Nhóm “lửa” hạnh phúc từ bếp ấm

Chia sẻ

Sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức Hà Nội, 4 đời gắn bó với nghề y, bà nội từng là Hoa khôi Đông Dương - một phụ nữ Hà thành chuẩn mực, từ nhỏ chị Đỗ Thị Thu Hằng - hiện đang công tác tại BV Bạch Mai đã sớm được học, rèn giũa cách sống, cách ứng xử và chăm sóc gia đình qua từng bữa ăn.

Nguyễn Đỗ Minh Tâm tự tay làm những món ăn cho người thân của mình.Nguyễn Đỗ Minh Tâm tự tay làm những món ăn cho người thân của mình.

Từ “bếp ấm” của bà, của mẹ…

Đã mấy chục năm trôi qua, tới tận bây giờ, chị Hằng vẫn nhớ như in hình ảnh bữa cơm gia đình thời bao cấp khó khăn: Chỉ vào dịp lễ, Tết, khi gia đình đoàn tụ, sum vầy đông đủ mọi người mới có dịp chuẩn bị nhiều món ăn ngon. Còn bình thường, bữa cơm không quá cầu kỳ. Khó khăn, nhưng gia đình tôi ngày nào cũng có đủ 3 bữa sáng - trưa - tối cùng nhau.

Bởi với chị Hằng, đó không chỉ là vật chất, mà còn là món ăn tinh thần, là dịp các thành viên quây quần, trò chuyện, nhân lên những yêu thương. “Trong căn bếp ấm của gia đình, chúng tôi trưởng thành hơn nhờ lời dạy của bà, của mẹ qua từng câu ca dao, tục ngữ, vè, lẩy Kiều. Đó là lời dạy về “bầu ơi thương lấy bí cùng”, là “râu tôm nấu với ruột bầu”, là bài học về sự nhường nhịn, biết dành món ngon cho người khác, tập thói quen tốt trong khi ăn… Sau này, tôi và em trai nối nghiệp y khoa cũng chính từ những câu chuyện thấm đẫm tình yêu nghề trong mỗi bữa cơm bố mẹ kể” - chị Hằng bồi hồi nhớ lại.

Ngày thường đã vậy, ngày Tết, bữa cơm gia đình càng ý nghĩa hơn. Trước đây, các cụ vẫn có câu “đói quanh năm, no 3 ngày Tết”. Câu nói ấy một phần ám chỉ sự khó khăn, vất vả của người dân xưa kia, nhưng còn một phần ý nghĩa rất đẹp khác. Tết là dịp đoàn viên nên ngày thường dù khó nhọc thế nào thì Tết đến, nhà nhà đều chuẩn bị bữa cơm tươm tất, để mọi người được cùng nhau chuẩn bị, thưởng thức những thứ ngon, thứ đẹp trong khung cảnh sum vầy, hạnh phúc nhất.

Với chị Hằng, đó cũng là ý nghĩa cốt lõi của bữa cơm gia đình, dù trong xã hội, hoàn cảnh nào đi chăng nữa. “Cứ thế, gia đình với bữa cơm đầm ấm và những giá trị chuẩn mực tốt đẹp luôn là điểm tựa thiêng liêng của mỗi người. Một đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương sẽ học được cách sống lễ nghĩa trong cuộc đời. Khi các thành viên biết yêu thương, sẻ chia với nhau… sẽ làm nên một gia đình hạnh phúc” - chị Hằng chia sẻ.

Nhân lên giá trị, hạnh phúc gia đình từ món ăn

Đến giờ, những giá trị đẹp đẽ ấy chẳng những in sâu trong tiềm thức của chị Hằng, mà còn lan toả đến hai con của chị. Nguyễn Đỗ Minh Tâm - con gái lớn của chị Hằng, hiện là học sinh lớp 12D2, trường THPT Việt Đức, không chỉ học tốt mà nấu ăn cũng rất giỏi.

Mâm cỗ chay do chính tay Tâm chuẩn bị để dâng cúng tổ tiên trong dịp lễ, TếtMâm cỗ chay do chính tay Tâm chuẩn bị để dâng cúng tổ tiên trong dịp lễ, Tết

Từ nhỏ cô bé đã học làm bánh và thường xuyên phụ giúp mẹ nấu ăn. Lên lớp 10, vào ngày Rằm, Tết, ngày lễ, Tâm đã có thể tự nấu mâm cỗ chay vừa ngon, vừa đẹp mắt, trang trí cầu kỳ… để dâng cúng tổ tiên theo đúng tiêu chuẩn 8 đĩa, 4 bát truyền thống. Điều đặc biệt trong phong cách nấu ăn của Tâm đó là sự hòa trộn giữa hiện đại, truyền thống, và nấu ăn luôn dựa vào vị giác, sở thích của các thành viên trong gia đình.

