Hoang mang quá hóa... mất khôn

Chia sẻ

Liên tiếp có những vụ việc bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em xảy ra thời gian qua khiến các bậc phụ huynh cảm thấy bất an. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn, thay vì tìm mọi cách để bảo vệ con, cha mẹ hãy dạy con kỹ năng đối phó và biết tự bảo vệ mình trước kẻ xấu.

Gia đình lục đục vì cảnh giác thái quá

Lo lắng trước nhiều vụ bắt cóc trẻ em xảy ra gần đây, chị Hoàng Thị Hương (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) càng cảnh giác cao độ. Không chỉ dặn con trai 3 tuổi không được phép tiếp xúc với người lạ, chị còn giảm thiểu số lần cho con đi chơi công viên, siêu thị vì sợ… “sểnh một tí là sẽ mất con”. Chị còn yêu cầu mọi người trong nhà phải chấp hành nghiêm túc việc đưa đón trẻ mỗi ngày tại trường học để đảm bảo an toàn nhất. Hôm ấy, vì bận rộn nên chị không kịp giờ đón con, mẹ chồng chị nhờ hàng xóm đón hộ. Nhà trường vẫn cho phép đón trẻ mà không thông báo cho gia đình. Cho rằng nhà trường tắc trách, không tuân thủ nguyên tắc đưa đón trẻ được quy định trước khi nhập học, chị yêu cầu giáo viên phải giải trình. Mẹ chồng chị nghĩ làm như vậy là làm quá lên mọi chuyện và xúc phạm đến bà nên giận dỗi, nặng nhẹ với nàng dâu, khiến gia đình xung đột suốt một thời gian dài.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đang có công việc ổn định, thu nhập tốt, chị Trần Thu Mai (Hà Đông, Hà Nội) nghỉ hẳn ở nhà để… đưa đón con đi học mỗi ngày. Lý do là vì cả hai vợ chồng đều bận, không thể đón con đúng giờ tan trường. “Trẻ đứng trước cổng trường vào giờ tan tầm rất nguy hiểm, nhiều kẻ xấu lợi dụng sự nháo nhác khi phụ huynh đến đón con hoặc khi chỉ còn mỗi mình trẻ ở lại để tiếp cận, bắt cóc” – chị Mai nói.

Với tâm lý hoang mang, cảnh giác cao độ, đã có nhiều vụ việc vì nghi bắt cóc trẻ em mà nhiều người bị đánh oan. Như vụ việc xảy ra cách đây không lâu, anh L.H.B (tạm trú tại tỉnh Long An) đưa con trai 3 tuổi đến công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa chơi. Sau khi vui chơi, anh B đưa con trai lên xe máy để về nhà nhưng bé trai không chịu về. Thấy anh B kéo con lên xe, tưởng là đối tượng bắt cóc, Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa) đang cùng vợ đứng giao hàng cho khách gần đó đã đến đánh tới tấp. Nạn nhân sau đó bị Điền dùng dao đâm nhiều nhát dẫn đến tử vong. Trước đó, tại Hà Nội, hai người phụ nữ bán tăm bông dạo đã bị người dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đánh trọng thương chỉ vì nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em. Khi thấy hai phụ nữ lạ mặt hỏi han cháu nội mình, bà N.T.T đã đuổi họ ra khỏi nhà và tri hô hai chị bắt cóc trẻ em. Chưa hiểu đầu đuôi sự việc vì sao, nhiều người dân đã đuổi đánh hai người phụ nữ này, khiến họ bị thương nặng.

