Khám phá làng gốm cổ Bát Tràng

Chia sẻ

PNTĐ-Làng gốm cổ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), không chỉ giữ được nghề xưa, Bát Tràng còn gây dựng được cả thương hiệu cho gốm sứ Việt Nam.

 
Làng nghề nghìn năm tuổi
 
Người dân Bát Tràng vốn có nguồn gốc từ huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình di cư lên khoảng những năm đầu của thế kỷ thứ X. Ngay từ khi còn gốc gác ở Ninh Bình, người dân đã làm nghề gốm và đem nghề về Bát Tràng như hiện nay. 
 
Ban đầu, Bát Tràng được gọi là Bạch Thổ phường do đất ở đây chủ yếu là đất sét trắng, loại đất rất thích hợp để làm gốm sứ, sau nhiều lần cải cách hành chính đến nay xã Bát Tràng gồm 2 thôn là thôn Bát Tràng và thôn Giang Cao.
 
Khám phá làng gốm cổ Bát Tràng - ảnh 1
Chợ gốm làng cổ Bát Tràng

 
Làng nghề gốm cổ Bát Tràng thực sự gây dựng được thương hiệu sau khi được ba vị Thái học sinh thời Lý truyền dạy một số kỹ thuật khó cho dân làng. Ba vị đó là Hứa Vinh Kiều, Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú, họ được vua Lý cử đi sứ Bắc Tống, sau khi xong nhiệm vụ, trên đường về nước có đi qua huyện Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thì gặp bão lớn và phải nghỉ chân lại đây. 
 
Ở đây vốn là lò gốm nổi tiếng, ba vị Thái học sinh đã quan sát và học được một số kỹ thuật đem về truyền dạy cho các làng nghề gốm ở Việt Nam, trong đó người dân Bát Tràng là thành thạo và theo nghề nhất. Ông Hứa Vĩnh Kiều truyền dạy kỹ thuật nước men rạn trắng (cho làng Bát Tràng), ông Đào Trí Tiến truyền dạy nước men sắc màu vàng đỏ (cho làng Thổ Hà, Bắc Giang), ông Lưu Phương Tú truyền dạy kỹ thuật nước men màu đỏ vàng thẫm (cho làng Phù Lãng, Bắc Ninh).
 
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề nghiệp, nghệ nhân ở Bát Tràng còn phát huy và sáng tạo thêm nhiều kỹ thuật mới, các khâu cũng được chi tiết và chuẩn hóa hơn như chọn đất sét, pha chế xử lý đấy, làm men sỏi, phơi sấy, sửa hàng mộc và vẽ họa tiết. Người dân Bát Tràng có câu “Nhất xương, nhì da thứ ba đến lửa” để muốn nói rằng làm gốm quan trọng nhất là chọn đất phù hợp sau đó đến làm nước men và cuối cùng là phương pháp nung, đây là 3 khâu quan trọng nhất là khẳng định thương hiệu gốm Bát Tràng.
 
Đi khắp năm châu
 
Các con đường tới làng Bát Tràng luôn tấp nập xe cộ ra vào, người đi buôn người đi du lịch nườm nượp tất cả các mùa trong năm. Ngay tại đầu làng là chợ gốm - nơi trưng bày hầu hết sản phẩm làng nghề. Có đến hàng trăm gian hàng bày bán hàng nhiều sản phẩm từ gốm khác nhau như: bát đĩa, ấm chén, lọ hoa, con giống, đồ lưu niệm... Khách du lịch đổ về Bát Tràng ngày nào cũng đông, trong đó không ít là khách nước ngoài, họ quay phim, chụp ảnh và rất thích thú với nghề gốm Việt Nam. Ngoài ra, trải nghiệm nặn gốm, vẽ gốm là một dịch vụ phổ biến ở chợ gốm, giá mỗi lần trải nghiệm chỉ 20.000 đồng.
 
