Hoa hồng đổi màu

Chia sẻ

Buổi chiều hôm chị Diệu mang Ly Na về, tôi đang cắt tỉa cây hoa hồng leo, buông kéo chạy ra mở cổng. Chiếc taxi mở cửa, hai con bé dắt tay nhau bước ra trước, ríu rít chào. Chị Diệu xách ra cái va ly kéo gọn lỏn.

Tôi buột miệng: “Chỉ có bấy nhiêu đồ thôi sao?”. Chị đập đập vào cái ví nhỏ bên sườn: “Tất cả ở trong cái thẻ này rồi”. Mẹ tôi đứng trân trân trước cửa, không cả đáp lời chào của Ly Na. Vài phút im lặng như thế, mẹ mới quay lưng đi. Tôi biết, mẹ lại vào nhà tắm và khóc ở trong đó. Lát sau mẹ ra phòng khách, hướng dẫn hai đứa nhỏ chỗ cất giày dép và treo mũ nón. Rồi mẹ dẫn chúng ra vườn vặt dâu chín, bình thản, tíu tít…

***
Bố mẹ tôi chia tay khi chị Diệu học lớp 4 còn tôi mới lớp 2. Bố đi khỏi nhà chỉ với cái ba lô cũ từ thời đi lính. Lúc ấy, mẹ đứng tựa vào cửa sổ, nhìn theo với ánh mắt vô hồn. Còn nhỏ nên tôi chưa hiểu cái sự chia tay ấy, chỉ tưởng tượng bố đi công tác như mọi lần, và chắc lần này đi lâu hơn. Chị Diệu kéo tôi ra hông nhà, thì thầm:

- Bác dâu bảo bố có em bé trai rồi nên không ở với chị em mình nữa. Nhưng bố nói với chị là đến hè vẫn cho bọn mình lên cơ quan bố chơi.

Tôi ngơ ngác. Chị Diệu lại ghé sát tai tôi nói nhỏ:

- Bố đưa cho chị cái này, bảo là phải giấu mẹ cất thật kỹ. Nhưng bao giờ lớn, lúc nào đi đám cưới, nhất định chị sẽ mang ra đeo.

Chị khum khum bàn tay cho tôi xem một đôi bông tai vàng, là hai cái vòng tròn to như quả nhãn. Vừa lúc ấy mẹ chuẩn bị đi làm, lạch cạch mở cổng, chị Diệu chạy biến vào trong. Còn tôi cứ băn khoăn: Sao bố không cho mình một đôi vòng như vậy nhỉ?

Nhưng đến hè năm ấy, bố không về đón chị em tôi như đã hứa. Tôi không dám hỏi mẹ, chỉ thắc mắc với chị Diệu thì chị chép miệng, điệu bộ hệt như bà nội:

- Chắc bố bận chơi với em trai của bố rồi. Mà thôi chả cần…

Mùa hè đầu tiên không có bố về nghỉ phép cũng không được lên cơ quan bố chơi, tôi thấy dài đằng đẵng. Chị Diệu suốt ngày đọc sách hoặc nghe nhạc ở cái radio nhỏ xíu. Tôi quanh quẩn khâu vá váy áo cho mấy con búp bê cũ rích. Buổi tối, thi thoảng mẹ kể chuyện cho hai chị em nghe. Có lúc tôi vô tình thốt lên :

- Chỗ này mẹ kể sai rồi, lần trước bố kể khác cơ.

Mẹ ngừng kể, chị Diệu gắt tôi:

- Đấy là mẹ sáng tạo hiểu chưa? Cô giáo chị bảo viết tập làm văn phải biết sáng tạo chứ không được kể y hệt như thật, thế mới hay.

Ô, thế hóa ra những điều không có thật sẽ hay hơn cuộc sống diễn ra hàng ngày hay sao? Ừ đúng thật, chỉ trong truyện cổ tích mới có đôi giày đi một bước được bảy dặm, mới có cảnh người chết đi rồi vẫn sống lại. Ở ngoài đời làm gì có những điều kỳ diệu như thế. Có đêm, tôi nằm mơ có được đôi giày thần kỳ ấy, bước một bước đã đến khu tập thể của bố, đứng trước cái đập thủy điện hùng vĩ. Tỉnh dậy, nghĩ đến việc bố đi biền biệt, còn sống đấy mà chẳng trở lại thăm chị em tôi, tôi lại buồn man mác…

Lớn lên chút, tôi hiểu hơn về lý do chia tay của bố mẹ. Mẹ bị biến chứng sản khoa sau khi sinh mổ tôi, phải cắt đi cả dạ con. Bố tôi có quan hệ với một người phụ nữ quá lứa làm tạp vụ ở cơ quan. Họ có con trai. Mẹ đồng ý ly hôn. Mẹ bảo khi mình không thể đem lại hạnh phúc cho bố thì cũng chẳng nên ích kỷ giữ lại cho riêng mình. Nhưng tôi biết điều làm mẹ tổn thương chính là bố đã phản bội mẹ từ trước khi tôi ra đời. Đứa em trai ấy chỉ kém tôi chưa đầy sáu tháng. Cái việc mẹ tôi không còn khả năng sinh nở nữa chỉ là cái cớ để bố bỏ mẹ mà thôi.

