Nước mắt người mẹ già

Chia sẻ

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, bà Phúc vịn tay vào cô con dâu giục giã “đi nhanh lên con, nhanh ra can kẻo chúng nó đánh nhau mất”. Vừa nói, mắt bà vừa nhìn ra phía sảnh của Tòa, giọng chùng xuống “Khổ quá, sao không thôi đi”.

Bà Phúc ước mình có thể bước đi thật nhanh, nhưng ở tuổi 84, đôi chân bà đã không còn vững chãi, không đủ sức để chạy theo khuyên can những đứa con đầu cũng đã 2 thứ tóc của mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chẳng cứ tuổi tác, việc phải theo các phiên tòa giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp đất đai mà nguyên đơn, bị đơn là những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, với bà Phúc không có gì đau đớn hơn. Hơn 10 năm qua, 8 lần các con bà đưa nhau ra tòa, là 8 lần mái đầu bà Phúc thêm nhiều sợi bạc, trái tim bà cũng như bị cứa thêm nhiều nhát dao. Cả 8 lần, vẫn chỉ loanh quanh chuyện anh em tranh giành nhau phần đất thừa kế của ông bà, bố mẹ để lại. Mà đúng hơn là việc 5 con lớn của bà Phúc (3 trai, 2 gái) không chấp nhận việc bố mẹ mình cho cậu út là ông Thành được thừa kế toàn bộ hơn 60 mét vuông nhà, đất ở khu vực quận Đống Đa (Hà Nội). Bởi theo họ, mảnh đất hiện tại không phải của riêng ông bà Phúc. Theo quy định pháp luật, trước đây ông bà Phúc được chỉ định để thay mặt những người đang sống trên mảnh đất ấy (trong đó có 4 người con đầu), đứng tên làm thủ tục mua bán với Nhà nước, chứ không có quyền sở hữu riêng, không được tự ý cho tặng ai.

Thế nên, vì không chấp nhận kết luận của Thẩm phán trong phiên tòa sơ thẩm trước đó khi tuyên ông Thành được quyền hưởng thừa kế của bố mẹ, 5 con lớn của bà Phúc mới nộp đơn kháng cáo lên tòa cấp cao. Phiên tòa phúc thẩm công khai nhưng diễn ra trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát nên vắng lặng, không có ai tham dự ngoài các đương sự liên quan – tất cả đều là con trai, con gái, con dâu, con rể của bà Phúc. Trong phòng xử án, 2 dãy ghế chia họ thành 2 “phe” tranh đấu nhau: Một bên bị đơn là bà Phúc và vợ chồng con trai út; một bên nguyên đơn là vợ chồng 5 con lớn của bà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mở đầu phiên tòa, ngay trước khi bước vào xét xử, vị Thẩm phán với ánh mắt cương nghị đề nghị đương sự hai bên đứng dậy. Ông nói và hỏi rõ ràng:

- Tòa phúc thẩm không tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, vì các vị đều là anh em ruột thịt, là người cùng nhà nên Tòa muốn hỏi lại lần cuối: Từ buổi Tòa tạm hoãn xét xử cho đến nay, hai bên có gặp gỡ để thương lượng không? Bên nguyên đơn có muốn rút đơn kháng án, anh em tự thu xếp không?

- Báo cáo Tòa, vợ chồng tôi cũng muốn bắn tin muốn hẹn gặp, và chấp nhận đền bù cho các anh chị một khoản tiền… nhưng các anh chị tôi không chịu - ông Thành nói.

- Thưa tòa, tôi không rút đơn. Thương lượng làm sao được với thằng này ạ! Mày là thằng láo toét, lừa đảo, tao sẽ kiện… - ông Tú (con trai cả của bà Phúc, đại diện cho 4 người em phát biểu trước tòa) vừa nói vừa quay sang chỉ tay vào ông Thành, mặt hằm hằm. Nhưng không để ông Tú nói thêm, vị Thẩm phán lớn giọng cắt ngang:

- Đề nghị ông Tú nghiêm túc, xưng hô có chừng mực, không mày - tao, không chỉ tay vào mặt người khác. Đây là Tòa án, không phải cái chợ. Còn các vị là anh em máu mủ ruột già, không phải người dưng nước lã, hãy cư xử với nhau phải phép. Nếu các vị không tuân thủ, Tòa buộc phải yêu cầu các vị ra ngoài.

Bà Phúc dáng người nhỏ thó, lọt thỏm trên chiếc ghế bên cạnh vị luật sư. Ngồi im lặng nghe những cãi cọ, to tiếng của các con ngay giữa phiên tòa, bà Phúc chỉ biết nắm chặt đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo bởi tuổi tác, để không run lên theo cảm xúc đau đớn đang dậy lên trong lòng.

