Cảnh báo bệnh sởi “trái mùa”
PNTĐ-Thông thường, tháng 2 mới là thời điểm bệnh sởi bùng phát. Song tại Hà Nội, nhiều trẻ phải nhập viện liên quan đến sởi.
![]() |
Tiêm vaccine phòng sởi là cách tốt nhất để trẻ không mắc bệnh |
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tính đến tháng 10/2017, toàn miền Bắc ghi nhận 99 bệnh nhân dương tính với sởi, rải rác tại 17 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ mắc sởi cao nhất với 45 ca (chiếm gần 50% tổng số ca mắc toàn miền Bắc), ước tính trung bình 4 - 5 ca mắc sởi mỗi tuần. Số lượng 45 ca mắc sởi chưa phải lớn nhưng so sánh với 2 năm gần đây (39 ca dương tính với sởi năm 2015, 3 ca năm 2016 và đều không có tử vong) thì con số này đã tăng. Chưa kể số ca bệnh phân bố rộng, rải rác trên nhiều địa bàn (49 xã phường của 21 quận.
Đáng chú ý, Hà Nội hiện có tới 32.634 trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi đúng kỳ sau 5 năm chỉ cần 10% trong số này mắc sởi, dịch có thể bùng phát nếu lơ là công tác phòng chống.
Chia sẻ với báo giới, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, 43% số trẻ mắc sởi ở Hà Nội từ đầu năm đến nay là trẻ dưới 6 tháng tuổi và từ 6 đến 9 tháng tuổi (nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi). PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh, đây là điều hết sức nguy hiểm bởi trẻ càng nhỏ, sức đề kháng càng yếu thì khi mắc bệnh càng dễ biến chứng nặng. Đồng thời, việc có nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine đã mắc sởi khiến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng sẽ lớn hơn.
Ngoài ra, sự bất thường của thời tiết năm nay dẫn tới sự “trái mùa” của nhiều dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi. Theo lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội đông y quận Đống Đa (Hà Nội), do bệnh phát triển không theo quy luật, ít phổ biến nên nhiều người chủ quan khiến bệnh dễ biến chứng và nguy hiểm hơn so với thông thường. Chưa kể, bệnh sởi có nhiều triệu chứng giống với một số bệnh khác như: sốt phát ban, chân tay miệng, viêm não Nhật Bản nên nhiều phụ huynh chủ quan không đưa con em mình thăm khám và chữa trị kịp thời, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của trẻ và có thể dẫn đến tử vong.
Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng sau đây có thể sảy ra: sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng, những nốt nhỏ xíu với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má (những nốt này có tên là đốm Koplik), người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.
Bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như: ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 490C, xuất hiện những mảng đỏ hơi ngứa, thường ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai, có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước.
Phòng nguy cơ bệnh sởi bùng phát thành dịch, trong tháng 11, Hà Nội sẽ chỉ đạo rà soát lại đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố, tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Trên cơ sở đó, song song với việc thực hiện tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần cho trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. “Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện của Hà Nội tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân để đảm bảo công tác cấp cứu điều trị kịp thời bệnh nhân sởi và các dịch bệnh khác”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Thảo Hương