Nhà có hai nàng tiên

Chia sẻ

15 năm trước, khi sinh em bé thứ hai là gái, chị thấy hơi buồn buồn. Nói gì thì nói, tâm lý ai mà chẳng muốn có con trai nối dõi tông đường, nhất là khi chồng chị lại là con trai trưởng.

Tất nhiên, chị không ghét bỏ con, nhưng, mỗi lần đi trên đường, nhìn thấy cặp vợ chồng nào đó dẫn theo các con trai, chị lại chạnh lòng thèm được như họ. Trong giờ nghỉ ở cơ quan, nghe các đồng nghiệp trêu đùa nhà nào sinh được hai con gái là “đi dép có đôi”, chị thấy như họ đang “nói xỏ” đích danh mình. Về quê, mấy ông anh họ sinh được con trai ra vẻ ta đây, khua môi múa mép là mình biết đẻ, chị bực lây. Giá mà một trong hai đứa con của chị là trai, có phải chị cũng tha hồ “lên mặt” như thế.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đã có lần, chị thử bàn với chồng: “Hay là mình đẻ thêm đứa nữa, cố kiếm lấy thằng cu”. Chồng chị gạt đi, bảo thời đại nào rồi mà còn cổ hủ. Anh không nghĩ thì thôi, cớ sao chị cứ tự vận vào mình. Vì anh kiên quyết không đồng ý nên chị đành thôi, từ đó tập trung vào việc đi làm, kiếm tiền nuôi con.

Ơn trời, hai đứa con gái của chị lớn lên đều chăm chỉ, ngoan ngoãn. Từ lúc chúng đi học tới giờ, chưa lần nào chị phải nhắc nhở con việc học hành. Tối đến, đứa lớn vừa học bài của mình, vừa giúp mẹ dạy em. Cuối năm học, chúng lúc nào cũng đứng trong top dẫn đầu của lớp về thành tích học tập. Mỗi lần đi họp phụ huynh học sinh là mỗi lần chị được mãn nguyện khi nghe cô giáo nhắc tên các con như một tấm gương chăm ngoan. Mấy vị phụ huynh ngồi kế bên quay sang hỏi: “Chị nuôi con thế nào mà giỏi vậy?”. Có bà mẹ còn bắt tay chúc mừng, nói chị đẻ được con như vậy cũng mát lòng mát dạ. Chị cười cảm ơn, bỗng nghĩ thế mà có lúc, chị còn tủi thân vì “trót” sinh ra hai cô con gái.

Năm ngoái, chị bị ốm một trận, phải nghỉ làm gần 1tuần. May mà vào đúng dịp nghỉ hè nên hai đứa con chị đều ở nhà, thay nhau chăm mẹ. Đứa lớn thì đi chợ, nấu cơm. Đứa bé thay mẹ lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo. Đến bữa, các con bưng cơm tận giường cho chị, còn đòi xúc cho chị ăn. Chị mệt, không ăn hết suất thì chúng lo lắng, đứa bóp vai, đứa đòi đi mua thuốc cho chị uống.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhiều lúc, chị bỗng nghĩ: Đúng là chị sướng thật. Các con gái ngoan, có hiếu đã giúp chị nhẹ gánh lo rất nhiều. Giả sử chúng hư một chút, học hành chểnh mảng một chút hay vô tâm với bố mẹ một chút thôi, thử hỏi chị có phải lao tâm khổ tứ không? Đằng này, nhà chị lúc nào cũng êm đềm, chẳng bao giờ chị phải to tiếng với con. Chị chẳng biết nếu sinh con trai thì thế nào. Chị chỉ biết hiện nay, chị đang được hưởng phúc từ việc sinh hai con gái. Chị tin chắc, khi nhỏ chúng đã là những đứa trẻ tử tế, thì lớn lên, chúng cũng sẽ là chỗ dựa tuổi già vững chãi của chị. Chẳng thế mà người xưa đã nói “con cái là của để dành quý giá nhất của bố mẹ” đó thôi.

Đã lâu lắm rồi, chị không còn tủi thân vì chỉ được làm “bà ngoại toàn tập”. Thay vào đó, mỗi khi có người hỏi thăm về con cái, chị lại tự hào nói vui: “Nhà tôi có hai hàng tiên, thật là tuyệt vời”.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.