Xét nghiệm ADN thần đồng cho con

Chia sẻ
Câu chuyện nhiều bậc bố mẹ đua nhau làm xét nghiệm ADN “thần đồng” cho con cho thấy tâm lý nuôi con trở thành thiên tài của các bậc cha mẹ vẫn phổ biến hiện nay. Mong muốn con cái giỏi giang, xuất chúng là mong muốn chính đáng, song kỳ vọng con trở thành “thần đồng” bằng cách can thiệp sớm, đưa ra những định hướng áp đặt lại khiến cuộc sống của con cái thậm chí rơi vào bi kịch.
 
Xét nghiệm ADN thần đồng cho con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, dịch vụ xét nghiệp ADN “thần đồng” cho trẻ đang nở rộ. Điều này cho thấy nhiều bậc bố mẹ rất tin tưởng và theo đuổi phương pháp này. Không ít đứa trẻ từ 0 đến 6 tuổi được bố mẹ đưa đến các Trung tâm làm xét nghiệm nhằm phát hiện sớm tài năng bẩm sinh của trẻ. Những chỉ báo được chỉ ra từ các kết luận của mẫu xét nghiệm ADN thông qua các chỉ số liên quan mật thiết đến sự thành công như chỉ số IQ, EQ, AQ... mà mỗi đứa trẻ sở hữu. Từ đây, nhiều bố mẹ sẽ định hướng, thậm chí là áp đặt con phải học những lĩnh vực, theo đuổi những ngành nghề dựa trên kết quả xét nghiệm khả năng “thần đồng” sớm đó. Họ không hề biết rằng việc làm này sẽ để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm cho con mình. 
 
Một gói xét nghiệm ADN để biết con có thể trở thành “thần đồng” hay không có giá dao động từ 6-8 triệu đồng, và được các trung tâm xét nghiệm dịch vụ này quảng cáo là chính xác đến 99%. Chỉ sau 3 tuần xét nghiệm thông qua mẫu nước bọt của trẻ, các bậc bố mẹ sẽ nhận về bản kết quả về khả năng tư duy, vận động trí nhớ, các chỉ báo về khả năng “thần đồng” của trẻ... Bố mẹ dựa vào đó để đầu tư sự phát triển cho con. Đã có những đứa trẻ không muốn học múa ba lê nhưng vẫn bị bố mẹ đưa vào các trung tâm, trường dạy múa từ nhỏ với kỳ vọng sau này con sẽ trở thành một nghệ sĩ múa ba lê nổi tiếng. Hay, những đứa trẻ không hề có hứng thú với môn Toán học, nhưng lại được bố mẹ định hướng trở thành nhà Toán học thiên tài. Có trẻ thích đá bóng nhưng bố mẹ tin tưởng vào kết quả xét nghiệm con có “gen hội họa” nên cố tình ép con học vẽ để phát triển tài năng. Sự kỳ vọng con trở thành “thiên tài”, “thần đồng” ngay từ nhỏ cứ thế ám ảnh cả bố mẹ lẫn con cái trong suốt hành trình nuôi dạy con. 
 
Các chuyên gia y học, chuyên gia giáo dục đã có cảnh báo về dịch vụ xét nghiệm phát hiện tài năng sớm của con. Bởi nó mang đến nhiều hệ lụy hơn là lợi ích cho trẻ. Trên góc độ giáo dục, việc bố mẹ dựa trên kết quả xét nghiệm ADN để ép con phát triển theo hướng các chỉ báo đưa ra là không đúng. Vì một đứa trẻ có năng lực hay không, còn phụ thuộc vào môi trường sống, môi trường giáo dục, không phải chỉ dựa trên những chỉ báo từ một kết quả xét nghiệm ADN. Ở góc độ y học, ADN hoặc một mã gen chỉ cho biết một số đặc điểm nhất định, nên việc đánh giá quá sớm sẽ gây nhầm lẫn về khả năng của trẻ. Nhà di truyền học, Giáo sư Gil McVean (đại học Oxford) cũng đã thừa nhận việc phân tích tiềm năng của trẻ sơ sinh dựa trên xét nghiệm ADN là thiếu căn cứ khoa học. 
 
Vậy tại sao các bậc cha mẹ vẫn tin tưởng và đua nhau đưa con đi làm xét nghiệm ADN để đoán biết tài năng sớm của con? 
 
Điều này xuất phát từ tâm lý “nuôi con giỏi, tài năng” phổ biến của đa số các bậc cha mẹ hiện nay. Và để đạt được mục đích ấy, bố mẹ sẽ tìm nhiều cách cho con phát lộ tài năng sớm, trong đó có phương pháp xét nghiệm ADN “thần đồng”. Từ đó tạo nên sự áp đặt của bố mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái trong gia đình. Những đứa trẻ sẽ phải học và phát triển ngành nghề theo định hướng sẵn của bố mẹ, thay vì theo sở thích, khả năng thật sự của mình. Chuyện trẻ bị áp lực học hành, học theo kỳ vọng của bố mẹ đã trở nên phổ biến. Trường hợp trẻ bị stress vì áp lực ở trường học, thất vọng, chán nản bởi kết quả nỗ lực không đạt được như mong muốn của bố mẹ đã tìm đến cái chết cũng đã xảy ra. Thậm chí có thời điểm, những bi kịch này xảy ra liên tục, nhưng vẫn không làm giảm đi mong muốn nuôi con “thiên tài”, “thần đồng” của bố mẹ.
 
Một điều đáng bàn là bố mẹ hầu như chỉ mới quan tâm đến các “chỉ báo thần đồng” của con, còn “chỉ báo hạnh phúc” thì đang bị bỏ qua. Niềm hãnh diện, tự hào có con giỏi giang, xuất chúng của bố mẹ đôi khi lớn hơn là lợi ích thật sự của con trẻ. Vì vậy, ngoài việc lo cho cuộc sống đầy đủ về vật chất, bố mẹ dành phần lớn sự đầu tư vào học hành, phát triển tài năng cho con. Yếu tố tinh thần, cảm nhận cuộc sống hạnh phúc của trẻ hầu như không được quan tâm nhiều trong các gia đình hiện nay. Để đạt được kỳ vọng của bố mẹ, trẻ phải gồng mình với áp lực học tập, phải học những điều mình không thích, bỏ qua đam mê, ước mơ của mình. Trong hành trình khổ luyện thành “thiên tài”, “thần đồng” như nguyện vọng của bố mẹ, trẻ không còn được sống hạnh phúc đúng nghĩa. Để trở nên tài giỏi, gắn danh “thiên tài”, có những đứa trẻ không còn tuổi thơ vui vẻ, được tiếp xúc, trải nghiệm với thiên nhiên, giao lưu với bạn bè, với mọi người trong xã hội. Thay vào đó, trẻ vùi mình trong thời gian biểu kín lịch học từ đầu tuần đến cuối tuần, từ sáng đến tối muộn. Mọi kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống, trẻ gần như không có thời gian học. Để rồi khi bước vào đời, trẻ gặp không ít khó khăn khi hòa nhập vào môi trường xã hội, dễ trở thành người thất bại trong cuộc sống lẫn hạnh phúc gia đình. 
Đích cuối cùng mà mỗi bậc cha mẹ hướng đến là tạo cho con cuộc sống hạnh phúc. Vậy tại sao bố mẹ lại tước đi niềm hạnh phúc ấy của con bằng những định hướng sai lầm ngay từ khi chúng còn nhỏ. 
 
 Thu Giang 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.