Vừa hết năm cũ đã “nóng” chuyện năm học mới

Chia sẻ

PNTĐ-Năm học cũ đã kết thúc, nhưng còn nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục như tình trạng thiếu trường lớp, tăng học phí, lạm phát giấy khen, bạo lực học đường… vẫn đang tồn tại.

 
Năm học cũ đã kết thúc, nhưng còn nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục như tình trạng thiếu trường lớp, tăng học phí, lạm phát giấy khen, bạo lực học đường… vẫn đang tồn tại khiến mọi gia đình chưa thể an tâm. 
 
Vừa hết năm cũ đã “nóng” chuyện năm học mới - ảnh 1
Từ năm học 2018-2019, Hà Nội dự kiến sẽ điều chỉnh mức học phí theo hướng tăng

 
Trường học không “đuổi kịp” tốc độc tăng dân số
 
Theo Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2017-2018, trên địa bàn Thành phố có 2.641 trường mầm non, phổ thông và 2 TCCN với gần 1,9 triệu học sinh. Năm 2017, Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa nhiều trường học kịp thời phục vụ cho năm học. Riêng các đơn vị trực thuộc được giao thực hiện 244 tỷ cho 7 dự án THPT; Sở cũng đã tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới các trường học, trong đó quan tâm đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị, các nơi thiếu trường học.
 
Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, trên thực tế, vấn đề thiếu trường lớp vẫn đang tồn tại, điển hình như tại hai quận Hoàng Mai và Hà Đông. Tại quận Hà Đông, nhiều năm qua, học sinh trường tiểu học Nguyễn Du, phường Văn Quán vẫn phải học luân phiên, hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên do trường không có đủ phòng học. Trong khi đó, nhiều gia đình ở quận Hoàng Mai buộc phải gửi con em học trái tuyến vì trường đúng tuyến trên địa bàn đã quá tải.
 
Về vấn đề này, theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cho biết, quận Hoàng Mai khi mới thành lập năm 2008 có 18 vạn dân. Sau 15 năm, dân số của Quận đã tăng lên 41 vạn người. Số lượng trường lớp không thể bắt kịp tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học quá nhanh nên đã gây ra tình trạng thiếu trường lớp. Giải pháp của quận Hoàng Mai là trong giai đoạn 2018-2020, sẽ xây mới thêm 13 trường công lập ở các cấp học; Phòng GD-ĐT cũng đã tham mưu cấp phép thêm 5 trường mầm non NCL. Ngoài ra,  nhiều trường tiểu học đã xây thêm các khối nhà để tăng số phòng học. UBND Quận đã giao tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường mầm non so với Điều lệ trường mầm non trên cơ sở vẫn đảm bảo số mét vuông/học sinh và số giáo viên/lớp. Tuy nhiên, bài toán thiếu trường vẫn chưa thể giải quyết ngay. Hiện Hoàng Mai vẫn là quận có số học sinh phải học luân phiên vào thứ 7 nhiều nhất thành phố.
 
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông, quận Hà Đông cũng là 1 trong những quận có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Năm 2018,trên địa bàn  Quận đã tăng hơn 7.000 học sinh so với năm học trước, trong đó riêng trường công lập tăng hơn 5.000 học sinh. Đặc biệt, một số địa bàn như phường Văn Quán hiện không còn quỹ đất để xây mới trường. Vì thế, để có đủ phòng học cho học sinh phường Văn Quán, Quận đã đầu tư sửa chữa, chống xuống cấp và xây mới thêm 24 phòng học, trong đó có 4 phòng chức năng. Theo bà Hằng, Quận đang nỗ lực để tăng số trường lớp trên địa bàn. Năm 2018, toàn Quận đã thành lập mới 15 trường, trong đó có 7 trường công lập.
 
Theo đại diện Sở GD-ĐT, để phục vụ cho năm học 2018-2019, trên địa bàn Hà Nội các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp; đối với khối trực thuộc, đã thành lập mới 7 trường THPT như THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai), THPT Lâm Nghiệp (thuộc ĐH Lâm Nghiệp huyện Chương Mỹ), THCS-THPT TH School-Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), TH-THCS-THPT Vinschool The Harmony (quận Long Biên)… Ngoài ra, Thành phố cũng đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học mới xây, 2.552 phòng học cải tạo…
 
Tăng học phí theo lộ trình
 
Năm học 2017 – 2018, theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐND, HĐND thành phố Hà Nội ấn định mức học phí nhà trẻ, mẫu giáo, THCS, THPT, GDTX  trên địa bàn là 110.000 đồng/tháng/học sinh ở vùng thành thị; 55.000 đồng/tháng/học sinh ở vùng nông thôn và 14.000 đồng/tháng/học sinh ở vùng núi.
 
Năm học 2018 - 2019 tới, Hà Nội dự kiến mức thu học phí áp dụng với học sinh tại cơ sở giáo dục mầm non, trường THCS, THPT công lập, giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT ở thành thị là 155.000 đồng/tháng (tăng 45.000 đồng/học sinh/tháng); mức thu với học sinh vùng nông thôn là 75.000 đồng (tăng 20.000 đồng/học sinh/tháng) và mức thu với học sinh vùng núi là 19.000 đồng (tăng 5.000 đồng/học sinh/tháng) so với năm học trước.
 
Ngoài ra, cũng theo lộ trình, đến năm học 2020 - 2021, mức thu học phí của Hà Nội sẽ bằng mức cao nhất trong khung học phí quy định tại Nghị định 86 (năm 2015) đối với vùng thành thị là 300.000 đồng/học sinh/tháng và nông thôn là 120.000 đồng/học sinh/tháng. Học phí các xã miền núi của thành phố bằng 50% mức cao nhất trong khung là 30.000 đồng/học sinh/tháng.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, học phí ở Hà Nội hiện còn thấp hơn nhiều tỉnh, thành phố khác. Sở GD-ĐT đã có tờ trình UBND Thành phố phương án tăng học phí dựa trên các nguyên tắc: phù hợp đời sống người dân trên địa bàn, theo đúng lộ trình được HĐND TP đề ra và đảm bảo đầu tư tốt hơn cho giáo dục. Mức tăng học phí không vượt quá 2% thu nhập của người dân. Ngoài ra, Hà Nội vẫn đảm bảo tất cả đối tượng ưu tiên được hưởng chính sách miễn giảm học phí, không để học sinh nghèo không được tới trường vì thiếu tiền học phí.
 
Về việc sử dụng khoản học phí này, theo ông Cẩn, tiền học phí sau khi thu được, các trường chỉ giữ lại 40% dùng cho việc chi lương, 60% nộp vào ngân sách Thành phố để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.
 
Như vậy, từ năm học tới, mức học phí mới sẽ tác động tới khoảng 1,8 triệu học sinh Thủ đô.
PV 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.