Bố để lại cho ba mẹ con căn nhà và đôi hoa tai cho chị Diệu rồi đi biệt như thể đã hoàn thành trách nhiệm. Chúng tôi lớn lên bằng những đồng lương còm cõi của một công nhân nhà máy sợi. Mẹ mua một cái máy dệt cũ về nhà để nhận hàng gia công. Mỗi tối, chị em tôi ngồi học trong tiếng máy dệt chạy lạch xạch. Thi thoảng, tôi lén nhìn mẹ khom người bên cái máy dệt với những cuộn len xanh đỏ lăn lóc khắp phòng mà thấy thương mẹ quá. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ than vãn một câu. Mẹ vẫn nhắc chúng tôi viết thư cho bố, cho bà nội. Mẹ chấp nhận hoàn cảnh bằng thái độ vừa cam chịu lại vừa kiêu hãnh.

Có một lần, mẹ đi làm về, bị tụt huyết áp nên đã lao sầm vào cái xe tải đỗ ven đường. Mẹ mất nhiều máu, phải khâu đến mười sáu mũi ở đỉnh đầu. Chị em tôi sợ xanh mặt, chạy khắp hàng xóm cầu cứu. Bác Yến ở sát nhà tôi bảo: “Các cháu nên báo cho bố một câu, lúc khó khăn hoạn nạn như vầy, chắc bố không nỡ”. Chị Diệu trả lời ráo hoảnh: “Cháu gọi cho các cậu ở quê rồi ạ”. Chị kéo tôi về nhà, hai chị em hì hục khiêng cái tủ quần áo xê ra, chị thò tay vào cái hốc nhỏ của bức tường vôi tróc lở lôi ra đôi bông tai vàng rồi chở tôi ra phố. Ông chủ tiệm vàng ngó nghiêng và gặng hỏi mãi về đôi bông tai ấy rồi mới ì xèo trả giá.

Mẹ ra viện, các mợ các dì ở quê lên thăm, có người thở dài chép miệng: “Đàn bà đi một chân là khổ lắm”. Mẹ tôi cười buồn: “Khổ hay không là do cách suy nghĩ của mình. Ốm đau bệnh tật thì chẳng ai nói trước được. Nhưng tôi có hai đứa con gái ngoan ngoãn học giỏi thế này là thấy mãn nguyện rồi. Đi một chân tôi cũng chẳng thấy cực. Hai chân mà bước thấp bước cao có khi còn đau lòng hơn”.

Tôi nhớ như in năm học lớp 6, một lần cô giáo giao bài tập về nhà: “Em hãy tả lại cảnh sum họp của gia đình mình vào một buổi tối cuối tuần.” Tôi ngồi lặng bên bàn học, cắn bút và sụt sịt khóc. Mẹ ngừng tay dệt, đến bên tôi, cầm tập vở trắng trơn lên xem rồi bảo: “Chẳng lẽ bấy lâu 3 mẹ con mình không tạo nên không khí gia đình đầm ấm hay sao? Con muốn khóc thì hãy đi vào nhà vệ sinh khóc cho thỏa rồi ra làm bài”. Tôi hiểu mẹ không muốn trông thấy những đứa con của mình yếu đuối. Với mẹ, việc thiếu vắng hình bóng người đàn ông trong nhà hình như chẳng phải điều gì to tát lắm.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Lần khác, chị Diệu khi ấy học lớp 10, thích một anh chàng lớp bên cạnh, đẹp trai và hát hay nhưng học dốt. Chị viết thư tỏ tình, bị anh ta mang ra làm trò cười cho lũ bạn. Chị xấu hổ về nhà nằm vật ra giường khóc tức tưởi. Mẹ lại bình thản nhắc: “Vào nhà vệ sinh khóc đi con. Đừng bao giờ mất nước mắt vì một thằng con trai không đáng.” Chị Diệu ngồi dậy, lau nước mắt, lúc sau mang cuốn nhật kí giấu kỹ trong hộc tủ ra sân đốt, rồi múc một thau nước to tướng dội ào đi.