Trước đây, cũng chỉ vì sợ sau này con cái mâu thuẫn, tranh giành nên ông bà Phúc mới quyết định sang tên cho vợ chồng con út mảnh đất. Lý do hết sức đơn giản, bởi vợ chồng ông Thành là người ở với bố mẹ nhiều nhất, hiếu nghĩa nhất trong số các con. 2 con gái của bà Phúc đi lấy chồng, gia đình giàu sụ nhưng chẳng mấy khi quan tâm được tới bố mẹ. 3 người con lớn của bà lấy vợ xong là dọn ra ngoài ở riêng bởi mấy chị em dâu bất hòa. Riêng ông Tú, chẳng biết vì bức xúc chuyện vợ chồng hay vì lẽ gì, mà thường xuyên về nhà gây gổ, chửi bới bố mẹ. Có lần ông Tú cự cãi, đẩy bố đẻ ngã đập vào tường, phải nằm viện gần 1 tuần. Ông Tú thậm chí còn bịa đặt rằng ông Thành tuy là em út nhưng không biết điều, chuyên “bơm vá” để bố mẹ chỉ yêu thương mình mà ghét các anh chị, cốt để tranh giành tài sản. Ông cũng xúi giục 4 người em phản ứng để bố mẹ “sáng mắt ra”, đối xử với các con ngang bằng nhau…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngay tại phiên phúc thẩm, lúc Thẩm phán hỏi các đương sự còn ai có ý kiến gì không, bà Phúc cũng nghẹn ngào xin Tòa cho phát biểu đôi lời.

“Tôi nói những lời này là ruột gan, từ tận trái tim của người làm cha, làm mẹ. Mảnh đất các con tôi đang tranh chấp là của bố mẹ chồng tôi khai hoang, sau này để lại cho vợ chồng tôi. Những năm 1972, giặc Mỹ dội bom B52 xuống Hà Nội, nhà bỗng dưng thành đống gạch vụn nát, một tay vợ chồng tôi xây sửa. Tôi còm cõi đi bán hàng sớm tối, cốt là để nuôi các con khôn lớn. Tôi thiếu ăn cũng không để chúng chịu đói, chịu rét. Nhưng chúng có lớn không có khôn; “đủ lông, đủ cánh” rồi thì bay đi. Dọn ra ngoài ở, hình như các con tôi chẳng còn biết tới sự tồn tại của bà mẹ này. Hơn 6 năm nay, từ ngày chồng tôi mất, duy chỉ có vợ chồng thằng Thành hương khói. Bây giờ có chút tài sản, quyền lợi… mới trở về tranh giành. Tòa nghĩ xem, giữa một người con út hiếu nghĩa, thương mẹ với một người con cả bất hiếu… người mẹ già như tôi nên nương tựa vào ai? Tôi cho con út mảnh đất ấy có gì là sai?”.

Lời người mẹ già khiến cả phiên Tòa chợt lắng lại trong phút chốc. Dẫu vậy, Tòa án chỉ xử trên cơ sở quy định pháp luật, đúng sai phân minh. Nhưng vị Thẩm phán là người có tâm, hiểu hoàn cảnh, tâm trạng của người mẹ khi chứng kiến cảnh các con mình “xâu xé” lẫn nhau, nên trước khi chuyển sang phần Nghị án, một lần nữa, ông giải thích và cho đương sự hai bên thêm cơ hội thương lượng. Bản thân vợ chồng ông Thành cũng mong muốn anh em hòa thuận trở lại; đồng thời sẵn sàng đền bù cho các anh chị mỗi người 300 triệu đồng; riêng anh cả là 700 triệu đồng (số tiền cao hơn mức định giá tài sản theo giá đất hiện hành). Tuy nhiên, các anh chị của ông Thành không đồng ý, họ cho rằng chỗ tiền ấy chẳng bõ bèn gì, kiên quyết không chịu thương lượng, đòi Tòa phân thắng thua rõ ràng, đất phải chia đều cho các con.

Cuối phiên xét xử, do có yếu tố về lịch sử, nguồn gốc đất đai cho thấy việc trước đây sổ đỏ chỉ đứng tên vợ chồng bà Phúc (mà không có tên các con) là chưa đúng pháp luật; dẫn tới việc ông bà sang tên nhà, đất cho ông Thành chưa hợp pháp… nên tòa phúc thẩm chấp thuận đơn kháng cáo của nguyên đơn, tuyên hủy bản án của tòa sơ thẩm. Nhưng, do không đủ căn cứ pháp lý rõ ràng về sự đóng góp của từng người con đối với tài sản nhà, đất tranh chấp. Vì vậy, Thẩm phán cũng tuyên trả lại hồ sơ cho tòa sơ thẩm để thu thập thêm bằng chứng, tư liệu… làm cơ sở phân chia chính xác mức hưởng tài sản với mỗi người.

Kết thúc phiên tòa, bước từng bước khó nhọc ra khỏi sảnh lớn của Tòa án cấp cao, chứng kiến mấy anh con lớn vùng vằng, chửi bới vì không thắng kiện… bà Phúc nước mắt lưng tròng: “Không có của để lại cho con cũng khổ, mà có của còn khổ hơn. Anh em máu mủ, ruột thịt còn tiếp tục tranh chấp, kiện cáo… Bà mẹ già này, biết tới khi nào mới hết khổ tâm?”.

Hà Châu

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.