Khám phá làng gốm cổ Bát Tràng - ảnh 2
Khách du lịch tham quan chợ gốm Bát Tràng

 
Khắp thôn Bát Tràng vẫn còn rất nhiều những con ngõ rất hẹp, hai bên tường đắp đầy than, lối đi chỉ vừa cho một xe máy, khi vào những con ngõ này du khách như được lạc trong “mê cung” của làng gốm. Giờ nung gốm chủ yếu nung bằng gas nhưng vẫn còn 1 số lò gốm nung than vẫn được giữ lại.
 
 Theo nghệ nhân gốm Trần Độ: Gốm Bát Tràng đã thực sự tạo được thương hiệu quốc tế khi nhiều lần được mang đi triển lãm ở nước ngoài, cho dù có xu hướng thương mại nhưng nhiều lò gốm ở Bát Tràng vẫn giữ được hình khối, men màu cổ biểu tượng của văn hóa dân tộc. Các nghệ nhân trong làng đã tạo ra rất nhiều dòng men quý hiếm, trong đó có hơn 70 loại men cổ, với các bài men khác nhau. Riêng dòng men ngọc, nghệ nhân đã tìm tòi ra tới 12 công thức pha chế, trong đó dòng men nâu trầm từ trước đến nay chưa hề xuất hiện ở Bát Tràng. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen...
 
Bát Tràng còn là nơi chụp ảnh du lịch lý tưởng cho các bạn trẻ bởi không chỉ là làng nghề độc đáo, mà nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều lò gốm cổ sừng sững bên dòng sông Hồng màu mỡ phù sa. Bên cạnh đó, du khách đến với Bát Tràng còn được thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng như bánh tẻ, bánh sắn, ổi Đông Dư ngon nức tiếng xa gần.
 
Tuy là một làng nghề phát triển mạnh nhưng cảnh quan và môi trường ở Bát Tràng không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy trình sản xuất gốm đảm bảo an toàn với môi trường. Đây cũng được cho là một yếu tố giúp làng nghề khẳng định được thương hiệu và phát triển bền vững. Đồng thời, điều này còn giúp khách du lịch có ấn tượng tốt với du lịch làng nghề, tạo thêm một nguồn thu và giúp quảng bá hình ảnh thương hiệu không đồng tới bạn bè quốc tế.
 
Du lịch làng gốm cổ Bát Tràng là một sự lựa chọn tuyệt vời vào những ngày đầu mùa thu, nắng vàng trải dài trên các con đường phơi gốm càng tôn lên chất xương gốm đặc trưng của Bát Tràng, cộng thêm tiết trời khô làm gốm nhanh khô và có nhiều vết rạn tự nhiên rất lạ.
 
Đến với Bát Tràng, bạn có thể lựa chọn tuyến xe buýt 47B Long Biên - Bát Tràng, một chuyến du lịch khám phá nghề Việt thú vị mà bạn không nên bỏ qua.
 
 
Công Nguyễn

Tin cùng chuyên mục

Chuyến xe tử tế tháng 5: Thực hiện “ước mơ của mẹ” tại Nhà trẻ em núi Ba Vì

Chuyến xe tử tế tháng 5: Thực hiện “ước mơ của mẹ” tại Nhà trẻ em núi Ba Vì

(PNTĐ) - Nhân dịp ngày 12/5 – Ngày của mẹ,“Chuyến xe tử tế”nằm trong series chương trình truyền hình"Việc tử tế" đã có một hành trình đặc biệt, thực hiện 3 điều ước của mẹ Oanh và các con ở Nhà trẻ em núi Ba Vì- nơi mẹ Oanh đã nuôi dưỡng và chăm sóc những đứa con không cùng máu mủ ruột rà suốt hơn 20 năm qua.
Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

(PNTĐ) - Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 dự kiến được tổ chức trong 5 ngày trong tháng 7 tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Sự kiện lần đầu được tổ chức sẽ gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.