Năm lớp 12, chị Diệu đạt giải Ba Quốc gia môn tiếng Anh và được tuyển thẳng vào đại học. Tôi học cấp 3, thi thoảng lại có những truyện ngắn, bài thơ được đăng trên báo. Mẹ lồng khung những tấm giấy khen của chị em tôi và treo khắp bốn bức tường. Mẹ mang chiếc máy dệt cũ xuống bếp để dành chỗ cho tôi đặt một giá sách. Mái tóc mẹ bạc quá nửa, xoăn cứng như sợi cước. Mỗi khi mẹ cười, vết chân chim quanh mắt hiện rõ hơn. Và cái nguyên tắc “không bao giờ được khóc trước mặt người khác” vẫn như một quy ước ngầm trong gian nhà nhỏ bé của ba mẹ con.

Chị Diệu tốt nghiệp loại giỏi, ra trường được tuyển vào một công ty lớn. Chị bảo mẹ tôi bán đi cái máy dệt. Hàng tháng, chị đưa hết tiền lương cho mẹ giữ. Mẹ hỏi: “Sao không cầm lại một ít mà tiêu pha?”. Chị cười xòa: “Thì mẹ cứ giữ hộ con”. Đêm, hai chị em nằm rỉ rả tâm sự, bao giờ chị cũng kết thúc câu chuyện bằng lời hứa sẽ đợi tôi học xong, xin việc ổn định cho tôi rồi mới đi lấy chồng.

Nhưng rồi tôi chưa kịp ra trường thì chị cưới. Sau khi được cất nhắc lên trưởng phòng, chị đưa anh phó giám đốc về ra mắt mẹ và xin cưới vì cái thai trong bụng đã gần ba tháng, lại là thai đôi. Anh ta hơn chị mười tuổi, đang ly thân với vợ, cũng đã có hai đứa con gái, dáng người thấp đậm, mặt vuông chữ điền nhưng cặp môi mỏng dính. Đêm đó, tôi ôm chị thì thầm:

- Em đọc trong cuốn nhân tướng học, đàn ông môi mỏng là trăng hoa lắm. Vả lại chị thanh tân phơi phới thế này, sao lại chấp nhận làm lẽ nhỉ?!

Chị cười khơ khớ:

- Ôi trời, thế kỷ hai mốt rồi ai còn quan trọng chuyện cả với lẽ nữa. Miễn là anh ấy lo cho chị một cuộc sống tốt. Còn tính trăng hoa á, chị chả quan tâm đâu. Công việc của anh ấy như thế, có ong bướm cũng là lẽ thường…

- Nhưng anh ấy đã có hai đứa con, cũng phải san sẻ trách nhiệm với mẹ con chị kia chứ.

Chị chợt thở dài, giọng chùng xuống :

- Em thấy bố có trách nhiệm gì với hai chị em mình không? Đàn ông đa phần có mới nới cũ. Chị cần một vị trí, một cuộc sống vật chất đầy đủ. Cả cuộc đời mẹ đã chật vật nuôi chị em mình, chị không thể sống thêm một cuộc đời như thế. Lấy một anh trai tân, ngoan ngoãn hiền lành nhưng làm công nhân, nghĩa là chị lại đi theo lối mòn của sự nghèo mạt đến suốt đời hay sao? Thôi em đừng bàn lui, chị có quan điểm sống riêng của chị. Em yên tâm, chị lấy chồng rồi nhưng vẫn có thể lo cho mẹ và em.

Tôi im lặng, lắng tai nghe có tiếng mẹ sụt sịt ở phòng bên…

Ngày cưới của chị Diệu, bố và các bác ở quê cũng tới. Đám cưới được tổ chức ngoài khách sạn. Chị Diệu mặc váy trắng muốt, cười rất tươi, khoác tay chú rể đi chúc rượu cảm ơn từng bàn. Chị không đi guốc cao nhưng vẫn nhỉnh hơn chú rể cái chỏm tóc. Lúc chụp ảnh gia đình, tôi thấy bố có vẻ lúng túng, còn mẹ thì cố ý đứng nép vào chị Diệu. Tan tiệc, mẹ tôi mời mọi người về lại nhà mình để cảm ơn, nhưng ai cũng từ chối vì phải về theo hợp đồng thuê xe. Chỉ bố tôi ở lại.

Tối ấy, bố bảo tôi gọi vợ chồng chị Diệu đến. Anh rể đang pha trà thì có điện thoại, chạy ra sân nghe điện rất lâu. Bố ngập ngừng đưa cho chị Diệu một cái hộp nhỏ. Chị cười nhạt:

- Sao lúc tổ chức đám cưới, bố không đăng kí với MC để người ta giới thiệu bố lên tặng quà cưới cho con gái?

Bố im lặng, nhấp chén trà tới ba bốn lần. Chị đẩy lại hộp nữ trang về phía bố:

- Trước lúc bố đi công tác xa và không hẹn ngày trở về ấy, bố đã cho chúng con của hồi môn rồi. Con biết ơn món quà ấy vô cùng vì đã cứu mẹ qua cơn thập tử nhất sinh. Còn món quà này, con xin gửi lại để bố dưỡng già…

- Thấy chị em con trưởng thành thế này, bố cũng mừng. Hoàn cảnh của bố….

