Trẻ sơ sinh cũng mắc trầm cảm
PNTĐ-Tưởng như trầm cảm là bệnh của người trưởng thành do áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Nhưng thực tế, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh này.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trầm cảm không hẳn do áp lực cuộc sống
Chia sẻ tại một buổi hội thảo về sức khỏe tâm thần mới đây do dự án Mạng lưới nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Kim Việt - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần, đại học Y Hà Nội cho biết: Trầm cảm là bệnh lý của não bộ, do nhiều nguyên nhân khách quan gây ra. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là hệ lụy từ các bệnh lý sẵn có, ảnh hưởng tới thể trạng, tâm lý, gây ra trầm cảm. Ngoài ra, áp lực căng thẳng, sự quá tải trong cuộc sống cũng là yếu tố nguy cơ.
Mọi người thường nghĩ trầm cảm chỉ xảy ra ở người trưởng thành. Thực tế, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh này. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho thấy khoảng 2% trẻ nhỏ và 4-8% vị thành niên mắc chứng trầm cảm. Một nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng, trầm cảm có thể trở thành bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ. Theo đó, trong số những trẻ có biểu hiện của trầm cảm thì 64% tiếp tục mắc căn bệnh này trong 6 tháng phát triển sau đó và có những dấu hiệu bộc lộ một cách rõ rệt hơn; 40% tiếp tục mắc trầm cảm trong vòng 2 năm sau và gần 20% số trẻ tái trầm cảm hoặc bị trầm cảm kéo dài không dứt sau tất cả các cuộc kiểm tra.
Dù khó nhận biết nhưng nếu quan sát kỹ, cha mẹ có thể nhận ra những bất thường ở trẻ như: hay khóc vào ban đêm, biếng ăn, không thích nô đùa, chậm phát triển vận động và nhận thức, hay gắt gỏng, không nhận ra người thường xuyên chăm sóc mình, có những hành động một cách bộc phát…
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm ở trẻ sơ sinh, PGS.TS Việt lý giải: Nhiều trường hợp, do trẻ phải xa mẹ hoặc người chăm sóc trong thời gian dài, người thay thế không hiểu được tâm lý của trẻ, dẫn tới những biến đổi tâm lý trên. Ngoài ra, một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng: 40% những người trầm cảm có thể liên quan đến gen. Đồng thời, nếu phải lớn lên với một người bị trầm cảm, trẻ sẽ bị ảnh hưởng về tính cách, sẽ học cách ứng xử của người này với thế giới xung quanh. Chẳng hạn, nếu sống với người mẹ ít nói, thường xuyên nằm trên giường, ít giao tiếp với mọi người… trẻ cũng sẽ có xu hướng làm theo, lâu dần dẫn tới trầm cảm.
Phải có sự can thiệp của bác sĩ
Thực tế, vì cha mẹ hay người chăm sóc không nghĩ rằng trẻ nhỏ có thể bị trầm cảm nên bệnh này thường bị phát hiện, chẩn đoán muộn, dẫn tới việc điều trị mất thời gian, tốn kém chi phí. Nhiều người cũng nghĩ rằng, chỉ cần người thân chịu khó chơi, trò chuyện với trẻ thì chứng trầm cảm sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, trầm cảm không thể tự chữa trị mà cần có sự can thiệp chuyên sâu của bác sĩ. Sự quan tâm của gia đình chỉ là biện pháp hỗ trợ.
Khi trẻ dần trưởng thành, dấu hiệu trầm cảm cũng rõ ràng hơn. Cha mẹ có thể thấy trẻ có một hoặc nhiều trong số các biểu hiện sau (diễn ra liên tục trong 2 tuần): Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc “trống rỗng” liên tục; cảm giác tuyệt vọng, bi quan; cáu gắt; cảm giác tội lỗi, vô giá trị, bất lực; cảm thấy bồn chồn, khó chịu; mất hứng thú với các sở thích và hoạt động; giảm năng lượng, mệt mỏi, cảm thấy bị chậm chạp như di chuyển, nói chậm hơn; khó ngủ, hay thức dậy vào buổi sáng sớm hoặc ngủ quá nhiều; có sự thay đổi trong cân nặng hoặc sự thèm ăn; nhức và đau, đau đầu, chuột rút hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa mà không có nguyên nhân thể chất rõ ràng; suy nghĩ về cái chết, tự tử hoặc cố gắng tự tử; khó tập trung, ghi nhớ và ra quyết định…
Lúc này, ngoài việc dùng thuốc đúng theo chỉ định, PGS.TS Nguyễn Kim Việt khuyên người nhà nên có giải pháp hỗ trợ tích cực dành cho bệnh nhân, chẳng hạn: nói chuyện và lắng nghe bệnh nhân một cách nghiêm túc; không bao giờ gạt bỏ cảm xúc của họ nhưng chỉ ra thực tế và cung cấp hy vọng cho họ; không bao giờ bỏ qua chia sẻ của họ về tự sát ngay cả khi nó có vẻ như một trò đùa; rủ bệnh nhân đi dạo, đi chơi, tham gia vào các hoạt động khác, tiếp tục cố gắng nếu người đó từ chối; hỗ trợ họ khi đến các cuộc hẹn với bác sĩ trị liệu.
Cần lưu ý, trong quá trình dùng thuốc trị bệnh, trẻ có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như: khô miệng, buồn nôn, táo bón, tăng/hạ huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, tăng áp lực nội nhãn... Chính vì vậy, PGS.TS Kim Việt khuyến cáo cha mẹ không được tùy ý sử dụng thuốc cho con. Việc dùng thuốc phải tuyệt đối tuân theo chỉ định về chủng loại cũng như liều lượng của bác sĩ.
Yên Hưng