Hạnh phúc vì đã thật kiên cường !

Chia sẻ

“Năm nay là tròn 22 năm tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. 22 năm qua luôn là một đoạn đường đầy chông gai, thách thức, đòi hỏi tôi luôn phải chiến đấu để vượt qua. Và lúc nào nhớ lại lúc phát hiện ra bệnh, tôi vẫn tưởng như vừa mới đây thôi!”.

“Chưa lúc nào tôi nghĩ sẽ đầu hàng số phận”

Chị Nguyễn Thị Bích Đông (SN 1951, phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa) mở đầu câu chuyện về hành trình bước qua cuộc chiến gian nan mang tên ung thư vú của mình một cách nhẹ nhàng như vậy.

Từng là cán bộ Sở Y tế Vĩnh Phú (cũ), chị Đông buộc phải nghỉ hưu “non” bởi căn bệnh run vô căn và hở van tim khi chưa đầy 50 tuổi. Vậy mà chỉ 1 năm sau, sờ thấy có khối u rắn ở ngực phải, chị có dự cảm không lành. Khi ấy, căn nhà của vợ chồng chị còn đang xây dở, mọi thứ còn ngổn ngang, chị lặng lẽ một mình đạp xe đến bệnh viện K (Quán Sứ) kiểm tra. “Nhận kết quả xác định là K vú phải, tôi choáng váng, không tin là sự thực”, chị kể. Nhưng, ngay lúc ấy, chị vẫn chỉ nghĩ tới gia đình, quyết định xin bác sỹ cho lùi 20 ngày nhập viện. “Khoảng thời gian đó tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho nhà tôi đổ mái tầng 3.

Thú thật lúc đó tôi có chút lo rằng với bệnh hở van tim, biết đâu chẳng may - dù với xác suất rất nhỏ - trong quá trình phẫu thuật, tôi rơi vào giấc ngủ ngàn thu thì sao! Hãy cố lên, tôi tự nhủ và bình tĩnh bước vào ca mổ trong khi chồng con nước mắt ngắn dài lo lắng. Cuộc mổ kéo dài 4 tiếng. Câu đầu tiên tôi hỏi bác sỹ sau khi tỉnh lại là mấy giờ? Bác sỹ nói là 1 giờ sáng. Chà, thế là tôi vẫn còn sống. Tuy tôi biết rằng cơ thể tôi từ nay sẽ khiếm khuyết vì chỉ còn một bên ngực, tôi vẫn thở phào nhẹ nhõm. Thế là xong một trận chiến!”.

Chị Bích Đông cùng các con trai, gái, dâu, rể trong một chuyến du lịch châu Âu năm 2019Chị Bích Đông cùng các con trong một chuyến du lịch châu Âu năm 2019

Thật vậy, đó mới chỉ là trận chiến khởi đầu mà cuộc sống bắt chị Bích Đông phải trải qua. Những tháng ngày sau đó, chị phải chống chọi với sức công phá của hóa chất. Rụng tóc, người tiều tụy, cơ thể như bị vắt kiệt sức, khiến chị còn không dám nhìn mình trong gương. May mắn, sau đó chị đã có mười mấy năm trôi qua yên ổn, cho đến tháng 6 năm 2018, chị phát hiện mình bị di căn vú trái. Và từ đó đến nay, chị Đông đã trải qua 3 lần phẫu thuật, 50 đợt truyền hóa chất, 36 mũi xạ trị với rất nhiều lần chụp chiếu. “Nói đau đớn, kinh khủng là không đủ để lột tả được những cảm xúc tôi trải qua. Nhưng tôi hiểu: muốn chiến thắng thì không còn cách nào khác là phải đương đầu và vượt qua!”.

22 năm mang căn bệnh quái ác trong người, nhưng chưa một ngày chị Đông thôi yêu cuộc sống. Niềm đam mê lớn nhất của chị là khiêu vũ và từng giành rất nhiều giải thưởng, là một cây văn nghệ “chính hiệu” của phường, ngoài ra chị còn rất chăm chỉ tập thiền, tập thể dục mỗi sáng sớm.

Từng có lúc, chị Bích Đông quên hẳn là mình đang có bệnh trong người, cuộc sống với những niềm vui bên bạn bè, người thân khiến chị như được tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực, cho chị tận hưởng những năm tháng đầy ắp tiếng cười và niềm vui. “Sau bao lần ra vào bệnh viện K, dù rất nhiều lần cảm thấy thật sự mệt mỏi, tuy vậy chưa một lúc nào mình có, dù chỉ thoảng qua, ý nghĩ đầu hàng số phận. Tại đây, gặp những bệnh nhân cũng đang ngồi chờ siêu âm và chụp CT, họ hỏi mình: “Chị điều trị đã lâu chưa, bao giờ thì xong?” Mình trả lời không một chút đắn đo: “À, khi nào thuốc không đáp ứng nữa, bác sĩ sẽ đổi phác đồ điều trị. Khi nào hết phác đồ, bác sĩ bó tay thì mình mới buông tay!” 

Chiếc nồi cơm điện và những điểm tựa êm lành

Năm 2019, trước khi bước vào đợt điều trị lần thứ 2, chị Bích Đông ngỏ ý với gia đình muốn được sang Anh thăm con trai và tranh thủ du lịch một số nước châu Âu. Lúc ấy, con gái chị đang làm việc tại TP.HCM đã không ngần ngại xin nghỉ việc 1 tháng, chấp nhận nguy cơ có thể phải nghỉ việc để cùng mẹ lên đường. Chị Đông kể lại, con gái mình còn mang theo một chiếc nồi cơm điện lên máy bay, để “nếu sang đó, mẹ không ăn được đồ Tây thì con sẽ nấu cơm, đun cháo cho mẹ”.

