Lao đông phi chính thức vẫn khó tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chia sẻ

PNTĐ-Đến nay vẫn còn những rào cản khiến nhiều người lao động chưa tiếp cận được với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện...

 
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện chính thức được áp dụng đối với người lao động (LĐ) không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2008. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những rào cản khiến nhiều người LĐ chưa tiếp cận được với loại hình BHXH này.
 
Lao đông phi chính thức vẫn khó tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện - ảnh 1
Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân quan trọng
khiến nhiều LĐ phi chính thức thờ ơ với BHXH tự nguyện
 
Thờ ơ với lợi ích lâu dài
 
Căn phòng nhỏ nằm trong khu xóm trọ ở phường Phúc Tân (Hà Nội), là nơi chị Phạm Thị Hậu, 37 tuổi, quê Hải Dương, trú ngụ nhiều năm nay. Sau khi lập gia đình, chị về quê chồng ở Hải Hậu (Nam Định) làm ruộng. Năm 2004, chồng chị bị tai nạn qua đời, chị cùng đứa con còn nhỏ dại trở lại xóm trọ, tiếp tục kiếm sống bằng gánh hàng rong. Con gái chị năm nay 12 tuổi, học trường THCS nơi tạm trú. Thu nhập của chị mỗi tháng gần 4 triệu đồng nhờ bán rong mặt hàng  chổi tre. “Kinh tế eo hẹp nên việc tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu dưỡng già, thực sự tôi chưa nghĩ đến”, chị Hậu bộc bạch.
 
Chị Hậu chỉ là một trong số 210 người lao động khu vực phi chính thức (bán hàng rong và đồng nát) tại Hà Nội mà Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) khảo sát những năm qua, nhằm tìm hiểu về nhu cầu và mức tiếp cận an sinh xã hội của nhóm LĐ di cư. Kết quả khảo sát cho thấy, điều kiện sống của nhóm LĐ này thường là khu trọ cũ, kém vệ sinh, hạn chế trong tiếp cận nước sạch, thông tin… Họ hầu hết không còn trẻ, độ tuổi trung bình 45,1 tuổi, đa số phải làm việc trên 10 giờ/ngày, để có mức thu nhập trung bình  3,3 triệu đồng/tháng. “Phần lớn người LĐ phi chính thức này không thấy rõ về lợi ích của việc tham gia BHXH mang lại nên thờ ơ đối với các chính sách này. Ngay cả khi họ quan tâm tới những vấn đề này, thì họ cũng không biết tìm kiếm thông tin ở đâu và thủ tục phải hoàn thành như thế nào”, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT nói.
          
Tháo gỡ khó khăn
 
Sau 7 năm thực hiện BHXH tự nguyện, đến  nay, số người tham gia chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia, khoảng gần 240 nghìn người.
 
Nguyên nhân chủ yếu là do loại hình BHXH tự nguyện lần đầu tiên được áp dụng nên cần phải có thời gian để người dân cân nhắc lựa chọn. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là LĐ tự do, LĐ thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định, trong khi chính sách quy định lấy thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện nên người LĐ khó có khả năng tham gia. Quy định hiện hành đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân từ đủ 15 đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ, nên nhóm có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên đối với nam và từ 40 tuổi trở lên đối với nữ sẽ không được tham gia; Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia. Đặc biệt là công tác tuyên truyền còn hạn chế chưa phù hợp với các nhóm đối tượng, nhiều người chưa hiểu về BHXH tự nguyện. Vẫn còn đó tư tưởng tự cấp tự túc, người dân chưa thể lo xa cho tuổi già của mình.
 
Rào cản lớn mà LĐ phi chính thức chưa tiếp cận được loại hình BHXH này vẫn là do thu nhập của đa số người LĐ khu vực phi chính thức ở mức thấp, thiếu ổn định. Hằng ngày phải đối diện với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, nên nhiều LĐ tự do đã đứng tuổi lo ngại không biết liệu mình có sống được đến 20 năm nữa để hưởng BHXH mà tham gia hay không? Một nguyên nhân nữa, đó là đặc thù của LĐ phi chính thức vốn không ổn định, theo mùa vụ, cường độ di chuyển cao, do vậy khó quản lý và tiếp cận. Trong khi công tác truyền thông lại chưa chuyển tải những quy định BHXH tự nguyện (như điều kiện đóng, quyền lợi hưu trí…) rộng rãi tới đối tượng LĐ phi chính thức. Theo khảo sát của LIGHT, có tới 91,45% những người bán hàng rong ở Hà Nội chưa biết đến BHXH.
 
Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người có thể tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH mới có hiệu lực từ 1/1/2016 bổ sung nhiều quy định như không khống chế tuổi trần tham gia; hạ mức sàn thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng để phù hợp hơn với khả năng tài chính của nhiều người LĐ; linh hoạt trong phương thức đóng và hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, các chính sách về BHXH tự nguyện cần được xem xét sửa đổi, bổ sung về mức đóng, giúp người LĐ phi chính thức có đủ khả năng tài chính tham gia.
 
Về phía các cơ quan Nhà nước cần có lộ trình (thời điểm, mức hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ và thời hạn) hỗ trợ người LĐ phi chính thức tham gia loại hình bảo hiểm này. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược phát triển đối với nhóm LĐ phi chính thức. BHXH tự nguyện nên mở rộng quyền lợi để người LĐ phi chính thức có thể tham gia đóng và hưởng quyền lợi giống như BHXH bắt buộc ( bổ sung mua và hưởng lợi các chế độ về ốm đau, tai nạn lao động, thai sản…).

Kim Lý

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.