Chị Diệu cắt ngang:

- Vâng, con hiểu nỗi khổ tâm của bố. Cảm ơn bố đã sinh ra chúng con. Chúng con không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Bố yên tâm, gần hai mươi năm nay, bố vắng nhà, ba mẹ con con vẫn sống tốt…

Chị bặm môi và đứng phắt dậy, ra sân níu tay anh rể, giọng lại nhẹ nhàng và nũng nịu như chưa hề có chuyện gì. Anh rể quay vào bắt tay chào bố, không biết vô tình hay cố ý nói: “Sang tháng, con có chuyến công tác lên Hòa Bình, nhất định con sẽ qua thăm bố…”.

***
Tôi ra trường, xin về làm ở Sở Văn hóa. Chị Diệu bảo: “Nếu năm tới không vào được biên chế, em xin đi học thạc sĩ rồi tính tiếp”. Anh rể đưa đà: “Hay dì đi học thêm cái chứng chỉ Tin học văn phòng, anh sắp xếp vào phòng hành chính của công ty”. Tôi lặng im. Ngay từ đầu, tôi đã không mấy cảm tình với anh rể. Hồi chị Diệu sinh bé Ly bé Na, tôi đến chăm chị, thi thoảng anh rể nhìn tôi với ánh mắt rất lạ, có lúc còn vô tình động chạm vào tôi nữa. Lúc ấy, nếu có can đảm, tôi đã xổ vào khuôn mặt bỡn cợt ấy mấy lời châm chọc. Nhưng tôi im lặng vì hạnh phúc của chị.

Vài lần, chị mang Ly Na về nhà mẹ, mắt có vệt bầm tím. Mẹ thở dài: “Hãy có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Vợ chồng nên lựa nhau con ạ”. Chị đáp khe khẽ “vâng” rồi mở nhạc dạy Ly Na múa hát. Hai con bé rất xinh, da trắng, môi đỏ giống mẹ, còn mái tóc thì xoăn tự nhiên giống bà ngoại. Chị Diệu khoe với tôi: “Anh ấy mới mua thêm một căn chung cư trên Hà Nội đứng tên chị, lại làm hai cái hợp đồng Bảo hiểm gói VIP nhất cho Ly Na”. Giọng chị hồ hởi mà mắt lại nhìn xa xăm: “Sang năm, Ly Na đi mẫu giáo, chị tính đi sàng lọc sinh con theo ý muốn”. Tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt xa xăm ấy, chỉ thầm nghĩ: “Chị có tiền thì cái gì chẳng theo ý muốn được”.

Nhưng rồi cái kế hoạch “sinh con theo ý muốn” chưa thực hiện được thì chị ly hôn. Chị đồng ý nhượng lại căn chung cư trên Hà Nội cho đứa con gái lớn của chồng lên học đại học, đổi lại là căn nhà ba tầng gần công ty chị. Căn nhà ấy đang sửa lại nội thất, bao giờ xong chị sẽ đón mẹ và tôi qua đó ở luôn tiện chăm sóc Ly Na vì thời gian tới chị phải đi công tác nhiều. Khi mẹ tôi hỏi có cần bán căn nhà cũ này để thêm vào cho chị trang trải hay không thì chị cười xòa:

- Mẹ cứ để căn nhà này lại. Các cụ mình vẫn bảo “cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Biết đâu sau này bố lại muốn về gắn bó với mẹ quãng đời già nua còn lại thì sao…

Bắt gặp ánh mắt buồn thăm thẳm của mẹ, chị lảng sang nựng Ly Na:

- Bà ngoại cứ giữ căn nhà này để Ly Na còn theo dì Thanh về hái hoa hồng chưng nước hoa hồng cho mẹ con dưỡng da chứ.

Khi mẹ đi vào phòng trong, tôi đoán mẹ lại vào đó để khóc, chị Diệu thì thầm vào tai tôi, hệt như hồi nhỏ nói về chuyện của bố mẹ: “Cái nhà cũ này của mình thế đất sao ấy mà toàn dính đến chuyện ly hôn. Em qua nhà mới ở với chị cho thay đổi phong thủy”.

Tôi bâng quơ lật giở mấy trang sách, mắt lơ đãng nhìn khóm hồng leo tốt um trước cổng nhà. Tôi thích cây đó vì sắc hoa thay đổi theo ngày, ban đầu màu trắng ngà, sau ngả màu tím phớt hồng. Có lần chị Diệu quả quyết rằng hoa hồng đổi màu theo tâm trạng của mình. Mùa này cây hồng trổ hoa chi chít. Thi thoảng có bông đã chuyển màu biếc hồng.

Truyện ngắn của TẠ THỊ THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.