Việt Nam cử 35 chuyên gia y tế sang giúp nước bạn Lào

Chia sẻ

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 4/5/2021, đoàn cán bộ y tế của Việt Nam gòm 35 chuyên gia sẽ sang nước bạn Lào để tham gia hỗ trợ xét nghiệm, điều trị, xây dựng bệnh viện dã chiến.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi tại buổi gặp mặt.GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi tại buổi gặp mặt. (Ảnh: BYT)

Tại buổi gặp mặt và giao nhiệm vụ cho đoàn công tác vào chiều 3/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, tinh thần của chuyến đi công tác lần này là các y bác sĩ được cử sang Lào vừa hướng dẫn vừa triển khai các công việc cụ thể cho bạn về phòng chống dịch.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong công tác phòng chống dịch, hiện Lào đang cần hỗ trợ về điều trị - thành lập đơn vị hồi sức tích cực, xét nghiệm và triển khai bệnh viện dã chiến.

“Việt Nam đã có những bài học quý báu trong phòng chống dịch như truy vết, cách ly, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, phong tỏa, giãn cách xã hội. Về điều trị, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, do đó các y bác sĩ thuộc nhóm điều trị cần trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân cho bạn.

Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong thiết lập nhanh chóng các đơn vị hồi sưc tích cực song song với triển khai các bệnh viện dã chiến như ở Đà Nẵng; Hải Dương… Do đó, các cán bộ của đoàn công tác cũng chia sẻ, giúp bạn về những nội dung này” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, nước bạn Lào có nhu cầu thiết lập hệ thống xét nghiệm, quản lý xét nghiệm hoặc xét nghiệm trên diện rộng, trước mắt Việt Nam hỗ trợ máy thở, khẩu trang và một số trang thiết bị khác. Do đó, các chuyên gia về lĩnh vực này cần chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm với Lào.

Về quản lý chất thải, quản lý môi trường trong phòng chống dịch, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, do đó các chuyên gia về lĩnh vực này cần hướng dẫn cho bạn. Đồng thời, đoàn công tác cũng phải hướng dẫn cho các bạn Lào sử dụng các thiết bị y tế trong điều trị, khám chữa bệnh…

“Các cán bộ được cử sang nước bạn Lào cần hỗ trợ bạn trên tinh thần giúp bạn như giúp mình. Nếu chúng ta giúp Lào kiểm soát tốt dịch cũng là hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Lào.”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

Tư lệnh ngành y cũng lưu ý, khi đoàn công tác của Việt Nam đến hỗ trợ mỗi điểm của nước bạn Lào cần đề nghị các điểm này kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Việt Nam. Ở đây có các chuyên gia của Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa trong công tác phòng chống dịch.

Cũng tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo đề xuất của Lào sẽ có 2 địa điểm là Savanakhet và Viêng Chăn cần có sự hỗ trợ của các y bác sĩ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

“Đây cũng là lần đầu tiên một đoàn nhân viên y tế Việt Nam lớn như vậy sang nước bạn, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai công việc. Các Vụ/Cục của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trực tuyến cho các y bác sĩ, chuyên gia Việt Nam tại Lào. Các cán bộ, chuyên gia được cử sang Lào dịp này sẵn sàng bắt tay ngay vào việc khi đến nước bạn” - PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị Các Vụ/Cục chức năng của Bộ Y tế theo lĩnh vực được phân công chuẩn bị tài liệu chuyển cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia sang Lào… Cục quản lý khám chữa bệnh cử 1 lãnh đạo cục liên hệ công tác điều trị, chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến cho bạn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân công PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đoàn cán bộ, chuyên gia của ngành y tế Việt Nam sang hỗ trợ nước bạn Lào phòng chống dịch COVID-19 và bàn giao vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch. Đoàn sẽ lên đường sang nước bạn Lào vào sáng mai – ngày 4/5.

Đoàn cán bộ, chuyên gia y tế sang Lào hỗ trợ công tác phòng chống dịch gồm 35 người do TS Hoàng Minh Đức- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm Trưởng đoàn, BSCKII Nguyễn Trung Cấp- Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm Phó đoàn.

Liên quan đến việc cử đoàn công tác của ngành y tế Việt Nam sang hỗ trợ nước bạn Lào phòng chống dịch COVID-19, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế cho biết: Tiếp theo cuộc trao đổi trực tuyến giữa Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Y tế Lào ngày 29/4/2021, Bộ Y tế Lào có thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ngày 02/5/2021 thông báo nhu cầu cần chuyên gia y tế sang hỗ trợ Lào gồm:

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm: 3 người; Chuyên gia chăm sóc tích cực: 3 người; Điều dường khoa hồi sức cấp cứu: 6 người; Chuyên gia về vệ sinh khử khuẩn: 3 người; Chuyên gia quản lý chất thải y tế: 3 người; Chuyên gia quản lý rủi ro: 3 người; Chuyên gia dịch tễ học: 3 người; Chuyên gia và kỹ thuật viên labo: 8 người.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Vụ Hợp tác quốc tế đã có văn bản gửi các đơn vị: Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị khẩn trương cử người theo kế hoạch.

 THẢO HƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.