Cha nào mà chẳng thương con

Chia sẻ

Ông Nghiêm là trưởng trong họ tộc. Lời ông nói, không ai dám cãi, dám trái gì. Tưởng như ông oai cả đời, nhưng rồi lại “muối mặt” vì cô con gái đi lấy chồng lần nữa.

Vợ chồng ông Nghiêm có người con gái đã gần 30 tuổi vẫn chưa chịu lấy chồng. Không phải cô xấu người, xấu nết, mà vì cô nhất quyết chọn yêu người mà bố mẹ mình không thích. Ông bà Nghiêm ghét anh này bởi gia đình anh vừa ở xa, công việc lại chưa ổn định, không hề xứng với con gái mình chút nào. Họ “ướm” cho con gái se duyên với một chàng trai gần nhà, rất ngoan và lành tính. Đặc biệt, anh còn tiết kiệm, xứng đáng là một người trụ cột vững chãi trong gia đình. Nhưng khổ nỗi, Phương – con gái ông bà không yêu người đó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Làng trên xóm dưới biết chuyện đã lâu. Người dễ tính thì thông cảm cho cảnh con cái ương bướng, cãi lời cha mẹ. Nhưng những người vốn không ưa tính hay làm oai của ông Nghiêm thì mỉa mai vợ chồng ông là “dao sắc không gọt được chuôi”, rằng lâu nay ông đe nẹt người khác thế nào thì bây giờ bất lực với con cái thế ấy. Người ta cũng ngại, chẳng xen vào khuyên giải làm gì, bởi ông Nghiêm lâu nay toàn trịch thượng với người khác chứ có bao giờ nghe ai.

Không thể để danh dự của mình bị người ta mang ra bôi nhọ, ông Nghiêm quyết không nhường con gái mình. Ông không cần quan tâm con gái nghĩ gì, mong muốn gì, chuyện tình cảm yêu đương của con ra sao, ông chỉ cần biết giờ Phương phải lấy người mà ông muốn. Vậy là hai ông bà Nghiêm người nổi trận lôi đình, người khóc lóc giãy dụa cùng đòi chết nếu Phương không chịu lấy anh chàng mà ông bà ưng. “Bố mẹ nói cho con biết, nếu con làm trái lời thì bố mẹ sẽ chết mà không nhắm mắt! Rồi thiên hạ sẽ nói gia đình ta vô phúc, con cái hư hỏng, phá hoại nề nếp gia phong. Mày có lấy được người mày yêu thì sống cũng không nổi miệng đời đâu con ơi…”.

Phương hoảng sợ thật sự. Bị ép đến nước này, khi bố mẹ đem cái chết ra đe dọa, cô không biết phải giải quyết thế nào để bảo vệ tình yêu của mình nữa. Vậy là Phương phải chia tay người mình yêu trong đau khổ, để lên xe hoa, bước vào một cuộc đời mới – với một người đàn ông vừa ý bố mẹ mình.

Đám cưới diễn ra rất hoành tráng. Cưới con gái rượu ông Nghiêm mà, “tôi phải làm cho nó rình rang suốt 3 ngày 3 đêm mới bõ”, ông Nghiêm hả hê, sung sướng cười với họ hàng, làng xóm. Ông bà không tiếc tiền, cho con gái rất nhiều của hồi môn, chiếc xe ô tô đón dâu cũng là loại xịn. Chỉ có Phương, khuôn mặt phía sau lớp trang điểm đậm đà, kỹ lưỡng vẫn phảng phất nỗi buồn, nỗi xót xa cho mối tình quá nhiều kỷ niệm mà giờ lửng lơ, đi vào ngõ cụt, buộc phải chia xa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Phương cứ buồn bã, ủ dột như thế suốt, tâm trạng chẳng khá lên dù nhận được rất nhiều lời chúc phúc. Đêm tân hôn, căn phòng cưới ngập tràn những sắc màu hạnh phúc, nhưng ngay cạnh chiếc giường cưới được trang trí rất đẹp là một chiếc giường xếp nằm chỏng chơ, trông không hề thích hợp với khung cảnh đôi lứa chút nào. Chú rể có phần ngạc nhiên nhưng dằn lòng lại, không nỡ hỏi, sợ cô dâu phật lòng. Anh rất hiền, hiền tới mức Phương giận không thèm nhìn mặt vì “đàn ông gì mà nhút nhát, một lời để đứng về phía Phương cũng không nói được, chỉ chăm chăm theo ý người lớn!”.

Phương lạnh lùng nói với chồng:

- Tối nay tôi ngủ trên giường, còn anh nằm giường xếp! Nếu anh thấy mệt thì chúng ta đổi lại, chỉ cần không nằm cùng nhau là được!