Dạy kỹ năng quan trọng hơn giám sát

Nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ tại một hội thảo rằng, hàng ngày, hàng giờ, khi đọc tin trên báo về vấn nạn bắt cóc, xâm hại trẻ em, anh cũng như các phụ huynh khác đều vô cùng hoang mang và tìm phương án để bảo vệ con hiệu quả nhất. Anh cho rằng, thay vì quá sợ hãi mà tìm mọi cách để bảo vệ con suốt 24/24 giờ, cha mẹ hãy dạy cho con kỹ năng để tự bảo vệ mình, nhận diện được người xấu khi ra ngoài xã hội.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thạc sỹ, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho rằng, thực tế, cha mẹ đang thiếu sự giáo dục kỹ năng phòng, chống bắt cóc cho trẻ, còn trẻ lại không có kiến thức để nhận diện đối tượng bắt cóc chiếm đoạt. Trong khi đó, đời sống khó khăn, nhiều người không có công ăn việc làm, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội (cờ bạc, nghiện hút ma túy…) đang gia tăng đáng báo động; lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, sự băng hoại xuống cấp của đạo đức xã hội… là những tác nhân trực tiếp dẫn đến tình hình tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em diễn biến phức tạp.

“Cha mẹ cần cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm này để luôn phòng ngừa cho con của mình. Thực tế, nhiều cha mẹ, người trông trẻ đang chủ quan, lơ đãng và bất cẩn, mất cảnh giác trong việc bảo vệ trẻ. Lấy ví dụ vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại Bắc Ninh mới đây, người bố mải nói chuyện điện thoại khi cho con đang đi chơi công viện nên không thể để ý rằng con đang đi theo một phụ nữ lạ mặt…” – Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.

Quan trọng hơn cả là cha mẹ cần giáo dục kỹ năng phòng chống bắt cóc. Những kỹ năng này cần thường xuyên, kiên trì dạy trẻ và giúp trẻ hình thành phản xạ khi gặp phải các tình huống tương tự trên thực tế. Cha mẹ nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất, tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những điều bất thường có thể xảy ra với mình, giúp trẻ chủ động đề phòng.

Cha mẹ dạy con nhận diện “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú Công an, chú Bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường để có thể nhờ cậy khi gặp tình huống nguy hiểm; Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật và chỉ nói với “những người lạ có thể tin tưởng”. Cha mẹ yêu cầu trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ, không được nhận bất cứ đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của họ…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Để tránh trường hợp bọn bắt cóc “mẹ mìn” là người đã từng quen có thể qua mặt được giáo viên, bố mẹ phải thống nhất với trẻ một “mật khẩu” chung. Việc làm này rất hiệu quả đối với trẻ đi học ở các nhà mẫu giáo, tiểu học, THCS. Khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi, cha mẹ cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh.

Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử… cha mẹ cần nhắc trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối đừng để trẻ đăng công khai những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh trường hợp đối tượng bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, du lịch, xem phim…rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ.

“Ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan Công an gần nhất. Việc trình báo cần tiến hành bí mật. Khi đối tượng gọi điện tới để đòi tiền chuộc, nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Sau khi nói chuyện với bọn bắt cóc, cần báo cáo cơ quan Công an toàn bộ nội dung đàm thoại, số điện thoại của đối tượng. Hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án” – Trung tá Hiếu khuyên.

Để phòng tránh bắt cóc, những người xung quanh có thể hợp tác giúp đỡ như nhìn thấy cảnh lôi kéo trẻ em (trẻ phản ứng, la hét), thì nên đến nơi xem xét, có thể hỏi ngay cháu bé người đó là ai, có phải người thân trong gia đình hay không. Nếu cháu bé cho biết người đó không quen biết, cần kêu gọi sự hỗ trợ của người dân xung quanh bắt tội phạm. Nếu không đủ sức can thiệp thì lấy máy điện thoại chụp ảnh đối tượng, rồi la hét thật to, gọi điện cho Cảnh sát 113... “Khi nghi vấn có người lảng vảng tại địa phương với mục đích xấu, cần thông báo cho những người xung quanh đến kiểm tra giấy tờ tùy thân, chụp ảnh, gọi điện báo Công an. Tuyệt đối không nên có hành động manh động nào nhằm vào thân thể hay tài sản của người bị tình nghi. Nếu đối tượng bỏ chạy, có thể vây bắt, tước vũ khí và gọi điện báo ngay cho Công an đến giải quyết” – Trung tá Hiếu cho biết.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.