Mẹ tôi và chuyện sống già thời hiện đại

Chia sẻ

Tôi đã có cuộc sống tốt đẹp ở nước ngoài, một công việc ổn định, chồng con yêu thương. Nhưng điều khiến tôi day dứt nhất vẫn là không thể mang lại cho mẹ cuộc sống vui vầy bên con cháu khi về già.

Tôi sinh ra thiếu vắng hình bóng người cha. Mẹ tôi yêu nhầm phải một người đàn ông không tốt là bố tôi. Ông đã bạc tình bỏ đi khi bà thông báo mang thai tôi. Mẹ chọn sống đơn thân để nuôi tôi khôn lớn vì không muốn bất cứ người đàn ông nào làm tôi bị tổn thương. Đó là những năm tháng mẹ kiên cường làm việc để nuôi tôi ăn học.

Đáp lại sự hy sinh và lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ, tôi cố gắng trở thành một cô con gái ngoan, khiến mẹ tự hào. Tôi học hành chăm chỉ, năm nào cũng đứng đầu lớp. Vào đại học, tôi khiến mẹ tự hào với tất cả mọi người khi nhận được học bổng của một trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Ngày lên đường du học, mẹ dặn tôi nhiều điều, đặc biệt là phải sống bản lĩnh khi xa mẹ, lại ở đất nước xa xôi. Tôi đã hứa với mẹ rằng sẽ sống tốt, học tốt và phải có một công việc tốt để lo cho mẹ sau này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Bốn năm đại học trôi qua, tôi được một công ty ở Mỹ mời về làm việc. Bấy giờ ở trong nước, tôi thật sự là niềm tự hào của mẹ, của cả gia đình ông bà ngoại. Bởi từ trước đến nay, họ hàng bao đời bên nhà ngoại tôi chưa nhà nào có con đi du học như tôi, đặc biệt học xong lại được ở lại bên đó làm việc. Những năm tháng sống xa mẹ, tôi nung nấu một điều, đó là sau này kết hôn sẽ tìm một người chồng thật sự yêu thương vợ, chấp nhận phụng dưỡng mẹ vợ đến cuối đời.

Đó là lý do tôi không chọn yêu và lấy đàn ông nước ngoài vì sợ sự độc lập của họ sẽ làm khó tôi trong trách nhiệm phụng dưỡng mẹ sau này. Thật may mắn, tôi gặp được một người thật sự hiểu và đồng cảm với tôi trong trách nhiệm đối với mẹ. Anh là người miền Nam, cũng sang Mỹ du học ở lại làm việc. Chúng tôi gặp nhau trong lần tham dự ngày hội Việt Nam do đại sứ quán Việt tổ chức. Tình yêu cùng sự đồng cảm đã kết nối hai trái tim chúng tôi nhanh chóng. Mẹ vui mừng khi tôi tìm được hạnh phúc hôn nhân.

Kết hôn xong, chúng tôi cố gắng làm việc để mua được nhà. Dù đó là một căn nhà nhỏ nhưng nó khiến chúng tôi vui mừng và yên tâm ổn định cuộc sống. Tôi nói với anh dự định sẽ đón mẹ qua sống cùng khi mang thai đứa con đầu tiên. Mẹ chấp nhận sang Mỹ mấy tháng để chăm sóc con nhỏ giúp tôi, nhưng vấn đề sống già cùng con cháu, mẹ bảo để suy nghĩ thêm. Mẹ lấy lý do cuộc sống ở nước ngoài bất tiện vì khác biệt ngôn ngữ, không có bà con họ hàng để qua lại. Và quan trọng nhất là mẹ vẫn còn khỏe và có công việc để làm.

Mẹ tôi là giáo viên dạy ngoại ngữ rất giỏi nên sau khi về hưu, bà vẫn được một trường dân lập quốc tế mời dạy học. Chồng tôi bảo, nếu mẹ vẫn còn khỏe và chủ động được cuộc sống của mình thì hãy để mẹ sống theo ý mình. Bao giờ mẹ già yếu, cần con cái phụ giúp thì sẽ đón mẹ sang. Mẹ cũng đồng ý phương án của chồng tôi.

Thời công nghệ, khoảng cách về địa lý không còn trở ngại cho việc mẹ con tôi vẫn được nói chuyện, nhìn thấy nhau hàng ngày. Ngày nào, tôi cũng gọi điện về Việt Nam để gặp và nói chuyện với mẹ, quan trọng là để mẹ nói chuyện với các cháu. Tôi cũng an tâm phần nào khi thấy mẹ bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Chỉ khi mẹ bất ngờ bị ốm, sức khỏe không còn như trước sau cơn đột quỵ. Vợ chồng tôi tính phương án đưa mẹ sang sống cùng gia đình. Đến giai đoạn già yếu, bệnh tật phải cậy nhờ con nên mẹ không còn lấy nhiều lý do để không đi như trước mà chấp nhận ra nước ngoài sống cùng con cháu.