Chú rể ngượng ngùng đáp lại:

- Thôi, tôi nằm giường xếp. Phương cứ nghỉ trên giường kia cho thoải mái.

Mà lòng Phương đâu có thoải mái. Nỗi nhớ người yêu trào lên, hai hàng nước mắt ướt đẫm chiếc gối màu đỏ. Đôi vai Phương run lên theo tiếng nấc, nhưng bố mẹ cô đâu nghe thấy được, chỉ có người chồng vô tội, nhưng vô cùng đáng thương kia thấu được mà thôi.

Một tháng như vậy trôi qua. Phương đã làm dâu nhà người, nhưng nỗi day dứt với mối tình sâu đậm kia vẫn làm cô khắc khoải. Phương xem chồng và nhà chồng như những người vô hình, cô làm mọi nghĩa vụ dâu con cho có lệ. Mỗi đêm, cô dằn vặt chồng mình bằng chuyện ngủ riêng. Sáng mai, chiếc giường xếp được cất gọn vào góc tủ, không ai hay biết nỗi khổ tâm của hai con người mà vốn dĩ, duyên trời đâu có định!

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Hôm ấy, chồng Phương đi uống rượu ở nhà bạn về, say khướt. Trong cơn say, anh ngồi đối diện với Phương, ánh mắt u uất nhìn vào vợ mình:

- Tôi nghĩ kỹ rồi! Chúng ta nên giải thoát cho nhau! Tôi sẽ nói với bố mẹ hai bên rằng chúng ta không hợp, phải chia tay, ai đi đường nấy! Phương không có lỗi, em hãy về với tình yêu của em đi…

Dứt lời, anh lôi chiếc giường xếp ra rồi nằm ngủ. Vậy là Phương đã được giải thoát…

Không chờ tới khi chồng nói với cả hai bên gia đình, và cũng không muốn làm kẻ trốn tránh, Phương quyết định tự mình nói ra tất cả. Cô mua một ít hoa quả, xếp thành đĩa ngay ngắn rồi thưa chuyện với bố mẹ chồng. “Chúng con ăn ở không hợp nhau. Dù đã cố gắng hòa thuận nhưng vẫn không thể có cảm giác vợ chồng. Nay chúng con xin bố mẹ cho được chia tay…”.

Sau đó, tin sét đánh đến tai ông bà Nghiêm. Nỗi nhục nhã dâng lên không biết tránh đi đâu cho được. Người chồng của Phương im lặng, như một sự tán thành chuyện tày trời này. Phương bỏ đi ngay hôm ấy, bởi cô đoán chắc, bố mẹ mình không bao giờ cho cô bước chân vào nhà một lần nữa…

Hai năm sau, ông Nghiêm gọi điện bảo con gái quay về nhà. Sau một thời gian nhờ người con trai cả âm thầm theo dõi em gái, ông biết Phương đang sống rất vui vẻ và hạnh phúc bên người cô yêu năm nào. Cũng từ sau đám cưới đau lòng ấy, ông bà Nghiêm chẳng mấy khi ra đường, quảng giao như xưa nữa. Họ thu mình lại, sống lặng lẽ trong căn nhà rộng lớn, không còn vọng lại tiếng sang sảng quát tháo của ông Nghiêm ngày xưa. Ông bà xấu hổ với nhà thông gia, với con rể và với hàng xóm láng giềng. Nhưng nỗi thống khổ ấy không đau đớn bằng nỗi nhớ con gái. “Thôi tôi xin ông, danh dự giờ này tôi chẳng tha thiết nữa, tôi chỉ mong con gái quay về nhà. Ông hạ mình một lần vì con có được không?”, bà Nghiêm nghẹn ngào mong chồng tha thứ cho con gái.

Tấm lòng người làm cha làm mẹ rồi cũng được thấu hiểu. Ông bà Nghiêm tổ chức một đám cưới – nhỏ hơn đám cưới ngày xưa, nhưng niềm vui và hạnh phúc thì trọn vẹn hơn nhiều. Cô con gái của ông, không mảy may để ý tới đám cưới lần này làm gọn nhẹ nhất có thể, vẫn rạng rỡ trong chiếc váy cưới, tay trong tay cùng chồng. Người làng cũng đến chia vui, nhưng ông Nghiêm vẫn thấp thoáng ánh buồn. Phận làm cha mẹ, thật là khó! Giờ đây, khi đã quyết định quên đi mâu thuẫn bố con trước đây, sẵn sàng chấp nhận những lời khó nghe, đàm tiếu của người làng, thì ông lại lo cô con gái bướng bỉnh của mình, đi thêm một lần đò thế này, liệu có hạnh phúc thật sự không?

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.