Vợ chồng "Ngâu" tuổi xế chiều

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày nhận thông báo nghỉ hưu, ông gọi điện về cho bà "Tôi sắp được về sống gần bà rồi, vợ chồng mình cuối cùng cũng hết cảnh xa nhau"...

 
Vợ chồng
Ảnh minh họa
 
Ông là bộ đội biên phòng, bao nhiêu năm nay sống xa nhà. Bà là giáo viên ở quê, một nách hai con nhỏ sống cùng bố mẹ chồng. Những năm tháng còn trẻ, ông không về được thì nghỉ hè, bà lại khăn gói đi thăm chồng. Hai đứa con là kết quả của những đợt thăm chồng vào các dịp hè của bà. Sau này, bố mẹ chồng già yếu dần, con nhỏ bìu ríu, bà chẳng có thời gian để đi thăm chồng như trước. Thành ra số lần vợ chồng được sống gần nhau phụ thuộc vào những đợt phép ngắn ngủi của ông.
 
Lắm lúc, bà cũng tủi thân vì mang tiếng có chồng nhưng nhà cửa thường thiếu vắng đàn ông. Cảnh nhà cửa xuống cấp sau mỗi mùa mưa bão, muốn sửa cái giếng, xây lại công trình phụ cũng chẳng thể gọi chồng. Bà đành phải tự tìm hiểu, gọi thợ rồi thông báo cho ông công việc bà sẽ phải làm. Ông nghe xong, thấy chưa hợp lý thì góp ý cho vợ sửa theo ý mình, còn thấy được rồi thì để bà làm và gửi lương về cho vợ tự xoay xở.
 
Nhưng tiền là một nhẽ, cái bà cần là sự ấm áp của người chồng bên cạnh hàng ngày, là sự mạnh mẽ của người đàn ông trong nhà làm cho bà có cảm giác nhà cửa vững chãi hơn. Nhiều khi nhìn sang nhà hàng xóm, bà thấy thèm cảnh vợ chồng sống bên nhau sớm tối. Nhưng điều kiện hoàn cảnh chẳng thay đổi được nên bà học cách chấp nhận và vượt qua mọi khó khăn. Từ lúc nào cả ông và bà đều mong chờ ngày ông được nghỉ hưu, lúc đó hai người sẽ chấm dứt cảnh sống vợ chồng “Ngâu”.
 
 Vậy mà ông mới về hưu được hơn hai tháng, sống vui vầy với bà chưa ấm hơi thì con dâu sinh cháu, gọi điện nhờ mẹ chồng ra giúp. Bà khăn gói ra Hà Nội, bảo ông chịu khó ở nhà trông coi vườn tược ít lâu rồi bà về. Ngày chở bà ra bến xe, ông nói đùa bảo giờ đến lượt bà “đi công tác” xa nhà. Bà bật cười trước sự ví von của ông, bảo sẽ chỉ đi ít lâu rồi về, chứ có biền biệt mấy chục năm liền như ông đâu. Bà tưởng chỉ giúp trông cháu mấy tháng khi nó còn quá non nớt rồi con cái phải tự lo, nhưng chúng nó không để cho bà dứt ra mà về với ông được. Hai vợ chồng thuê nhà sống, tiền lương chỉ đủ trang trải chi tiêu hàng ngày và lo cho con, nên không có điều kiện để thuê giúp việc, cháu nội sinh ra lại yếu ớt.
 
Ông bà cũng đã tính đến phương án mang cháu về quê sống cùng mình nhưng cháu cứ ốm đau liên miên mà ở quê bệnh viện lại xa nhà. Thương con, thương cháu, ông bà lại động viên tạm sống xa nhau thêm ít lâu. Thỉnh thoảng ngày lễ tết, các con được nghỉ bà lại về quê thăm ông; hoặc ông có nhớ vợ con và cháu thì ra Hà Nội chơi một hai ngày rồi về vì nhà trọ chật chội muốn ở lâu cũng chẳng được.
 
Mất mấy năm chăm cháu nội đến lúc nó đi được mẫu giáo, bà thở phào khăn gói về quê với ông. Nhưng chưa được mấy tháng thì đến lượt con gái nhờ vả. Con gái bà lấy chồng cách nhà 200 cây số, bố chồng mất còn lại mẹ chồng bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay. Hai vợ chồng thuê giúp việc chăm sóc bà nội nằm một chỗ, còn cháu thì phải cậy nhờ đến bà ngoại. Vậy là bà lại tiếp tục “đi công tác” xa nhà thêm một thời gian.
 
Bao năm sống xa nhau, ông nghĩ đến khi về hưu sống già với nhau sẽ bù đắp lại cho bà thật nhiều. Ông dự định dành thời gian đưa bà đi du lịch để biết đây biết đó một chút. Từ ngày lấy ông, bà chỉ biết đường lên đơn vị chồng, già rồi được ra Thủ đô nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong nhà trông cháu. Trẻ không có cơ hội làm việc đó thì về già ông sẽ làm, miễn là có sức khỏe. Chuẩn bị cho kế hoạch ấy, ông chịu khó tiết kiệm dành dụm được một khoản tiền.
 
Ấy vậy mà từ ngày về hưu đến nay đã mấy năm rồi, ông vẫn chưa thực hiện được mong muốn. Lần này bà về quê xem ông sống một mình thế nào, ông ngồi cạnh bên vợ, bóp vai cho bà đỡ mỏi, nói như năn nỉ: “Bà cố nốt năm nay rồi về với tôi nhé, cả thời trẻ chúng ta đã sống cảnh vợ chồng “Ngâu” rồi già phải được gần nhau chứ”. Bà nghe mà khóe mắt cay cay, đêm đó bà gọi điện cho con gái tâm sự. Sáng sớm, ông dậy chuẩn bị để đưa bà ra bến xe tiếp tục “đi công tác” thì thấy bà vẫn lúi húi trong bếp.
 
“Tôi không đi nữa, chúng nó “tha” cho tôi ở nhà với ông luôn”. Ông vui đến nỗi tưởng mình nghe nhầm, cứ hỏi đi hỏi lại: “Tôi với bà hết cảnh vợ chồng “Ngâu” rồi thật à?”. Không riêng gì ông, lòng bà cũng đang vui, hệt như trước đây mỗi lần chồng về phép.

Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.