Thông điệp nhân văn từ những giọt máu “quý như vàng”

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội trong buổi sáng ngày 10/12 mưa và rét nhưng hội trường của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lại vô cùng ấm áp với sự xuất hiện của hơn 160 người hiến máu có nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype tích cực tham gia hiến máu trong năm 2022.

Trong không gian đặc biệt ấy, rất nhiều câu chuyện xúc động, nhân văn đã được các khách mời, cũng là những người hiến máu tích cực chia sẻ, lan tỏa.

Thông điệp nhân văn từ những giọt máu “quý như vàng”  - ảnh 1
Chị Bùi Thị Nga (Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại Chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype năm 2022

Kể lại những ngày căng thẳng chiến đấu với bệnh sốt rét ác tính của thầy mình là Giáo sư nông nghiệp người Bỉ – có nhóm máu hiếm O Rh(D) âm, chị Bùi Thị Nga (Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghẹn ngào: “Khi con người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, người ta quý vô cùng tình người. Bệnh tình của thầy chuyển biến rất nhanh vì có hai bệnh cùng lúc là sốt xuất huyết và sốt rét ác tính, lại thêm nhóm máu O Rh(D).

Rất may, ngay khi mình đăng thông tin cần nhóm máu hiếm lên mạng thì được các bạn chia sẻ rất nhiều, và sau đó đã kết nối được với Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc. Thầy đã các bạn trong nhóm chia sẻ cho 20l máu. Sau 4 tuần được điều trị, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch một cách ngoạn mục và các chỉ số dần hồi phục. Những giọt máu bình thường đã quý, tại thời điểm ấy, những giọt máu ấy lại càng thêm quý giá. Lúc bấy giờ thầy chưa nói được nhiều, nhưng trong số rất ít những từ mà thầy nói được, thầy đã nói “Never forget!” (Sẽ không bao giờ quên ơn các bạn)”.

Thông điệp nhân văn từ những giọt máu “quý như vàng”  - ảnh 2
TS. BS. Trần Ngọc Quế tặng hoa và chứng nhận cho những người có nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype 

Một trong số những người tích cực tham gia vận động máu hiếm cho bệnh nhân người Bỉ phải kể tới BS Nguyễn Thị Hạnh - bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), hiện đang là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc. Tự hào khi biết tin về hồi phục diệu kỳ của bệnh nhân người Bỉ, trong đó có sự góp sức của các thành viên trong Câu lạc bộ, bác sĩ Hạnh cho biết: “Hạnh phúc của tôi cũng như các thành viên trong nhóm chỉ đơn giản là nhận được thông tin bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch một phần nhờ nguồn máu được hiến tặng”.

Bản thân BS Hạnh cũng là người có nhóm máu hiếm RH(D) âm. Tại buổi gặp mặt sáng 10/12, chị chia sẻ: “Câu lạc bộ nhóm máu hiếm giống như ngôi nhà thứ 2 để chúng tôi kết nối, từ đó tạo cơ hội hỗ trợ, chia sẻ cho nhau trong trường hợp có bệnh nhân cần truyền máu, hoặc ngay bản thân các thành viên trong câu lạc bộ cần truyền máu, hay có trường hợp các chị em thai sản cần hỗ trợ”.

Thông điệp nhân văn từ những giọt máu “quý như vàng”  - ảnh 3
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa trong buổi gặp mặt

Tính đến thời điểm hiện tại BS Hạnh đã hiến máu được 25 lần. Bằng tình cảm, trách nhiệm của một người làm nghề y, BS Hạnh luôn cảm thông và chia sẻ với bệnh nhân cũng như gia đình bệnh nhân trong quá trình cần tìm nhóm máu hiếm. Bởi vậy, trong suốt thời gian qua BS Hạnh cũng như các thành viên khác trong Câu lạc bộ luôn sẵn sàng chia sẻ dòng máu của mình mỗi khi có bệnh nhân cần hỗ trợ.

Chia sẻ với cảm xúc của những khách mời tham dự chương trình, TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu thì còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao, tức là có thể kích thích cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng (còn gọi là kháng thể bất thường). Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Thông điệp nhân văn từ những giọt máu “quý như vàng”  - ảnh 4
TS.BS Trần Ngọc Quế chia sẻ tại buổi gặp mặt

Ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần, như tan máu bẩm sinh (thalassemia) thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao. Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).

Sự đa dạng của các kháng nguyên nhóm máu là thách thức vô cùng lớn đối với ngành Y tế, đặc biệt là lĩnh vực truyền máu trong cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm và cần truyền máu hòa hợp phenotype. Trong khi đó, chi phí để làm xét nghiệm đầy đủ các kháng nguyên nhóm máu khá tốn kém.

Thông điệp nhân văn từ những giọt máu “quý như vàng”  - ảnh 5
 TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng là một trong số những người có giọt máu được ví "quý như vàng"

Nhiều năm qua, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình, dự án mà Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên (người hiến máu phenotype).

Tuy nhiên hiện nay việc huy động người hiến máu có nhóm máu hiếm hoặc nhóm máu hòa hợp phenotype hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo TS.BS Trần Ngọc Quế, ở nhiều nơi, khi được thông báo có nhóm máu hiếm, gia đình người bệnh thường rất hoang mang, chủ động đăng tải thông tin lên mạng xã hội hoặc liên hệ trực tiếp với người có nhóm máu hiếm, thậm chí đăng tải cả trước khi người bệnh có chỉ định truyền máu. Điều đó dẫn đến tình trạng “loạn” thông tin trên mạng xã hội, khó khăn cho công tác xác minh thông tin.

Thông điệp nhân văn từ những giọt máu “quý như vàng”  - ảnh 6
Chị Đoàn Thị Thu Hằng khoe tấm thẻ hiến máu "định danh" đặc biệt, dành riêng cho người có nhóm máu hòa hợp phenotype của mình

Thông thường các bệnh viện sẽ gửi dự trù cần máu nhóm hiếm hoặc máu hòa hợp phenotype tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hoặc các Trung tâm Truyền máu lớn. Nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn chế phẩm máu nhóm hiếm hoặc nhóm hòa hợp phenotype không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu theo danh sách.

Chỉ tính riêng năm 2022, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 350 đơn vị chế phẩm máu nhóm hiếm và 780 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn chỉ đáp ứng được khoảng 30%, 70% còn lại Viện huy động trực tiếp, khẩn cấp từ những người hiến máu.

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.