Cùng con vượt qua cú sốc thi trượt đại học

Chia sẻ

PNTĐ-Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ không chỉ phải giúp con vượt qua cú sốc thi trượt đại học mà chính họ cũng phải học cách vượt qua cú sốc đó.

 
Cùng con vượt qua cú sốc thi trượt đại học - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Trượt đại học: Con sốc 5, bố mẹ sốc 10
 
Nhà có mỗi đứa con gái, vợ chồng chị Minh Nguyệt đặt hết mọi tâm huyết đầu tư cho con từ nhỏ cho đến lớn. Điều mà anh chị kỳ vọng nhất ở con là học hành đỗ đạt. Dù gia đình không khá giả nhưng chị Nguyệt vẫn không nề hà trong chuyện đầu tư cho con theo học trường chuyên lớp chọn. Ngoài thời gian học chính ở trường, chị cũng lân la dò hỏi các lớp học thêm chất lượng cao để cho con theo học. 12 năm đèn sách của con, vợ chồng chị nhịn ăn nhịn mặc để đầu tư lo cho con có điều kiện học hành tốt nhất. Mục tiêu và cũng là niềm mơ ước của anh chị là con gái đỗ đại học.
 
Ngày con thi tốt nghiệp, chị lo lắng mất ăn mất ngủ. Con thi xong, chị lại bâng khuâng chờ ngày báo điểm, rồi tiếp tục trăn trở làm hồ sơ đăng ký các nguyện vọng xét tuyển vào trường đại học. Nhưng đến lúc biết số điểm thi của con không đủ để đỗ vào các trường đại học đã đăng ký trước đó, chị lập tức bị sốc. Anh Minh nói: "Biết được kết quả thi trượt đại học, con gái sốc 5 thì mẹ nó sốc 10. Giờ, con gái nằm lì trong phòng khóc sưng cả mắt, còn mẹ thì bỏ ăn uống, đêm nằm trằn trọc không ngủ, sáng dậy chóng mặt đứng không vững. Cả tuần nay, vợ tôi phải xin nghỉ ốm nằm nhà rên rỉ kêu khổ, kêu chán cả ngày".
 
Điều anh Minh lo lắng là sự suy sụp của vợ ảnh hưởng đến tâm lý con gái. Thấy mẹ đau khổ vì chuyện thi trượt của mình, con gái anh càng cảm thấy có lỗi hơn. Còn chị, vì không kìm nén được cảm xúc đã có những lời mắng mỏ, trách móc con gái hơi thái quá khiến con bé càng suy sụp, nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Có những hôm, cả nhà anh ăn bữa cơm giống như cực hình chỉ vì "mẹ vừa bê cơm vừa gạt nước mắt, còn con gái cúi gằm mặt ăn không dám nhìn bố mẹ". Chưa hết, vợ anh còn tự tạo áp lực cho mình khi lúc nào cũng mang tâm lý so sánh với các gia đình khác. Cứ mỗi lần nghe ai nói chuyện con cái đỗ vào trường này, trường họ là chị vừa ghen tỵ, vừa mặc cảm vì con mình... học dốt. Cứ thế, chị gầy mòn, ốm yếu vì chuyện thi trượt đại học của con gái. Anh cố gắng khuyên vợ, con nhưng cũng chẳng mấy kết quả.
 
Tương tự, chị Tuyết Lan là giáo viên dạy tiếng Anh của một trường cấp 3 cũng đặt hết kỳ vọng vào đứa con trai mà bao nhiêu năm nay cả nhà đã dồn sức đầu tư. Ấy vậy mà, con trai chị không mang lại cho gia đình niềm vinh dự có con cháu đỗ đạt. Nhìn con cái nhà người ta đạt điểm cao, đỗ không chỉ một mà tận hai trường đại học, chị càng hụt hẫng, thất vọng với sự thất bại của con trai mình. Tệ hơn, tâm lý mẹ là giáo viên mà con không đỗ đại học càng khiến chị suy sụp nặng nề. Giờ ra đầu ngõ, chị thấy ngại ngùng xấu hổ với cô bán trà đá "ít chữ", thế mà con cái lại học hành đỗ đại học chẳng thua kém ai. Cứ thế, chị tự ti rồi tạo áp lực cho bản thân khiến tâm lý càng nặng nề.
 
