Con gái ly hôn vì... được mẹ yêu chiều quá

Chia sẻ

Sau khi chính thức ly hôn với Hoàng, suốt mấy ngày liền Chi thẫn thờ như người mất hồn. Thấy con gái tiều tụy, bà Mai (mẹ Chi) cũng không khỏi đau lòng. Chuyện ra nông nỗi này… lỗi phần nhiều là do hai mẹ con bà. Bây giờ bà có hối hận thì cũng đã quá muộn.

Ngày Hoàng quyết định nộp đơn ly hôn ra tòa, Chi nước mắt ngắn dài xin lỗi, mong muốn được hàn gắn lại quan hệ hôn nhân nhưng anh không đồng ý. Trải qua một thời gian chung sống, dù anh đã hết mực chiều chuộng, cho Chi nhiều cơ hội nhưng cô vẫn… chứng nào tật nấy, càng ngày càng trở thành người vợ, người con dâu “vô phép”, không biết điểm dừng. Cộng thêm mẹ vợ hết sức vô lý, chỉ biết bênh con gái khiến Hoàng không có lý do để níu kéo thêm.

Bà Mai vốn có hai người con gái, nhưng một người qua đời khi mới lên ba tuổi. Mất mát ấy trở thành nỗi ám ảnh trong lòng khiến bà lúc nào cũng lo lắng, bảo bọc, không muốn Chi phải chịu bất cứ khổ sở gì. Bao nhiêu yêu thương, cưng chiều bà Mai dành cả cho cô. Chi muốn gì, bà Mai cũng đáp ứng. Ngày con gái lên xe hoa đi lấy chồng, bà nước mắt lưng tròng, cầm tay con rể dặn dò: “Từ giờ con là người thay bố mẹ yêu thương, chăm sóc Chi, nhớ không được để con bé thiệt thòi. Nếu thấy con gái phải chịu điều ủy khuất, mẹ nhất định tìm anh “tính sổ”. Dù không phải thiên kim tiểu thư nhưng Chi cũng là vàng, là bạc của bố mẹ. Mẹ nuôi nó suốt đời cũng được”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe mẹ vợ gửi gắm, Hoàng cười tươi nói: “Mẹ yên tâm, con yêu Chi và sẽ chăm sóc cô ấy thật tốt”. Quả thật, Hoàng nói là làm, săn sóc vợ rất tận tâm, chu đáo. Khổ nỗi, Chi được chiều từ nhỏ thành quen nên mọi sự quan tâm từ người khác cô đều cho rằng đó là đương nhiên; thậm chí còn nghĩ ra nhiều cách hạch sách chồng. Lúc đầu, Hoàng cũng nghĩ là do vợ vô tư, trẻ con nên không để bụng. Nhưng sau khi vô tình nghe Chi khoe với bạn qua điện thoại: “Anh Hoàng đối xử với tớ tốt như này… không phải ngẫu nhiên đâu. Mẹ tớ đã dặn rất kỹ, muốn được chồng “đội lên đầu” thì phải biết “dạy chồng” từ thuở mình mới về làm dâu”, thì sự thất vọng bắt đầu nhen nhóm trong Hoàng.

Làm dâu, ở nhà chồng nhưng hiếm khi Chi chủ động vào bếp nấu nướng hay lau dọn nhà cửa… Đi làm về, cô thường kiếm cớ đau đầu, nhức mỏi... rồi tót lên phòng nghỉ, đẩy việc cho chồng bất cứ lúc nào có thể. Chứng kiến con dâu lười nhác, mẹ Hoàng chán ngán, bực bội tới phát cáu, nhưng nghĩ cho hạnh phúc các con, bà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng:

- Mẹ biết con đi làm vất vả, cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, mẹ nghĩ con cũng nên dành thời gian học cách quán xuyến việc nhà. Giả sử sau này không ở cùng bố mẹ, các con cũng có thể tự lo cho mình.

- Vâng, con sẽ cố gắng học - Chi đáp lời gọn lỏn.

Có điều, Chi nói một đằng làm một nẻo. Trước mặt mẹ chồng cô ngoan ngoãn vâng dạ, nhưng vừa về phòng liền gọi điện cho mẹ đẻ khóc lóc, đơm đặt kể lể: “Con mới về làm dâu được mấy tháng, thế mà hôm nay mẹ chồng đã có ý đuổi con ra ngoài ở riêng, còn mắng con lười nhác. Con không phải đứa hư hỏng, sao mẹ chồng lại nặng nề và ác cảm với con như thế?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe con gái nói vậy, bà Mai không ngần ngại gọi điện cho Hoàng. Vừa thấy con rể nhấc máy, bà chẳng cần hỏi sự việc đầu cua tai nheo ra sao đã xối xả mắng: “Anh xem, anh hứa hẹn với tôi như nào mà giờ lại để vợ mình chịu uất ức? Vợ anh sức khỏe không tốt nên từ nhỏ mẹ không cho đụng vào việc nhà. Giờ mẹ con anh không cảm thông, còn mắng nó lười nhác, định đuổi ra ngoài ở riêng nữa. Tôi nói anh nghe, nếu không chăm sóc được vợ thì thôi, để tôi mang con gái về nhà nuôi. Con gái tôi có cưới hỏi đưa rước đường hoàng; gả về nhà anh để làm dâu con, làm vợ chứ không phải là osin”.

