Chuyện cây bồ đề “ôm trọn” đền cổ

Chia sẻ

PNTĐ-Tới chùa Mui ai cũng phải ngưỡng mộ vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa có niên đại hơn 400 năm, ngoài ra còn có cây bồ đề với bộ rễ khỏe khoắn ôm trọn đền thờ cụ Hậu.

 
Tới chùa Mui (thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) ai cũng phải ngưỡng mộ vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa có niên đại hơn 400 năm, ngoài ra còn có cây bồ đề với bộ rễ khỏe khoắn ôm trọn đền thờ cụ Hậu.
 
Kiến trúc độc đáo
 
Chùa Mui có tên chữ là Hưng Thánh quán, trước đây là quán Đạo giáo, chùa dựng theo kiểu chữ công (I), phía trước là nhà tiền bái, phía sau là nhà thờ điện Mẫu, hai bên là hai dãy hành lang, tạo thành một khung vuông theo đúng kiến trúc nội công ngoại quốc. Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI, mang đậm nét kiến trúc thời nhà Lê. Năm 1994, chùa được công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
 
Chuyện cây bồ đề  “ôm trọn” đền cổ - ảnh 1

 
Khu di tích là tổ hợp của đình làng, chùa làng và đền thờ cụ Hậu – một người con của làng An Duyên khi đã hiến toàn bộ số đất đai, của cải của mình cho dân làng sau khi qua đời.
 
Ở giữa bờ nóc của chùa đắp nổi ba chữ Hưng Thánh Quán, hai bờ nóc là hai hình đầu rồng được làm bằng đất nung nguyên khối, bờm hất ngược, mũi sư tử, miệng há to ngậm một khung vuông có hình tròn ở chính giữa, điều này có nghĩa là “trời tròn đất vuông”. Trên mái chùa, các mái cong, đầu hồi, cánh cửa…đều có tượng của các con của rồng theo truyền thuyết Long sinh cửu tử.
 
Ở trong nhà tiền đường có rất nhiều mảnh chạm khắc trang trí hình rồng mây mang đậm kiến trúc thế kỷ XVII. Tòa thượng điện được dựng cao hơn nền đất đến 1 mét, mặt bằng vuông. Hệ thống cột vững chắc gồm 4 cột cái, 12 cột con đỡ bộ mái đồ sộ được trang trí bằng đôi rồng đất nung.
 
Chuyện cây bồ đề  “ôm trọn” đền cổ - ảnh 2

 
Ở bên trong tòa thượng điện có một tượng đất nung khá lớn, cao tới hơn 1m, rộng 1,5m, trên cùng là một đài sen có hình rồng, hoa lá, đặc biệt ở bốn góc là hình chim thần Kim Sí Điểu (chim thần Garuda) trong thế nâng đội đài sen. Hình tượng chim thần này hiện còn khá ít tại chùa Bắc Bộ, chim thần Kim Sí Điểu đỡ bệ sen thể hiện đạo lý “chính luôn thắng tà” và đạo lý “từ bi” của đức Phật.
 
Sau khi chùa được thành lập thay thế đạo quán, tam quan chùa vẫn được giữ nguyên, điều này thể hiện sự hòa hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo và tư tưởng tam giáo đồng nguyên (bao gồm cả Nho giáo) của dân tộc ta.
 
Chùa Mui nổi bật với sự cổ kính và nét đẹp kiến trúc nghệ thuật. Theo dân làng nơi đây, chùa chưa từng trải qua cuộc trùng tu nào lớn, về cơ bản được giữ nguyên từ thế kỷ XVI. Chùa Mui với kiến trúc cổ kính, nhất là những di vật đất nung độc đáo, giúp cho việc nghiên cứu tìm hiểu về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và nghệ thuật kiến trúc cổ.
 
Cây bồ đề và ngôi đền thiêng
 
Theo ông Nguyễn Văn Sỹ (64 tuổi), người dân trong làng An Duyên, không rõ cây bồ đề có từ bao giờ, chỉ thấy cây mọc rất kỳ lạ khi trùm nguyên bộ rễ của mình lên đền thờ cụ Hậu. “Cây có chiều cao khoảng 10m, xanh tốt quanh năm. Bộ rễ của cây bồ đề có đến hàng trăm nhánh, nhánh nào cũng mập mạp đầy sức sống. Vì bao trùm nguyên đền thờ cụ Hậu nên trong đền luôn mát mẻ, không ẩm mốc lại có một mùi hương thơm rất lạ, đền thờ cụ Hậu rộng khoảng 40m2” ông Sỹ nói.
 
Chuyện cây bồ đề  “ôm trọn” đền cổ - ảnh 3

 
Bộ rễ của cây bồ đề ôm trọn 3 bức vách của đền, chỉ có mặt trước cửa đền là còn lối vào. Một bên vách bị nứt khá lớn do bộ rễ phát triển mạnh nhưng vẫn rất chắc chắn vì bức vách được bộ rễ giữ. Ngay dưới nền của đền, rễ cây bồ đề cũng chồi lên khá lớn, sần sùi, mỗi khi dân làng vào thắp nhang đều rất kính cẩn và tránh đụng vào bộ rễ mọc rất tự nhiên này. Tương truyền, ngôi đền rất linh thiêng, mỗi khi làng có công việc lớn, ngoài việc dân làng thắp hương dâng lễ tại đình làng, chùa làng thì không bao giờ quên dâng lễ tại đền cụ Hậu, tập tục này đã trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với người dân An Duyên.
 
Ở trong đền thờ cụ Hậu có một tấm bia đá khắc chữ Hán có ghi lại công đức của cụ với dân làng nhưng không ghi rõ năm nào. Chỉ ước chừng khoảng trên 300 năm, trong làng cũng không có dòng họ hay nhánh nào là con cháu của cụ, có thể cụ là một người địa phương khác tới làng sinh sống. Hằng năm, cứ vào ngày 11 tháng Giêng, dân làng lại nô nức làm giỗ cụ và truyền lại câu chuyện của cụ cho thế hệ con cháu.
 
Theo Trưởng thôn An Duyên Ngô Văn Thiết, thời kháng chiến chống Pháp, chùa Mui là một căn cứ cách mạng nuôi giấu một số cán bộ chiến sĩ, đã có nhiều người con của làng và nơi khác đã anh dũng hy sinh tại đây vì nền độc lập của dân tộc. Vì vậy, trong tổng thể chùa Mui vừa có cả đền thờ cụ Hậu vừa có cả bia ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, nên đối với dân làng thôn An Duyên, cụm di tích chùa Mui có giá trị văn hóa lịch sử rất lớn.
 
Chùa Mui khi về chiều là nơi tập trung rất nhiều trẻ em, người già trong làng vì chùa có khuôn viên khá rộng, có cả một hồ nước lớn để bơi, có sân cầu lông và cờ người. Hoàng hôn lên sau lưng chùa như ánh hào quang của nhà Phật chiếu rọi muôn nơi, là một nơi lý tưởng để con người gặp gỡ và ôn lại những câu chuyện cuộc đời.
 
 
Nguyễn Công

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.