát ban và sởi.

Nguyên nhân gây bệnh

Với sốt phát ban, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu được xác định là do nhiễm virus (chiếm đến 70-80%) gồm các tác nhân điển hình như: virus sởi, virus rubella, virus herpes 6, 7, enterovirus, adenovirus… Ngoài ra, sốt phát ban còn do nhiễm khuẩn từ vết cắn của các loại ngoại ký sinh (bọ chét, chấy, rận, ve…).

Trong khi đó, nguyên nhân gây bệnh sởi là do virus sởi gây ra. Đây là một loại virus hình cầu, đường kính 120 – 250 nm, thuộc chi Morbillivirus nằm trong họ Paramyxoviridae, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời và sức nóng…

Thời điểm ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh của sốt phát ban có thể dài, ngắn khác nhau tùy thuộc vào virus người bệnh mắc phải, thường từ 5 – 14 ngày. Trong trường hợp sốt phát ban do virus rubella gây ra, thời gian ủ bệnh là khoảng 14 – 21 ngày.

Thời gian ủ bệnh của sởi thường kéo dài khoảng 7 – 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus sởi. Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt.

Phân biệt sốt phát ban và sởi - ảnh 1
Ảnh minh họa

Triệu chứng

Với người bị sốt phát ban, sau khi sốt cao, người bệnh bắt đầu phát ban. Ban có màu hồng hoặc đỏ xuất hiện theo từng cụm, li ti, bề mặt ít sần sùi, có thể xuất hiện ở ngực, bụng lưng rồi lan ra toàn thân. Sốt phát ban thường không có các đốm Koplik và sự tương quan ban đỏ có thể không theo một trình tự nhất định. Phát ban do sốt phát ban thường xuất hiện khi dấu hiệu sốt đã giảm hoặc vừa xuất hiện, và thường ít gây khó chịu hơn sởi. Khi ban bay đi sẽ không để lại sẹo, thâm.

Triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu với các dấu hiệu giống cảm như sốt, ho khan, viêm mũi, đau họng và viêm kết mạc. Điểm đặc trưng của sởi là sự xuất hiện của các đốm Koplik trong miệng. Các đốm Koplik này được mô tả là các đốm đỏ sáng với các trung tâm màu trắng hoặc hơi trắng có thể giống với các hạt cát. Chúng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trong miệng, thường xảy ra trước khi xuất hiện triệu chứng và là đặc trưng bệnh lý đối với bệnh sởi (rubella). Ban có màu đỏ, sần, xuất hiện ở vùng trán, lan rộng xuống dưới vùng mặt rồi đến cổ, toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân. Khi ban bay đi, để lại vết thâm trên da, còn được gọi là “vằn da hổ”.

Thời gian khỏi bệnh

Thời gian kéo dài của sốt phát ban tùy thuộc vào chủng virus người bệnh mắc phải. Thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong khi đó, nếu bệnh nhân mắc sởi, các triệu chứng ban đầu như chảy nước mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt, ho, có đốm Koplik thường kéo dài khoảng 4 – 7 ngày. Phát ban và lan rộng toàn thân trong 3 ngày và bắt đầu mờ dần trong khoảng 5 – 6 ngày sau đó. Người bệnh thường bắt đầu hồi phục sau khoảng một tuần từ khi triệu chứng phát ban đạt đỉnh.

Biến chứng

Biến chứng nghiêm trọng nếu mắc sốt phát ban hiếm khi xảy ra, đặc biệt nếu có chăm sóc thích hợp. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm não, viêm phổi, hội chứng Guillain Barre… Sốt phát ban do virus Rubella gây ra có thể gây biến chứng thai kỳ khi mẹ bầu chẳng may mắc phải.

Bệnh nhân mắc sởi có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, mù lòa, viêm loét miệng, suy dinh dưỡng, tiêu chảy…

Sởi có tỷ lệ biến chứng cao hơn đáng kể so với sốt phát ban, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi hoặc những người suy giảm miễn dịch.

Phòng ngừa

Sốt phát ban ít lây lan hơn so với sởi và việc phòng ngừa chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sốt phát ban do virus rubella có thể phòng ngừa bằng cách chủng ngừa vắc xin chứa thành phần rubella.

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm sở hữu khả năng và tốc độ lây lan nhanh nhất, chỉ cần tiếp xúc “thoáng qua” với người nhiễm bệnh cũng có khả năng lây nhiễm cao đối với người chưa được tiêm chủng. Tiêm phòng vắc-xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng mạnh

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng mạnh

(PNTĐ) - Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ 6/6 đến 13/6), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đã ghi nhận sự gia tăng, báo hiệu một mùa dịch tiềm ẩn. Đáng chú ý, tay chân miệng tiếp tục tăng mạnh, trong khi sởi có xu hướng giảm nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh ở các nhóm tuổi.
Báo động sốt xuất huyết: Nguy cơ gia tăng hiện hữu và lời kêu gọi hành động đa ngành

Báo động sốt xuất huyết: Nguy cơ gia tăng hiện hữu và lời kêu gọi hành động đa ngành

(PNTĐ) - Sốt xuất huyết Dengue đang trở thành thách thức y tế nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, với gần 4 tỷ người nằm trong vùng nguy cơ và hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận gần 23.000 ca mắc và 5 trường hợp tử vong, cho thấy nguy cơ bùng phát dịch vẫn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh "dịch chồng dịch".
Viêm da do sứa biển

Viêm da do sứa biển

(PNTĐ) - Mùa du lịch biển đang đến, nguy cơ vô tình bị viêm da do tiếp xúc với sứa trong khi tắm biển là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, việc "bỏ túi" cho bản thân và gia đình kiến thức về nhận biết triệu chứng, cách xử trí ban đầu khi dị ứng do sứa biển là rất cần thiết, giúp giảm tình trạng nặng của mức độ viêm...