Tôi luôn yêu quý và trân trọng những người phụ nữ Việt Nam

Chia sẻ

Tôi tên là Saad Ashmawi, người Ai Cập, đồng thời cũng là một chàng rể của Việt Nam. Linh, vợ tôi, sinh năm 1986 và chúng tôi đang sinh sống tại thành phố Alexandria, Ai Cập. Nhiều người hỏi tôi Ai Cập có thực sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái? Ở Ai Cập có bình đẳng giới không? Để tìm trả lời cho các câu hỏi trên, hãy cùng nghe câu chuyện của tôi.

Hạnh phúc của gia đình tôi được xây đắp từ sự tôn trọng, bình đẳng, không bạo lựcHạnh phúc của gia đình tôi được xây đắp từ sự tôn trọng, bình đẳng, không bạo lực (Ảnh: NVCC)

Mỗi khi nói về Ai Cập, người ta thường có xu hướng nghĩ đến thời cổ đại với Nữ hoàng Ai Cập quyền lực Nefertiti hay là nữ thần của tình mẫu tử, Hathor. Ở thời điểm đó Ai Cập hầu như không có sự phân cấp nào về vai trò của giới, nam, nữ hầu như là bình đẳng. Tuy nhiên, ngày nay bình đẳng giới ở Ai Cập vẫn đang là một chủ đề gây tranh cãi. Những người phụ nữ ít học ở làng quê thường không có tiếng nói trong gia đình và xã hội. Do sự hạn chế về giáo dục, họ đồng ý rằng đàn ông nên là người có quyền kiểm soát, điều hành gia đình. Vị trí của phụ nữ là ở nhà lo việc nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc con cái. Họ phải mặc Abaya màu đen che kín, không được phép cho ai nhìn mặt mình ngoài chồng, con, bố mẹ, anh chị em...Ngược lại, vẫn có một bộ phận người dân, nhất là những người được giáo dục đầy đủ, lại có tư tưởng tôn trọng phụ nữ và quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Bản thân tôi là một người đàn ông, tôi luôn tin vào sự bình đẳng giới. Những gì đàn ông làm được, phụ nữ cũng làm được. Đây không chỉ là quan điểm, nhận thức của riêng cá nhân tôi, mà là của cả gia đình, dòng họ tôi. Tôi chỉ là người kế thừa những nét đẹp văn hoá ấy của gia đình. Từ thời cha, mẹ tôi, những người phụ nữ trong gia đình luôn được đặc biệt tôn trọng. Tất cả các cô, bác gái trong gia đình nội, ngoại tôi đều được đến trường và học đại học, cao đẳng. Sau khi học xong, việc có muốn đi làm hay không là lựa chọn của mỗi cá nhân miễn là họ cảm thấy vui và hạnh phúc. Mẹ tôi chưa từng đi làm ở công ty nhưng các bác tôi lại làm việc và giữ quyền quản lí ở cơ quan cho đến ngày nghỉ hưu, đặc biệt bác dâu tôi hiện nay đã 75 tuổi nhưng vẫn đi làm tại trường học. Chị gái tôi vẫn đi làm mỗi ngày dù chị không gặp phải gánh nặng nào về kinh tế.

 Từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, bà, mẹ, chị em gái trong đại gia đình tôi đã được mặc váy, hay chọn phong cách ăn mặc nào họ thích. Trong kinh Qur’an của người đạo Hồi chúng tôi có một chương hoàn chỉnh dành riêng để nói về quyền của người phụ nữ. Nhà tiên tri Muhammad  cũng đã tuyên bố rằng tôn trọng phụ nữ là một phần của đức tin trong đạo Hồi.

Khi tôi kết hôn với Linh, việc đầu tiên tôi nghĩ tới là tạo điều kiện để cô ấy có thể hoà nhập cuộc sống ở Ai Cập. Ngay khi cô ấy đặt chân đến Ai Cập, tôi và gia đình đều ủng hộ cô ấy đi làm và chọn bất cứ công việc nào phù hợp. Cô ấy có thể tự do đi ra ngoài mua sắm, gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, về thăm gia đình ở Việt Nam một mình ngay cả khi không có tôi đi cùng. Tôi sẵn sàng làm việc nhà, trông con, cho con ăn để Linh nghỉ ngơi, tôn trọng những khoảng không gian riêng tư của vợ…

Bạn tôi, anh Ahmed El Sayed- giảng viên môn ngôn ngữ Ả rập và tôn giáo tại trường đại học Alexandria cũng là một người tin vào bình đẳng giới. Anh ấy thường công khai quan điểm này trong tất cả các bài giảng của mình, bất kể ở trường đại học hay trường học tư.

 Quả thật, một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới bằng với tỷ lệ tham gia của nam giới, GDP của Ai Cập sẽ tăng 34%. Điều này có nghĩa là khi nhiều phụ nữ làm việc hơn, nền kinh tế sẽ phát triển. Tuy nhiên, tiếc rằng, hiện tỷ lệ phụ nữ Ai Cập vẫn chiếm số ít ở mọi cấp độ trong hệ thống công ty, với sự chênh lệch lớn nhất ở các cấp lãnh đạo cấp cao. Điều đó có nghĩa chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để phụ nữ được bình đẳng hơn nữa.

Theo tôi, bất kỳ quốc gia nào cũng không thể thành công trong công cuộc kiến thiết, xây dựng trừ khi phụ nữ được trao quyền. Cùng với đó, chúng ta cũng nên xem xét việc thúc đẩy xây dựng những “thành phố thân thiện”. “Thân thiện” đó là sự an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy sự tiếp cận và hòa nhập của họ trong xã hội. Chúng ta nên xây dựng nhiều không gian công cộng thân thiện, an toàn cho phụ nữ và trẻ em hơn. Cần cải thiện hệ thống chiếu sáng và lắp đặt camera trên tất cả các trục đường chính và ngõ vắng để phụ nữ luôn cảm thấy an tâm, tan toàn. Tôi còn có một ý tưởng là nên xây dựng một môn học mới trong trường học có tên đại loại là "Cách phát triển nhận thức của bạn". Môn học này nên là môn học bắt buộc dành cho cả học sinh cả nam và nữ. Các em cần hiểu sự khác biệt giới tính, nhưng là về mặt sinh học chứ không có giới nào được quyền áp đặt lên giới kia.

Tôi-một người Ai Cập, bạn - một người Việt Nam hay bất kỳ người dân ở đâu trên thế giới này đều có vai trò trong việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử, bạo lực và xâm hại tình dục. Chúng ta có thể sử dụng tiếng nói của mình để vận động, thúc đẩy, nâng cao nhận thức, văn hóa tôn trọng và bình đẳng cho mọi người trong mọi bối cảnh: Tại nhà, trường học, nơi làm việc và  không gian công cộng. Để các cô gái khác có thể sống mà không bị bạo lực, phân biệt đối xử. Để mọi quốc gia, mọi không gian đều xứng đáng là nơi an toàn, sẵn sàng chào đón sự hiện diện của người phụ nữ và các trẻ gái.

Saad Ashmawi (Thành phố Alexandria, Ai Cập)

 

 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.