Việt Nam có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4

Chia sẻ

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, nhìn bức tranh tổng thể của dịch Covid-19 trên toàn cầu, trong 24 giờ qua, nhất là tại các nước trong khu vực như Ấn Độ, Lào, Campuchia, có thể thấy nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm từ người nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn.

Cán bộ y tế phường Mễ Trì Hạ (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối tượng nguy cơ cao mắc Covid-19.Cán bộ y tế phường Mễ Trì Hạ (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối tượng nguy cơ cao mắc Covid-19. (Ảnh: T.H)

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, Ấn Độ, đã phát hiện thêm 354.531 ca nhiễm mới; Campuchia cũng phát hiện trên 600 trường hợp nhiễm Covid-19.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân chính bùng phát dịch Covid-19 là sự lơ là của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng dịch. Sau khi làn sóng dịch thứ nhất lắng xuống, người dân lại tụ tập đông trong các sự kiện lễ hội, tôn giáo. Vì vậy, nếu người dân chủ quan, dịch Covid-19 hoàn toàn có thể bùng phát trở lại ở bất kỳ quốc gia nào từ nguyên nhân tương tự.

Một điều rất đáng lo khác là nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không biết được. Do đó việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn.

Theo kế hoạch trước ngày 10/5, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác tiêm chủng phòng bệnh vắc-xin ngừa Covid-19 cho trên 96.000 người dưới 65 tuổi. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đạt trên 95% nhóm đối tượng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong đợt 1 được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 (đảm bảo tối thiểu khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ít nhất 28 ngày (4 tuần); trên 95% nhóm đối tượng ưu tiên đợt 2 đủ điều kiện tiêm chủng theo các quy định hiện hành được tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Thực hiện mục tiêu trên, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, lập danh sách đối tượng tham gia tiêm đợt 2, gồm: Đối tượng đợt 1 đã được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19, dự kiến 8.407 đối tượng; Người làm việc tại các cơ sở y tế, bao gồm cán bộ y tế làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị y tế dự phòng, Trung tâm cấp cứu 115 chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (dự kiến 10.696 đối tượng).

Trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước xung quanh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây đã mắc Covid-19 để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Kết quả Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam mắc Covid-19 cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam phi).

Các địa phương có vai trò then chốt trong phòng chống dịch

Ứng phó với nguy cơ cao xuất hiện lây nhiễm cộng đồng từ người nhập cư trái phép, cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã liên tục có những cảnh báo về việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam; đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Ngay từ đầu, chúng tôi xác định nguyên tắc “bốn tại chỗ” và phương châm phát huy, coi trách nhiệm của người đứng đầu đối với phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh/thành là hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn, kiểm soát, khống chế, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương, từ đó kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân cũng như các cấp, các ngành và các địa phương trước hết cần thực hiện triệt để “quy tắc 5K”, trong đó 2 yếu tố quan trọng có tính quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.

Thứ hai, hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, vì vậy người dân và tất cả những ai thuộc nhóm đối tượng được tiêm chủng hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ để có thể kiểm soát được tình hình.

“Chúng tôi khuyến cáo tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có đường biên giới phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, đặc biệt là nhập cảnh trái phép; đề nghị tất cả các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nhiễm Covid-19. Chúng ta càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh chóng bấy nhiêu. Đồng thời cũng phải chuẩn bị các kịch bản xấu như dịch lan tràn trong cộng đồng trong thời gian rất ngắn để sẵn sàng ứng phó, không lúng túng, bị động” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

THẢO HƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.