- Mẹ bình tĩnh nghe con nói, chắc có gì hiểu lầm chứ mẹ con rất thương Chi…

- Anh nói thì hay rồi, giờ còn nghi ngờ cả vợ. Ai biết có phải trước mặt mọi người, mẹ anh ra vẻ tốt bụng, sau lưng mới lộ rõ bản chất. Tôi cũng đã làm dâu, có gì chưa trải qua?

- Mẹ… chuyện gì mẹ cũng nên nghe hai tai, không thể phiến diện như vậy. Con tin mẹ con nói gì cũng đều là muốn tốt cho Chi.

- Tốt? Chi nhà tôi chắc không dám nhận ý tốt của mẹ con anh - bà Mai nói xong tắt phụt điện thoại.

Phía bên kia, Hoàng đứng lặng một hồi, bàn tay siết chặt lại thành nắm đấm lúc nào không hay, trong lòng thầm nghĩ có lẽ anh đã quá dung túng, nhân nhượng Chi. Từ trước tới giờ, mỗi lần hờn dỗi, không vừa lòng điều gì ở nhà chồng, cô đều gọi điện than vãn với mẹ đẻ. Lần nào Hoàng cũng bị mẹ vợ chỉ trích, nhắc nhở bằng điệp khúc quen thuộc: “Anh không đối tốt với con gái tôi, tôi đón nó về nhà, cho ly hôn luôn”. Là người rộng lượng, Hoàng thường chỉ lắng nghe rồi giải thích để mẹ vợ hiểu. Nhưng sức chịu đựng của Hoàng dù lớn thì cũng có giới hạn, nhất là khi thấy mẹ mình vô cớ bị xúc phạm.

Sau bữa cơm tối, Hoàng đợi Chi lên phòng rồi thẳng thắn góp ý: “Anh không biết hôm nay mẹ và em nói với nhau những gì. Nhưng anh không vui khi trong nhà có chuyện lớn chuyện nhỏ em cũng gọi điện về ngoại kể lể, để mẹ gọi điện nói anh không ra gì. Em đâu còn là trẻ lên 3, phải biết thế nào là “nhập gia tùy tục”. Không chừng có ngày vì sự ích kỷ của mình, em khiến hai nhà thành kẻ thù của nhau. Anh nghĩ, em cũng nên xem xét lại bản thân, không phải mọi điều mẹ chồng góp ý đều là sai. Có thời gian, em nên xuống bếp cùng nấu cơm hoặc đưa mẹ đi tập thể dục…”

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Góp ý với vợ xong, Hoàng cũng chủ động làm công tác tư tưởng cho bố mẹ mình; đồng thời nói chuyện với bà Mai về ứng xử của Chi. Anh mong rằng bố mẹ vợ sẽ nhắc nhở, khuyên nhủ để cô thêm trưởng thành, biết suy nghĩ thấu đáo và hoàn thiện bản thân. Chỉ là không ngờ, bà Mai nghe Hoàng nói xong lập tức cho rằng con gái mình bị vu vạ, gây khó dễ nên bênh vực chằm chặp. Sáng hôm sau, bà còn tới nhà Hoàng từ sớm, vừa vào nhà đã mắng anh té tát ngay trước mặt thông gia khiến ai nấy sửng sốt. Mắng xong, bà lên phòng Chi, giục cô thu xếp đồ đạc, đòi dắt con gái về.

Thấy mẹ vợ hùng hùng hổ hổ đi ra cửa Hoàng níu vội tay áo:

- Chuyện đâu có đó, mẹ hà cớ phải hành động như vậy. Mẹ cứ bình tĩnh, có gì hai bên thông gia cùng nhau bàn bạc.

- Phải đấy, bà cứ bình tĩnh đã, chắc có hiểu lầm gì ở đây? - mẹ Hoàng lên tiếng.

- Hiểu lầm? Tôi nghĩ chắc không phải. Là cả nhà mấy người nhiều lần ức hiếp con gái tôi. Tôi đã tự tay viết sẵn đơn ly hôn cho con gái mình, ngày mai sẽ chuyển sang đây. Tôi không dám nhận cậu ta làm con rể - bà Mai chỉ tay vào mặt Hoàng, lớn giọng nói.

Bố mẹ Hoàng nghe vậy cũng có phần hoảng hốt, cố gắng ngăn cản. Nhưng càng ngăn, bà Mai càng không xem ai ra gì, một mực đòi làm theo ý mình. Bà làm vậy ban đầu chỉ có ý định dằn mặt con rể, để mọi người thấy Chi không phải cô con dâu dễ bắt nạt. Bà muốn đợi lúc Hoàng tới xin lỗi thì sẽ không bắt con gái ly hôn.
Điều bà Mai không ngờ tới, là sự việc lần này đã làm tổn thương sâu sắc lòng tự trọng của Hoàng và gia đình anh. Sau nhiều lần cho Chi cơ hội nhưng cô không thay đổi, anh cũng không còn thiết tha nữa. Hôm sau, chẳng đợi bà Mai gửi đơn ly hôn tới cửa, Hoàng trực tiếp gửi cho Chi đơn ly hôn anh soạn và đã ký sẵn. Lúc này, Chi mới sợ hãi, khóc lóc xin chồng cho được hàn gắn quan hệ hôn nhân, hứa rằng sẽ nỗ lực học làm dâu hiền, vợ đảm…nhưng mọi chuyện đã không thể cứu vãn.

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.