Giai đoạn 2 phòng chống dịch Covid-19: Những quyết sách chưa từng có tiền lệ

Chia sẻ

Ngày 23/1, Việt Nam xác nhận 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên. Lập tức toàn hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay phòng, chống dịch. 16 ca mắc giai đoạn 1 được chữa khỏi thành công. Tối 6/3, Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên mắc Covid-19, chấm dứt 22 ngày không có ca mới. Việt Nam bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch với khó khăn gấp bội.

Giai đoạn 2 phòng chống dịch Covid-19: Những quyết sách chưa từng có tiền lệ - ảnh 1
Những tín hiệu tích cực
trong kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam
 

Bắt đầu từ 6/3, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 phòng chống Covid-19. Trong giai đoạn này, cả nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất vào ngày 22/3 với 19 ca bệnh trong 1 ngày, hầu hết là người nhập cảnh. Từ 31/3 trở lại đây, số ca mắc Covid-19 mới của Việt Nam tương đối ổn định: Cao nhất ngày 31/3 ghi nhận 11 trường hợp, còn lại đều dưới 10 ca mắc mới/ngày, đặc biệt từ 4/4, số ca mắc mới không quá 4 trường hợp/ngày. Từ 1/4 đến nay, số bệnh nhân mắc Covid-19 được chữa khỏi (64 người) đã cao hơn số trường hợp mắc mới được công bố (42 người). 

Thế giới có hơn 1,34 triệu người, mắc Covid-19, gần 75.000 người đã tử vong

Tính đến ngày 7/4, thế giới đã ghi nhận 1.345.048 người nhiễm Covid-19, trong đó có ít nhất 74.565 người đã tuwe vong. Có 204 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận người mắc Covid-19. 5 quốc gia ghi nhận số ca mắc trên 100.000 người là: Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Pháp.

Trong vòng hơn 10 ngày, từ 28/3 - 7/4/2020, số ca mắc Covid-19 của Mỹ tăng phi mã, từ hơn 100 trường hợp lên 366.869 người (riêng ngày 6/4, nước này ghi nhận 31.333 người mắc Covid-19 trong 1 ngày). Tại Italia, số ca mắc Covid-19 từ 23-29/2 tăng hơn 800 người (từ 77 ca mắc lên 889); đến ngày 7/4, số người mắc đã lên tới 132.779. Ở nhiều nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Canada... tình trạng mắc Covid-19 đang trở nên nghiêm trọng, liên tiếp nhiều ngày gần dây số ca mắc tăng trên 1.000 ca/ngày; số ca tử vong lên tới hàng trăm người/ngày.

So với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ và làm chậm quá trình dịch lây lan ra cộng đồng. Tính riêng đến ngày 19/3, cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy, thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày (dài hơn so với mức trung bình trên thế giới 30 ngày). Từ mốc 100 đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Trong khi đó, sau 7 ngày Việt Nam tăng từ mốc 100 lên 171 ca; sau 9 ngày cả nước có 203 ca mắc. Từ 19/3 tới 7/4 (20 ngày), tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước đang dừng ở con số 249 người; trong đó, 122 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh. Theo xếp hạng trên bản đồ Covid-19, Việt Nam hiện đứng thứ 102/204 quốc gia và vùng lãnh thổ có ca mắc. Đáng nói, Việt Nam là 1 trong 3 nước có số ca mắc trên 200 người nhưng chưa trường hợp nào tử vong. Các ca bệnh đang có nhiều tiến triển tốt.

Tính tới 18h ngày 7/4, Việt Nam ghi nhận 249 trường hợp mắc Covid-19 (156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 93 người lây nhiễm thứ phát trong đó 63 người thuộc ổ dịch nội địa). Trong tổng số 127 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, 32 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-COV-2. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-COV-2 là 2 ca. Hiện tại, số người đang thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 46.503 người; 1.248 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 37.544 người đang cách ly tập trung tại cơ sở khác.

Giai đoạn 2 phòng chống dịch Covid-19: Những quyết sách chưa từng có tiền lệ - ảnh 2

Theo đại diện cao nhất của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, các biện pháp ngày một tăng về mức độ và siết chặt về kiểm soát của Việt Nam chính là lý do cho điều này.

Ngày 8/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng cho biết với việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong những ngày qua, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam bước vào giai đoạn mới.

Việt Nam đang kiểm soát tốt nguồn lây, làm chậm quá trình lây nhiễm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, các cấp, các địa phương, công tác phòng, chống dịch đã thành công trong hai giai đoạn và đang kiểm soát được trong giai đoạn 3. Trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội là giai đoạn vô cùng quan trọng với mục đích kiểm soát tốt nguồn lây, làm chậm lại quá trình lây nhiễm để ứng phó tốt hơn với dịch bệnh.

Ngày 16/3, theo chỉ đạo của Thủ tướng, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người như: siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Theo Phó Thủ tướng, từ hơn 2 ngày nay, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Ngay sau đó, hàng loạt biện pháp ngăn chặn dịch được ban hành.

Bắt đầu từ 00 giờ ngày 18/3, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày. Từ 0h ngày 22/3, tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam (trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt); tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân.

