Mất Tết vì nợ “khủng” của chồng, con

Chia sẻ

PNTĐ-Tết đang đến gần nhưng một bộ phận gia đình thay vì náo nức chuẩn bị đón năm mới thì lại bấn loạn vì những món nợ "khủng" do cờ bạc, cá độ bóng đá do chồng, con “mang về”...

 
Mất Tết vì nợ “khủng” của chồng, con - ảnh 1
Minh họa sưu tầm
 
Đầu năm là tỷ phú, cuối năm thành con nợ
 
Nhờ các dự án đô thị hóa, mấy mẫu ruộng của nhà chị L.T. Khánh ở Q. Nam Từ Liêm (HN) được quy ra tiền tỷ. Đầu năm, cả nhà như nằm mơ khi cầm trong tay mấy tỷ đồng tiền đền bù.
 
Nhưng cái sự sung sướng, mãn nguyện của chị Khánh phải dừng lại ở thời điểm giáp Tết với số nợ “khủng” của  chồng báo về. Lâu nay, nghe mọi người xì xầm chồng đam mê cá độ bóng đá, chị không tin vì “lão xưa nay không thích xem một trận bóng nào thì làm sao mê cá độ trò đó”. Chỉ đến khi mấy gã tóc xanh, đỏ đến nhà ăn vạ để đòi nợ thì chị mới tá hỏa. Số tiền nợ của chồng lên đến tiền tỷ. Hóa ra, cái sự giàu lên nhanh chóng khiến chồng nghĩ cả đời tiền tiêu không hết nên chẳng màng đến làm việc. Từ lúc làng lên phố, thanh niên, ông già trong làng nhàn rỗi đều tụ tập bài bạc “giải khuây” cả ngày nên chị Khánh nghĩ chồng cũng chỉ chơi cho vui. Ai ngờ…
 
Cả một tuần nay, vợ chồng chị N.T. An (Q. Bắc Từ Liêm) như ngồi trên đống lửa, hết họp “đại gia đình” đến “tiểu gia đình” để vay mượn và bàn cách giải quyết món nợ do thằng con đích tôn “mang về”. Đầu năm, do là con trưởng nên vợ chồng chị An được thừa hưởng một số diện tích đất ở, đất ruộng do ông bà, bố mẹ để lại. Khi xã thành phường, số tiền đất đền bù từ các dự án cao hơn nên gia đình chị cũng một bước thành tỷ phú. Thằng con đích tôn ngay lập tức đòi bố mẹ sắm ô tô, xây nhà để cưới vợ. Nghĩ tài sản trước sau gì cũng để lại cho nó, mua trước khỏi mua sau nên anh chị chiều theo ý con. Nhưng đích tôn của dòng họ không cưới vợ, sinh con để nối dõi, chăm chỉ làm ăn như mọi người trông đợi mà sa vào chốn ăn chơi. Biết con hư nhưng vợ chồng chị chỉ nghĩ  nó “hư có mức độ” không đến nỗi nợ nần chồng chất như vậy. Chiếc ô tô nó vẫn sử dụng hóa ra là đã thuộc về chủ nợ từ lâu.
 
Đã vậy, nó còn nằm trong vụ án cá độ bóng đá mà công an vừa vây bắt. Tết này, không chỉ nhà chị An mất Tết mà một số người thân của chị cũng nơm nớp lo lắng vì “trót” đưa sổ đỏ nhà mình đi cầm cố để lấy tiền cho chị An vay “giải cứu” con trai khỏi chốn tù tội, nợ nần.  

Con dại cái mang
 
Chống gậy đến văn phòng luật sư, cụ Trần Văn Tư (75 tuổi, Thanh Trì, HN) mếu máo: “Xin các ông bà giúp tôi có cách nào đòi lại nhà nếu không tôi chết cũng chẳng có chỗ để mà thờ cúng”. Cụ Tư kể, lâu nay cụ sống cùng vợ chồng con trai trong căn nhà do mình đứng tên chủ sở hữu. Cách đây một tháng, con trai thuê xe đưa cụ về quê chơi.
 
Sau một thời gian cụ trở về nhà, khi bấm chuông cửa thì một người đàn ông lạ xuất hiện hỏi cụ tìm ai. Hóa ra con trai chơi lô đề thế nào đến nỗi nợ nần chồng chất. Hết chỗ vay mượn, anh ta tìm tới “tín dụng đen” rồi sa bẫy bọn cho vay nặng lãi. Không còn cách nào khác, con trai lừa bố về quê rồi đem giấy tờ, giả mạo chữ ký của bố sang lại nhà cho chủ nợ rồi đem vợ con đi “lánh nạn” ở đâu cũng không rõ.
 
Còn chị Khánh nghe mọi người “tư vấn” tạm thời ly hôn để giữ tài sản nên cũng đến văn phòng luật sư để tìm hiểu thủ tục. Hai vợ chồng bàn nhau, khi ly hôn chồng sẽ để lại cho chị toàn bộ ngôi nhà để bọn chủ nợ không thể lấy gạt nợ. Chị hi vọng bằng cách sẽ giữ được ngôi nhà để nương thân. Tai qua nạn khỏi, vợ chồng họ sẽ đoàn tụ lại.

Luật sư Nguyễn Bích Lan (VP Luật sư số 5, HN) cho rằng việc con cái báo nợ "khủng", lỗi không chỉ thuộc về những đứa con hư mà còn do bố mẹ. Chính sự giàu có bất ngờ nhờ đất đai, việc tiêu tiền không có hoạch định của bố mẹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Họ cho con tiếp xúc với tiền bạc quá sớm, dễ dãi mua sắm vật chất đắt tiền theo nhu cầu của chúng, thậm chí nhiều lần chấp nhận trả nợ hộ con để rồi lại tái diễn lần sau.
 
Đối với những khoản nợ "khủng" của chồng, con cái mà chủ nợ cố tình bắt bố mẹ, vợ con trả thay, luật sư Lan cho rằng tốt nhất họ nên tìm đến pháp luật để được bảo vệ. Trường hợp bị chủ nợ khởi kiện ra tòa, người thân không phải “gánh” món nợ đó vì trên góc độ pháp lý “nợ ai người đó trả”. Những đứa con đã thành niên sẽ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình gây ra. Người vợ không có trách nhiệm phải trả “nợ riêng” của chồng.
 
Trong trường hợp bị chủ nợ dùng xã hội đen đe dọa, hãy đến cơ quan công an nhờ can thiệp bởi các hành vi cho vay nặng lãi, chứa chấp chơi lô đề, cờ bạc, cá độ bóng đá đều bất hợp pháp. Điều quan trọng là người thân phải vượt qua nỗi sợ hãi trước sự đe dọa của các chủ nợ, tâm lý không nỡ để chồng, con chịu cảnh tù tội khi vướng vào nợ nần để rồi lại mềm lòng chấp nhận làm con nợ.

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.