Cuộc sống già tha hương có vẻ như không ổn đối với mẹ tôi, dù chúng tôi cố gắng để mẹ sống vui. Hơn một năm mẹ xa quê hương, đất nước, bệnh tinh thần của mẹ nhiều hơn là bệnh tật ở thân thể. Mẹ có mong muốn trở về nước, nhưng vì chúng tôi ngăn cản nên cố gắng hoà nhập với cuộc sống con cháu ở nước ngoài. Một ngày, mẹ bất ngờ nói lên nguyện vọng được về sống già ở trong nước và chấp nhận cuộc sống xa con cái.

Mẹ nói chúng tôi hãy suy nghĩ việc để mẹ về sống trong nhà dưỡng lão. Ở đó, mẹ có người bầu bạn, có người chăm sóc, chúng tôi sẽ yên tâm hơn. Chuyện người già sống trong nhà dưỡng lão ở nơi tôi đang sống rất bình thường. Nhưng với tôi, đây là việc khiến tôi day dứt nhất. Bởi từ trước đến nay, tôi luôn tâm niệm mình phải có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc mẹ khi về già. Mẹ không có nhiều con cái, cả cuộc đời chấp nhận sống đơn thân để nuôi tôi khôn lớn. Vì thế, khi mẹ già yếu là lúc tôi phải báo hiếu. Nếu để mẹ sống cô đơn trong nhà dưỡng lão, tôi thật sự không đành lòng.

Nhưng chính mẹ là người giảng giải, thuyết phục tôi nên nhìn nhận bố mẹ già sống trong nhà dưỡng lão là chuyện bình thường, giống như những người già ở đây vậy. Họ có con cái nhưng tuổi già đều vào nhà dưỡng lão. Mẹ lên mạng tìm hiểu lúc nào mà bảo tôi ở trong nước giờ có nhiều nhà dưỡng lão tốt và tôi có thể yên tâm để mẹ về đó sống. Cuối cùng, tôi đành phải chiều mẹ vì thấy rằng cuộc sống ở Mỹ đối với mẹ thật sự không thích hợp.

Tôi về nước tìm hiểu một số nhà dưỡng lão và cũng thấy hài lòng với chất lượng dịch vụ của họ. Sau đó, tôi đưa mẹ về nước, để mẹ vào một nhà dưỡng lão tư nhân sống, với những dịch vụ khá tốt. Hàng ngày, tôi vẫn có thể lên mạng để kiểm tra mẹ sống có ổn không. Và tôi nhận ra, từ ngày mẹ về nước và vào đó sống thì tinh thần tốt lên rất nhiều. Mẹ khỏe lên trông thấy. Tôi chọn báo hiếu mẹ bằng cách khác. Đó là cố gắng làm kinh tế để trả chi phí dịch vụ tốt nhất trong nhà dưỡng lão cho mẹ, hàng ngày gọi về chuyện trò thăm hỏi mẹ để bà đỡ nhớ con cháu. Một năm, vợ chồng con cái chúng tôi cố gắng về nước một lần để thăm bà.

Cuộc sống thời hiện đại đã không thể để chúng tôi sống cùng mẹ, phụng dưỡng mẹ hàng ngày. Nhưng không có nghĩa, chúng tôi không thể chăm sóc, báo hiếu mẹ. Và mẹ tôi cũng đã thay đổi quan niệm để chấp nhận cuộc sống già trong thời hiện đại. Nếu không thể sống gần con cháu, mẹ vẫn có thể sống vui sống khỏe bằng những lựa chọn cách sống phù hợp với mình.

Vương Thị Huyền Ly

Tin cùng chuyên mục

Ký ức tuổi thơ

Ký ức tuổi thơ

(PNTĐ) - Người ta thường nói về những ký ức tuổi thơ như một thứ gì đó quý giá và ý nghĩa nhất trong tim mỗi người. Tuổi thơ là giai đoạn đầu tiên của đời người, khi ta còn là những đứa trẻ con bé nhỏ, vô lo vô nghĩ.
Hồi sinh

Hồi sinh

(PNTĐ) - Cái tin ông Chiến trở về khiến làng xóm xôn xao bàn tán. Căn nhà ngói ven đê của mẹ con bà Thơm lúc nào cũng tấp nập người đến thăm. Họ đến chia vui với gia đình, nhưng có lẽ cũng vì tò mò.