Ngày 24/3, Việt Nam tiến hành rà soát, lập danh sách người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về nước từ 7/3. Ngày 1/4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc; đồng thời đây cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Giai đoạn 2 phòng chống dịch Covid-19: Những quyết sách chưa từng có tiền lệ - ảnh 3

 

Có lẽ chưa dịch bệnh nào lại có sự ảnh hưởng sâu và lâu đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như Covid-19. Và cũng chưa bao giờ, nhiều chính sách pháp luật mới chưa từng có tiền lệ lại được ban hành liên tục như thời gian vừa qua, nhằm kịp thời ứng phó với những tác động của dịch bệnh này.

Bộ Y tế ban hành 30 văn bản hướng dẫn về cách ly y tế

Tính đến nay, đã có 30 văn bản do Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về cách ly y tế đối với những người có nguy cơ lây nhiễm. Hàng chục nghìn người đã được đưa đến các khu cách ly tập trung (được hỗ trợ chi phí ăn, ở và sinh hoạt khác trong vòng 14 ngày), chưa kể rất nhiều người khác thực hiện cách ly tại nhà. Khi các ca nhiễm Covid-19 ngày càng nhiều hơn, mức độ cách ly lại càng được đẩy lên một mức cao hơn.

Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện “cách ly toàn xã hội” theo tinh thần tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, các khuyến cáo cũng thắt chặt dần, từ việc khuyên người dân làm việc tại nhà, tới việc hạn chế đi ra ngoài, cho tới nghiêm cấm các sự kiện 50 người, 20 người, rồi xuống 10 người, và bây giờ là 2 người. Để làm được điều đó, sự tuân thủ của người dân là yếu tố quyết định.

Với nhiều người dân Việt Nam, ngày 1/4/2020 sẽ là dấu mốc không thể quên khi cả nước bắt đầu thực hiện yêu cầu “toàn dân ở nhà” và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu phải đóng cửa; các loại hình kinh doanh vận tải dừng hoạt động, hạn chế tối đa di chuyển từ vùng này sang vùng khác… Thậm chí tại Hà Nội, sự cứng rắn của chính quyền còn được thể hiện ở việc xử phạt những người đi ra ngoài đường mà không có lý do thật sự cần thiết.

Đối với học sinh các cấp, những ngày nghỉ vì dịch Covid-19 tính ra đã dài hơn nghỉ hè. Ngay từ đầu tháng 2/2020, ứng phó với sự phức tạp của dịch bệnh, các địa phương trên cả nước đã ban bành công văn thông báo cho học sinh nghi học. Từ nghỉ một tuần, học sinh lại được nghỉ hết tháng 2, hết tháng 3 và hiện nay là nghỉ hết 15/4. Trong thời gian này, các hình thức học trực tuyến đã được triển khai, nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức theo đúng chương trình đang học trên lớp.

Để phù hợp với thời gian học của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã 2 lần ra Quyết định điều chỉnh khung kế hoạch năm học 2019 - 2020, trong đó lùi thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia. Mặt khác, chương trình học kỳ II của tất cả các cấp học phổ thông cũng được Bộ tinh giản để phù hợp với kỳ nghỉ đang kéo dài của học sinh.

Bên cạnh đó, dù kinh tế cả nước chịu không ít thiệt hại do dịch bệnh, hệ thống chính trị các cấp từ trung ương tới địa phương phải gồng mình ứng phó, nhưng Chính Phủ "không để ai bị bỏ lại phía sau", nỗ lực chia sẻ với những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải. Điều đó được thể hiện tại gói hỗ trợ an sinh chưa từng có tiền lệ cho hàng triệu người dân.

Giai đoạn 2 phòng chống dịch Covid-19: Những quyết sách chưa từng có tiền lệ - ảnh 4

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

4 kịch bản ứng phó với Covid-19

Bộ Y tế đã xây dựng 4 kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó giai đoạn 1 là phát hiện ca bệnh xâm nhập, giai đoạn 2 là từ ca xâm nhập lây lan sang người Việt Nam, giai đoạn 3 là khi dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca mắc. Tình huống thứ 4 là khi số mắc trên 1.000 ca.

Trong những ngày tới, Việt Nam sẽ chủ động, quyết liệt, phát hiện nhanh, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn nguồn lây bệnh; Tiếp tục thực hiện cách ly nghiêm ngặt, chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, giám sát chặt chẽ người đã tiếp xúc với người bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; Điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh; bảo đảm an toàn tối đa cho nhân viên y tế. Nỗ lực bằng mọi biện pháp phù hợp để không để xảy ra dịch lớn.

Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm "Chống dịch như chống giặc" trên nguyên tắc "4 tại chỗ" với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia phòng, chống dịch; Tiếp tục đẩy mạnh phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, xử lý nghiêm việc thông tin thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi cản trở, khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh và bình tĩnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh

Đồng thời, các cấp chính quyền tập trung tuyên truyền về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với quan điểm chủ động, kiên trì, thường xuyên, liên tục, minh bạch, kịp thời về các thông tin phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh, hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu các hình thức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, cập nhật các phác đồ điều trị, nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu, sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán.

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.