“Chính mẹ con cũng dạy rằng, nấu ăn không chỉ dựa theo công thức đơn thuần, mà nó còn là tâm ý mà người phụ nữ dành cho những thành viên thân yêu trong gia đình mình. Những giá trị đẹp đẽ ấy cứ ngấm dần, ngấm dần… và chẳng biết từ lúc nào, ăn sâu vào tiềm thức, thành tố chất của bản thân. Với con, nấu ăn cũng là cách để bày tỏ sự hiếu thảo và đỡ đần để bố mẹ bớt vất vả” - Minh Tâm bày tỏ.

Không riêng con gái mà con trai chị Hằng cũng được mẹ chỉ dạy, huấn luyện kỹ năng bếp núc cơ bản và hiểu rằng đó không phải việc của riêng phụ nữ. Đã có lần cậu bé tự vào bếp nấu tặng mẹ nhân dịp sinh nhật. Tuy chỉ là bát canh mỳ, đĩa trứng rán nhưng ẩn sâu trong đó là sự quan tâm, yêu thương mà con trai dành tặng bố mẹ.

Đáng quý hơn cả khi những giá trị về tình yêu thương, sự sẻ chia không chỉ được nhân lên trong căn bếp ấm của gia đình chị Hằng, mà còn lan tỏa và trở thành nguồn cảm hứng, truyền động lực cho rất nhiều người khác.

Chị Hằng kể, cô Hiệu trưởng trường THCS Lê Ngọc Hân cũng là người phụ nữ gốc Hà Nội, thích nấu ăn. “Biết tôi và con gái cùng đam mê nên sau này, cô đã thành lập một CLB dạy nấu ăn trong trường. Tâm là “trợ giảng” đắc lực, cùng với tôi đã chia sẻ cách nấu nhiều món truyền thống của Hà Nội. Lớn hơn một chút, Tâm cùng tôi đi làm bánh Trung thu trong các chương trình thiện nguyện; hướng dẫn các bạn cùng lớp làm bánh kem tặng bố, mẹ trong ngày sinh nhật… Nhỏ nhỏ vậy thôi, nhưng đó là những việc làm rất đẹp, lan toả tình yêu thương, sự sẻ chia”.

Chẳng những giúp truyền cảm hứng nấu ăn, chị Hằng và con gái còn lan toả thông điệp tích cực: Tự tay mình nấu cơm cho gia đình rất ý nghĩa, nhưng sự sum vầy, thoải mái, thư giãn, vui vẻ trong bữa cơm ấy còn ý nghĩa hơn. Vì thế, cuối tuần hay lúc mệt mỏi, thay vì “gồng mình” nấu nướng, cả nhà có thể cùng nhau ra ngoài khám phá ẩm thực hoặc gọi món về nhà. Ăn ở đâu không quan trọng, quan trọng là ăn cùng nhau, vui có nhau. Đó là sợi dây vô hình nhưng bền chặt để gắn kết các thành viên trong gia đình.

Chẳng thế mà vào trang facebook cá nhân của Minh Tâm, không ít phụ huynh trầm trồ khi thấy những mâm cơm đẹp mắt con làm, lại ngưỡng mộ, ghen tị với mẹ cô bé khi đọc lời chia sẻ vừa dí dỏm lại tình cảm: “Cùng mẹ yêu nấu ăn luôn là niềm hạnh phúc”, “Khi mà tất cả mọi người đang tất bật với Tết thì… Tết mà… là để nghỉ ngơi, thư giãn, đi massage với mẹ, đi ăn chân gà, đi coffee”…

Dù xã hội luôn thay đổi, biến động, nhưng với người Việt, bữa cơm luôn là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc gia đình. Trong bữa cơm, khi mỗi người được thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần thì sẽ rất phấn chấn, thoải mái, đong đầy yêu thương. Và xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nếu những giá trị tốt đẹp trong từng gia đình nhỏ bé được nhân lên, phát huy.

Bài và ảnh: YÊN HƯNG 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.