Con hư tại mẹ

Chia sẻ

PNTĐ-Không muốn con trở thành cậu công tử bột, bao bọc bởi cuộc sống nhung lụa, anh quyết định cho con trai tham gia các lớp kỹ năng sống, trại hè. Vậy nhưng...

 
Không muốn con trở thành cậu công tử bột, bao bọc bởi cuộc sống nhung lụa, anh quyết định cho con trai tham gia các lớp kỹ năng sống, trại hè. Vậy nhưng sau đó, vợ anh lại khiến mọi nỗ lực rèn luyện con của anh thành công cốc. Vợ chồng theo đó cũng lục đục theo.
 
Con hư tại mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Nhà anh khá giả, lại sinh được mỗi đứa con trai nên từ nhỏ đến lớn cả nhà nâng niu, chiều chuộng con như báu vật. Thằng bé được mẹ chăm sóc, bảo bọc kỹ đến nỗi nó giống như một ông vua con trong nhà, ăn có người bón tận miệng, uống có người bê nước tận nơi, đi đâu có xe đưa xe đón. Khi con trai đến lớp, thay vì ăn cơm bán trú ở trường như các bạn, trưa nào chị cũng sai giúp việc mang cơm đến trường cho con. Bởi vậy, con trai anh chị luôn có một chế độ chăm sóc riêng biệt so với các bạn ở trường. 
 
Anh muốn con trai có thêm những kỹ năng sống, có sự đồng cảm và chia sẻ với cuộc sống còn khó khăn của mọi người xung quanh. 
 
Theo kế hoạch, thằng bé được bố cho tham gia trại hè Học kỳ quân đội. Trước đó, chị lên mạng tìm hiểu thấy chế độ sinh hoạt, luyện tập của khóa học vất vả nên không đồng ý. Nhưng, anh vẫn quyết định cho con đi với mong muốn nó sẽ thoát khỏi sự chăm sóc thái quá của mẹ để trưởng thành hơn. Con mới đi hôm trước thì hôm sau chị đã lò dò tìm đến nơi con “đóng quân” để thăm nom. Bao nhiêu sữa, bánh, thực phẩm, hoa quả chị mang lên cho con bồi dưỡng thêm.
 
Đêm nào chị cũng lo con ốm, sụt cân, nhớ nhà nên chẳng ngủ được. Để yên tâm, chị nhờ thầy giáo chụp ảnh việc học hành, ăn uống, ngủ nghỉ của con cho chị xem. Vậy là ngày nào chị cũng được cập nhật tình hình của con trai... Người khác nhìn vào sẽ thấy thằng bé chín chắn, tự lập hơn nhưng chị thì xót xa bội phần. Nó đang gầy đi trông thấy, đen nhẻm, thay vì trắng trẻo hồng hào như trước.
 
Cảnh nó ngủ trên chiếc giường đơn sơ và chiếc quạt trần phe phẩy trên đầu thay vì nệm êm, điều hòa mát lạnh cũng khiến chị bất an. Cảnh con tập giặt quần áo, dọn bát đĩa sau khi ăn cũng khiến chị chẳng hài lòng. Những công việc ấy lớn lên thằng bé sẽ không bao giờ phải làm, người giúp việc hoặc vợ, mẹ nó làm chứ không phải nó. Vì thế theo chị, nó không cần phải học làm gì. Chị bắt đầu cằn nhằn chồng mang con đi đày đọa, rằng con đang sống bình thường lại đẩy con vào chỗ vất vả. 
 
15 ngày trôi qua, khóa học kết thúc, con trai chị trở về trong hình dáng gầy gò, nhưng rắn rỏi hơn. Trong lúc anh hài lòng vì sự thay đổi của con thì chị lại xót xa trông thấy. Chị bắt con đứng lên cân và hốt hoảng khi thấy con sút gần 5kg. Anh bảo nhờ đi trại hè mà con trai thoát khỏi cảnh tăng cân, béo phì, còn chị lại thấy sự giảm cân giống như thảm họa. Ngay lập tức, chị lên kế hoạch tăng cân trở lại cho con. Một chế độ ăn bồi dưỡng đặc biệt được chị chuẩn bị kỹ càng.
 
Để đền bù cho những ngày hè con phải dậy sớm từ lúc 5h sáng tập thể dục, dọn dẹp vệ sinh, chị cho con ngủ thoải mái cả ngày, lúc nào chán thì dậy ăn uống. Con trai chị sau khi trở về có thể tự lập làm một số việc như giúp rửa bát, tự bỏ quần áo vào máy giặt, tự gấp quần áo, tự tắm... giờ thấy nó làm những việc đó là chị mắng, bảo đó không phải là việc của con mà là của giúp việc. Việc tắm giặt của nó, chị cũng xắn tay vào giúp. Nỗ lực khổ luyện ở trại hè của thằng bé bị chị xóa sạch chỉ sau mấy ngày.
 
Trong vòng một tuần, nó nhanh chóng tăng cân trở lại vì chế độ bồi dưỡng đặc biệt của mẹ. Thay vì tự lập mọi việc cá nhân, ăn uống, giờ nó ngồi một chỗ để mẹ và giúp việc phục vụ.  Anh nhìn cách vợ chăm sóc con mà ngán ngẩm. Nỗ lực cuối cùng của anh là khuyến khích con trai duy trì những gì đã học được trong trại hè để rèn luyện kỹ năng sống. Nhưng mỗi lần thấy thằng bé “khổ luyện”, chị lại chỉ trích anh làm những việc “vô bổ”. Rằng, cuộc đời thằng bé sẽ không phải chịu cảnh sống khổ ấy thì sao anh cứ bắt con phải “tập dượt”. 
 
Nghe anh bảo sang tuần thằng bé sẽ vào chùa tham gia khóa tu mùa hè, chị lại bất an. Điều đó có nghĩa là con trai chị lại phải chịu cơ cực thêm một thời gian ngắn. Sau khi trải qua học kỳ quân đội vất vả, thằng bé cũng có cảm giác sợ nên không muốn đi. Nhưng trước sự quyết liệt của bố, nó đành phải chấp nhận. Nhìn cảnh mẹ con khóc lóc vì phải chuẩn bị xa nhau, rồi hành lý mang theo lỉnh kỉnh quần áo, thực phẩm, anh cảm thấy bất lực. Vợ anh vì quá bảo bọc con, tự mãn vào số tài sản gia đình đang có, nghĩ rằng của cải con ăn ba đời cũng không hết thì cần gì phải khổ luyện, vất vả. Xem ra cuộc chiến nuôi dạy con trong gia đình anh chị vẫn còn nan giải, khi mà mỗi người đeo đuổi một cách khác nhau.
 
 
Phạm Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.