Điều hòa kinh nguyệt sau khi đặt vòng tránh thai
PNTĐ-Vòng tránh thai đã được sử dụng trên lâm sàng nhiều năm nay và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vòng tránh thai có thể gây mất điều hòa kinh nguyệt.
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi đặt vòng tránh thai là có những biểu hiện lượng kinh nguyệt quá nhiều, kỳ kinh kéo dài, kỳ kinh nguyệt không theo quy luật, cá biệt có trường hợp kỳ kinh nguyệt rút ngắn. Tỷ lệ phát sinh của biểu hiện này khoảng 15-20%, là nguyên nhân phải chấm dứt việc sử dụng vòng tránh thai. Những tác dụng phụ này thường phát sinh trong vòng 6 tháng đầu tiên đặt vòng. Đối tượng gặp phải hầu hết là phụ nữ ở độ tuổi sinh sản mà cơ thể vốn bất túc; tinh thần quá độ căng thẳng hoặc bị tổn thương trong quá trình đặt vòng tránh thai; cỡ, loại vòng to, nhỏ không phù hợp…
Theo Đông y, 3 nguyên nhân dẫn tới rối loạn kinh nguyệt sau khi đặt vòng tránh thai là:
Tì thận hư suy: cơ thể vốn tì thận bất túc, hoặc sảy thai sinh đẻ bị tổn thương khí huyết, sinh hoạt tình dục quá độ, tổn thương thận khí, dẫn đến tì thận hư tổn, không giữ chắc được huyết. Lại thêm thao tác đặt vòng tránh thai bị tổn thương, sinh ra kích thích đối với tử cung mà dẫn đến kinh nguyệt không điều hòa.
Gan uất khí trệ: đối với việc đặt vòng tránh thai, tinh thần quá căng thẳng, lo nghĩ buồn phiền... dẫn đến can khí uất kết, bất lợi cho sơ tiết. Huyết hành không thông thoát, khí huyết ứ trệ bào cung, trở ngại cho sự tăng tiết bình thường của khí huyết mà gây nên kinh nguyệt mất điều hòa.
Ứ nhiệt uẩn kết: sau khi đặt vòng tránh thai, sự kích thích đối với tử cung, Đông y cho đó là do “ứ”, lâu ngày có thể hóa sinh ứ nhiệt, hoặc thao tác đặt vòng không thuận lợi, dẫn đến thấp nhiệt tà nhân cơ hội đó xâm kích, kết lại với huyết, hình thành ứ nhiệt uẩn kết, bức huyết chạy lung tung mà dẫn đến kinh huyết mất điều hòa.
Để điều trị, có thể chọn dùng các bài thuốc đơn giản hiệu nghiệm sau đây:
Bài 1. Tục đoạn, tang kí sinh, mỗi thứ 15gam, kê huyết đằng, ô dược, mỗi thứ 12gam. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. Thích dụng với những người bệnh thận hư không vững chắc.
Bài 2. Đảng sâm 30gam, thăng ma sao 10gam, bạch truật 10gam. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. Thích dụng với những người bệnh thuộc tì khí hư suy.
Bài 3. Bạch thược 18 gam, hương phụ 12gam, hồng hoa 10gam. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. Thích dụng với những người bệnh gan uất khí trệ, huyết hành không thông thoát.
Bài 4. Thanh bì (vỏ quít) 12gam; sơn tra, kê huyết đằng, mỗi thứ 10gam. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. Thích dụng với những bệnh thuộc huyết ứ, khí trệ.
Bài 5. Hoàng cầm, hương phụ, mỗi thứ 10gam; đan bì, khiếm thảo, mỗi thứ 6gam. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. Thích dụng với những người bệnh thuộc ứ nhiệt uẩn kết.
Ngoài ra, cũng có thể dùng liệu pháp ăn uống bổ dưỡng chữa bệnh như sau:
1. Sơn du nhục, táo tầu, sơn dược, hạt sen, mỗi thứ 15gam, gạo tẻ 100gam. Nấu thành cháo để ăn. Thích dụng với những người bệnh tì thận bất túc.
2. Hương phụ 30gam, rượu vàng 300ml. Đun sôi 20 phút chắt lấy rượu thuốc, chia 2 ngày uống hết. Thích dụng với những người bệnh thuộc can khí uất trệ.
3. Tiểu kế tươi, ngó sen, mỗi thứ 60gam, đem nấu với thịt, cá hoặc trứng thành món ăn để ăn. Thích dụng với những người bệnh thuộc uất nhiệt uẩn kết, lượng kinh huyết nhiều.
4. Ích mẫu thảo nấu với trứng gà để ăn. Thích dụng với những người bệnh thuộc huyết ứ.
BS Nông Thúy Ngọc