Chưa dừng lại ở đó, chị còn quay sang quy kết trách nhiệm cho chồng, rằng anh hàng ngày chỉ mải việc không sâu sát kèm cặp cho con nhiều hơn. Chị cũng trách ông bà nội, ngoại chiều cháu, mỗi lần nó kêu học hành căng thẳng là lại tìm cớ tổ chức đi chơi, dã ngoại khiến nó chẳng chuyên tâm học hành. Chị cũng đổ lỗi cho cậu em chồng hay rủ cháu tham gia các câu lạc bộ đá bóng, giao lưu này nọ giờ thì thấy rõ hậu quả. Cứ thế, chị lôi tất cả mọi người vào cuộc, đổ lỗi cho họ trước việc con trai mình thi trượt đại học. Những người trong gia đình, người hiểu tâm trạng của chị thì bỏ qua không chấp nhất, người tự ái thì giận chị ra mặt. Vậy là gia đình bị chia rẽ, mâu thuẫn, xáo trộn từ ngoại đến nội.
 
Cùng con đối diện với thất bại
 
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sau khi con thi trượt đại học, việc trước tiên bố mẹ cần làm là phải làm chủ được tâm trạng của bản thân. Họ cần phải tạo cho con tấm gương tích cực và mạnh mẽ để con có thêm sức mạnh và nghị lực đối diện với hiện thực. Người lớn cần phải hiểu rằng trong cuộc sống có rất nhiều việc xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta. Việc con thi trượt đại học có thể là một trở ngại lớn nhưng nó không phải là đã đặt dấu chấm cho con đường tương lai của trẻ. Con vẫn có cơ hội làm lại và nếu không phải cứ nhất thiết phải vào đại học thì con mới có tương lai. Có nhiều con đường để vào đời và thành công, chỉ cần bố mẹ biết định hướng đúng với khả năng của con và trẻ không nản chí, bỏ cuộc.
 
Sau việc giải tỏa tâm lý cho bản thân, các bậc bố mẹ cần giải tỏa áp lực cho con. Vì cũng như bố mẹ, việc thi trượt đại học cũng là cú sốc lớn đối với con. Bất kỳ trường hợp nào, bố mẹ cũng cần thể hiện để con cảm nhận được sự quan tâm, ủng hộ, không nên tạo thêm áp lực cho con bằng những cảm xúc tiêu cực của mình. Bố mẹ cũng nên tôn trọng quyết định lựa chọn tương lai của con sau khi trượt đại học. Thực tế, có không ít gia đình đã xảy ra mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái khi áp đặt con đường tiếp theo của con.
 
Trước hết, bố mẹ cần chia sẻ, trò chuyện một cách bình đẳng với con, không nên cố ép con phải nghe theo ý kiến của mình, cũng không nên dựa vào cách nhìn nhận của mình để sắp đặt bước đường công danh của con cái. Bố mẹ cần thấu hiểu suy nghĩ của con, sau đó tiến hành phân tích một cách khách quan. Nếu như suy nghĩ của con có căn cứ, hợp lý thì bố mẹ nên tôn trọng. Trường hợp, suy nghĩ của con nhất thời, cảm tính, bố mẹ cần bình tĩnh để giảng giải cho con hiểu. Theo đó, bố mẹ có thể chỉ ra những điểm được và chưa được trong quan điểm của con để trẻ hiểu được và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
 
Trong nền giáo dục truyền thống của chúng ta, kỳ thi đại học là giai đoạn quan trọng quyết định bước ngoặt cuộc đời của mỗi con người. Nếu thi trượt, các bạn trẻ sẽ rơi vào trạng thái đau khổ, thất vọng, chán nản. Lúc này, điều mà các em cần là sự thông cảm, chia sẻ của người thân. Nếu các em chỉ nhận lại được những lời trách mắng, cười nhạo, sự đổ lỗi thì sẽ này sinh tâm trạng buồn chán, tiêu cực, thậm chí rơi vào vực thẳm của sự tuyệt vọng. Thực tiễn đã chứng minh, có không ít trường hợp trẻ tìm đến cái chết chỉ vì không chịu nổi áp lực của gia đình khi thi trượt đại học. Do đó, khi con thi trượt đại học, bố mẹ có thể giúp con mở ra một cánh cửa tương lai khác tốt đep hơn. Nhưng nếu hành xử không khéo, bố mẹ cũng là người đóng lại cánh cửa tương lai của trẻ vĩnh viễn.
 
    Nguyễn Thoan

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.