Dép lốp Hà Nội

Chia sẻ

Dép lốp là một vật dụng giản dị nhưng đầy sáng tạo trong những năm tháng kháng chiến thiếu thốn. Nó đã trở thành biểu tượng đẹp của người chiến sĩ Việt Nam. Giữa hòa bình, dép lốp không những trở thành hiện vật thân thương nằm trong bảo tàng, mà còn khiến nhiều người Hà Thành say đắm, tìm mua.

Dép lốp - “huyền thoại” về một thời hoa lửa

Giữa lòng Thủ đô, có một người thợ già cần mẫn làm nghề dép lốp đã hàng chục năm nay. Ông là Phạm Quang Xuân - người duy nhất còn làm dép lốp thủ công giữa đất Hà thành.

Ông là cựu công nhân lành nghề của Xí nghiệp Trường Sơn thuộc Công ty bách hóa Hà Nội chuyên sản xuất dép cao su từ trước 1975.

Ít ai biết đôi dép cao su Bác Hồ được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh mấy chục năm nay được chế tác dưới bàn tay của nghệ nhân Phạm Quang Xuân. Năm 1970, ông Xuân là một trong 5 người tham gia làm 10 đôi dép Bác Hồ theo đặt hàng của bảo tàng Hồ Chí Minh, để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Ông thấy vô cùng vinh dự, tự hào và nghiên cứu đôi dép của Bác kỹ lắm. Giờ ông có thể nhắm mắt làm cũng giống. Đôi dép của Bác nguyên là một đôi dép lốp cũ, được chế từ một chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp do phía ta thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc và gửi tặng lại cho Bác như một kỷ niệm chiến thắng. Đôi dép đã được Người sử dụng trong hơn 20 năm từ năm 1947 cho đến khi qua đời. Theo ông Phạm Quang Xuân, cái khó nhất là nguyên liệu và phương thức chế tác đôi dép nguyên mẫu đã không còn được sử dụng tại thời điểm ông được giao nhiệm vụ chế tạo, bởi vậy, nên để “phỏng theo thì dễ, chứ làm thật giống thì khó”. Khi đôi dép làm xong được đánh giá giống với đôi dép nguyên bản đến 95%.

Nghệ nhân Phạm Quang Xuânvà sản phẩm dép lốp thủ côngđặc trưng của người ViệtNghệ nhân Phạm Quang Xuân và sản phẩm dép lốp thủ công đặc trưng của người Việt

Những đôi dép của nghệ nhân Phạm Quang Xuân cũng thường xuyên được những nghệ sỹ vào vai Bác Hồ sử dụng trong những vở kịch, vở diễn. Chế tác hàng ngàn đôi dép, trong ông lưu giữ rất nhiều kỷ niệm khó quên. Một trong những lần đáng nhớ nhất là khi ông được giao nhiệm vụ làm dép cho những cán bộ vào miền Nam công tác, chiến đấu đầu những năm 1970. Ngày ấy ông làm ở công ty Bách Hóa 45 Hàng Bồ, Hà Nội. Ông tâm sự: “Lúc ấy dép cao su hiếm lắm. Chúng tôi có khi 6 tháng mới được mua một đôi. Được đo chân cho từng cán bộ trước khi lên đường, tôi cảm động lắm”.

Đôi dép lốp ngày nay in dáng hình Tổ quốc

Những năm 80 của thế kỷ trước, dép cao su dần bị thất thế khi dép nhựa miền Nam trở nên phổ biến. Ông Xuân một thời gian đã chuyển sang làm đế giày và bỏ nghề làm dép lốp.

Khi ông về hưu, máu nghề nổi lên, ông tự làm những đôi dép lốp cổ lỗ sĩ cho mình và gia đình sử dụng. Dần dần có nhiều người thích, ông sản xuất luôn cho khách. Giờ đây, người tìm mua dép nhiều nhất là thanh niên, cựu chiến binh rồi đến du khách nước ngoài.

Loại dép lốp vốn đặc trưng của người Việt, phải làm thủ công mới thể hiện hết tinh hoa của người thợ. Để làm ra dép cao su ông phải cất công tìm mua lốp, chủ yếu là lốp máy bay và xe tải hạng nặng ở mỏ đã hỏng, có đủ độ dày cần thiết rồi mang về xén thành từng phần, từng đoạn.

Điều thú vị của đôi dép do ông Xuân chế tạo là hoàn toàn có thể gia giảm, thêm bớt theo các yêu cầu của khách hàng.

Hình ảnh độc đáo và ấn tượng nhất trên đôi dép của ông được nhiều khách hàng yêu thích chính là hình ảnh bản đồ Việt Nam với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong thời chiến, đôi dép của Phạm Quang Xuân sản xuất đã đi cùng các chiến sỹ trên mọi trận tuyến, lội nước, lội bùn, vượt cả thép gai, lửa đỏ. Đến thời bình, đôi dép lại in dáng hình Tổ quốc gắn với máu thịt đất nước, với lời khẳng định “dép cao su ta đi trên lãnh thổ của ta...”. Đôi dép ấy không chỉ là một đồ dùng thông thường, mà còn là một biểu tượng “rất Việt Nam”, của tình yêu Tổ Quốc, của ý chí kiên cường, sẵn sàng đạp bằng khó khăn, gian khổ.

Bên cạnh đó, khách của ông có rất nhiều khách du lịch nước ngoài, khắc ghi hình ảnh Việt Nam, ông hy vọng khi về nước, đây sẽ là một món quà lưu niệm ý nghĩa và cũng để mỗi lần nhìn vào, du khách sẽ nhớ tới Việt Nam.

Tính đến năm 2016, hơn 200.000 đôi dép đã được làm thủ công và ra đời, hơn 60 quốc gia săn tìm mua đôi dép lốp qua đường xách tay. Năm 2013, thương hiệu Vua dép lốp đã được đăng ký bản quyền. Người thợ cần mẫn năm xưa, nay “giao bớt” lại trọng trách cho người con rể. Hành trình phục dựng giá trị lịch sử của thương hiệu “Vua dép lốp” đã vượt thời gian và không gian để tái hiện nét đẹp huyền thoại của hình ảnh đôi dép cao su gắn liền với phong cách chân phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và để thế hệ mai sau biết trân trọng và giữ gìn “đôi dép Bác Hồ”. Đôi dép lốp “rất Việt Nam” vẫn đang bước đi cùng thời đại, trở thành một thú chơi, “chấm phá” vào nét đẹp của Thủ đô.

CHI ANH

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.