Chị Bích Đông có thể phải chịu nhiều đau đớn của bệnh tật, nhưng bù lại, chị có các con là những người bạn luôn kề cận. Dù các con đều lập nghiệp ở xa, nhưng mỗi ngày, mấy mẹ con đều phải gọi điện cho nhau, dù chỉ là vài phút. Biết mẹ bệnh, con trai, con gái không ngừng tìm tòi những đồ ăn ngon, thuốc tốt gửi về cho mẹ. Mỗi lần chị phải mổ là các con đều thu xếp công việc để về chăm sóc mẹ.“Chúng nó còn bắt mẹ phải tích cực làm đẹp nữa, quan tâm đến cả thỏi son, kem dưỡng da cho mẹ, mẹ đi khiêu vũ là con lo khoản váy với giày… Yêu lắm, mẹ con cứ như bạn bè tâm giao vậy!”, chị Bích Đông vui vẻ.

Chị Bích Đông và chồngChị Bích Đông và chồng

Nếu như các con là chỗ dựa “từ xa” thì người bạn thời niên thiếu – người chồng của chị Bích Đông chính là điểm tựa cho chị mỗi ngày. Anh Phùng Duy Tĩnh – chồng chị, theo lời kể của vợ, thì còn dễ xúc động và mềm yếu hơn cả vợ. Nhưng bù lại, anh chăm chị rất ân tình. Thấy chị thích ăn gì là anh lại mua, để chị có sức truyền hóa chất. Ngày thường, anh mua những đồ ăn, thức uống phù hợp, giúp chị có một chế độ ăn đảm bảo. Được chị Bích Đông cho xem những bức ảnh chụp lúc đi chơi, dã ngoại cùng chồng và các con trai, gái, dâu, rể, thấy bức ảnh nào cũng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, đặc biệt nụ cười viên mãn luôn thường trực trên khuôn mặt chị, mới thấy người phụ nữ này kiên cường và hạnh phúc đến nhường nào.

Sống chung với ung thư, sẽ phải chấp nhận bỗng một ngày tóc rụng trở lại, chấp nhận một ngày có thêm tế bào ác tính, quái ác trong người, và chấp nhận xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai! “Không ít lần mình đã tự hứa với lòng mình: Chỉ khi nào bác sĩ bó tay thì mình mới buông tay! Nghĩ vậy mình quyết định chờ vài ngày cho đỡ mệt, sửa sang lại mái tóc, đi chụp mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm với mái tóc dài. Nhìn ảnh mình cười với cỏ cây hoa lá, mọi người vẫn bảo: “Ai bảo đây là bệnh nhân ung thư ?” – Chị Bích Đông vẫn cứ lạc quan như thế, dù biết cuộc sống có thể vẫn đang chờ chị ở phía trước với nhiều cuộc chiến mới…

Và rất nhiều phụ nữ kiên cường như thế!

Tháng 5/2020, chị Bích Đông tham gia vào Nhóm Phụ Nữ Kiên Cường Hà Nội (PNKC HN), nơi hội tụ những chị em cùng bị ung thư vú. Là những “Tê giác không sừng”, chị em truyền cho nhau niềm tin và nghị lực để cùng chiến đấu.

Theo chị Nguyễn Thị Nhã, Trưởng nhóm PNKC, hơn 3 năm thành lập, nhóm hiện nay có hơn 400 thành viên. “Chị em trong nhóm, nhỏ tuổi nhất mới có 19, lớn nhất cũng đã ngoài 70. Bác sỹ, giáo viên, công nhân…, người làm tiến sỹ cũng có cả! Tất cả đều có điểm chung là mắc căn bệnh ung thư vú, và tìm đến nhau như một liều thuốc tinh thần, chữa lành những tổn thương, mặc cảm mà căn bệnh quái ác kia mang lại”. Chị Nhã cho hay, ngoài chị Bích Đông, còn có rất nhiều thành viên đã chống chọi với căn bệnh này đằng đẵng nhiều năm liền vẫn không lùi bước. Có người mang trong mình đến tận 2, 3 loại ung thư vẫn nở nụ cười. Có chị em dù mang bệnh nhưng vẫn xung phong ra tuyến đầu chống dịch… Một điểm chung nữa, là chị em luôn có nhau, luôn có gia đình ở bên, động viên và chia sẻ”. Với riêng chị Nhã, chị như tìm được niềm vui mới với nhóm PNKC, khiến cho chồng có khuyên nhủ nên nghỉ ngơi, chị vẫn không chịu nghe, ngày ngày tiếp bước, chung sức cùng các chị em trong nhóm.

“Dù cuộc chiến chống ung thư đầy cam go, nhưng chúng ta phải kiên cường, muốn vậy hãy lạc quan yêu đời, tin tưởng tuyệt đối vào phác đồ điều trị và thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ; ăn uống đa dạng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể, và nhất là phải cố gắng rèn luyện thân thể; hãy tìm cho mình một môn thể dục, thể thao hay giải trí phù hợp với sức khỏe và điều kiện của mình, quan trọng là phải kiên trì và quyết tâm luyện tập thường xuyên” chị Bích Đông chia sẻ.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.