Sống xanh vì môi trường sạch, đẹp

Chia sẻ

Thời gian qua, Hội LHPN huyện Sóc Sơn đã và đang tích cực triển khai nhiều công trình, mô hình ý nghĩa, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường. Chị em hội viên phụ nữ không những chung tay góp sức để lan tỏa tinh thần sống xanh trong cộng đồng mà còn góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Từ tuyến đường nở hoa kiểu mẫu

Tuyến đường dẫn về thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn trước đây cỏ dại, cây cối mọc um tùm thì nay được thay bằng những khóm hoa ban, hoa chiều tím… rực rỡ sắc màu. Để có được thành quả ấy là nhờ đôi bàn tay khéo léo, sự đóng góp hưởng ứng tích cực của cán bộ hội viên phụ nữ trong thôn, trong xã với hàng trăm ngày công lao động. Không riêng gì thôn Xuân Dương, về xã Bắc Sơn, Nam Sơn… trong những ngày cuối tháng 5, đi dọc các tuyến đường liên thôn liên xã, mọi người đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tuyến đường tự quản của phụ nữ hoa đua nhau khoe sắc dưới nắng hè, mang đến vẻ bình yên cho làng quê nơi đây.

Hội LHPN huyện Sóc Sơn gắn biển công trình tuyến đường tự quản xanh – sạch - đẹp     nở hoa kiểu mẫu tại xã Kim LũHội LHPN huyện Sóc Sơn gắn biển công trình tuyến đường tự quản xanh – sạch - đẹp nở hoa kiểu mẫu tại xã Kim Lũ

Chị Nguyễn Thị Xuân hội viên phụ nữ thôn Liên Xuân, xã Nam Sơn phấn khởi: “Khi Hội phát động chương trình xây dựng các tuyến đường hoa do phụ nữ đảm nhiệm, nhận thấy đây không chỉ là việc làm góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương mà còn góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Chính vì vậy, chị em hội viên chúng tôi đã xắn tay vào việc ngay từ những ngày đầu. Từ nhổ cỏ, đến trồng và chăm sóc hoa hai bên tuyến đường. Hiện xã chúng tôi đã có 4 tuyến đường nở hoa như thế, hằng ngày đều được chị em hội viên của từng chi hội tham gia chăm sóc.

Hội LHPN xã Hiền Ninh tổ chức tập huấn mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơHội LHPN xã Hiền Ninh tổ chức tập huấn mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn cho biết: Với phương châm bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, năm 2019, Hội LHPN huyện đã phát động và triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là hình thành nhiều tuyến đường hoa. Thực hiện đề án “Mỗi đơn vị hội cơ sở xây dựng ít nhất 1 tuyến đường tự quản xanh sạch đẹp nở hoa kiểu mẫu” do huyện Hội phát động, sau năm đầu tiên thực hiện thì toàn huyện đã có 45 tuyến đường tự quản xanh sạch đẹp nở hoa kiểu mẫu, với tổng chiều dài trên 21km, với nhiều loại hoa, cây xanh khác nhau, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh sạch đẹp. Sau khi Hội PN tổ chức gắn biển công trình tuyến đường tự quản xanh – sạch – đẹp nở hoa kiểu mẫu đầu tiên tại thôn Liên Xuân, xã Nam Sơn (tháng 5/2020), đến nay, các cơ sở Hội trên địa bàn toàn huyện đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện công trình tuyến đường hoa như thế.

Chị em hội viên phụ nữ Sóc Sơn tích cực trồng hoa trên các tuyến đườngChị em hội viên phụ nữ Sóc Sơn tích cực trồng hoa trên các tuyến đường

Các tuyến đường và đoạn đường tự quản đều được bố trí trồng các loại cây xanh, hoa... phù hợp với quy hoạch chung của các xã. 100% các tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, hội viên phụ nữ các xã đã chủ động thành lập tổ thu gom, quét dọn đường làng, ngõ xóm và tự tay chăm sóc các tuyến đường hoa, cây xanh. Đồng thời, chị em phụ nữ còn đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân vứt rác đúng nơi quy định. Đây cũng là mục tiêu quan trọng hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Sóc Sơn trong những năm tới.

Chị em hội viên thực hành các bước ủ rơm rạ thành phân hữu cơChị em hội viên thực hành các bước ủ rơm rạ thành phân hữu cơ

Đặc biệt, trong tháng 5/2021 thiết thực kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN huyện sẽ tổ chức gắn biển 6 tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp nở hoa kiểu mẫu cấp huyện và xã. “Để kịp thời động viên, khích lệ các cấp Hội Phụ nữ, huyện Sóc Sơn cũng chủ trương thưởng 5 triệu đồng cho mỗi tuyến đường cấp huyện và 3 triệu đồng cho các tuyến đường cấp xã được công nhận đạt tiêu chí xanh sạch đẹp nở hoa kiểu mẫu”, chị Tuyến chia sẻ.

Đến mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ

Sóc Sơn là huyện thuần nông, chị em phụ nữ làm nông nghiệp trồng lúa chiếm tỷ lệ cao. Chính vì vậy việc tuyên truyền bảo vệ môi trường nhất là trong sản xuất nông nghiệp phải làm sao trở thành nếp nghĩ, thói quen, sự tự giác trong hoạt động hằng ngày của mỗi người dân là vấn đề cốt yếu. Từ đó, Hội PN huyện đã chỉ đạo các cấp hội lồng ghép những tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Tiêu biểu, năm 2020, Hội LHPN huyện đã xây dựng và triển khai mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Để giúp chị em hội viên hiểu và làm theo, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, Hội PN đã mời các chuyên gia sinh học nông nghiệp về địa phương hướng dẫn các hội viên xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ, bón cho cây trồng.

Mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng giúp cho môi trường làng quê xanh – sạch hơnMô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng giúp cho môi trường làng quê xanh – sạch hơn

Chị Nguyễn Thị Hoa, hội viên phụ nữ xã Mai Đình cho biết: “Trước kia, người dân thu hoạch lúa xong là hay đốt rơm rạ trên các cánh đồng hoặc trên các tuyến đường, gây ra khói bụi làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nhưng nay nhờ Hội PN tổ chức nhiều buổi ra quân tuyên truyền tới từng chi hội phụ nữ, tổ chức mở các lớp tập huấn ngay trên đồng ruộng sau khi thu hoạch vụ lúa, các chuyên gia hướng dẫn rơm rạ sau khi thu hoạch sẽ được tập kết thành từng đống lớn, phun chế phẩm sinh học rồi đậy lại. Như vậy, từ khoảng 5 tạ rơm cộng với phân gia súc, gia cầm… có thể làm thành 1 tấn phân hữu cơ. Kết quả, sau khoảng hơn 1 tháng ngày, rơm rạ hoại mục thành phân hữu cơ có giá trị cho cây trồng và hoa màu mà không phải mua phân hóa học. Cách làm này vừa dễ thực hiện chi phí thấp vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất nông nghiệp vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Từ thành công của mô hình thí điểm ở hai xã Hồng Kỳ và Đông Xuân, tính đến nay mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ đã được Hội PN huyện chuyển giao tới tất cả các xã còn lại trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, tình trạng chị em hội viên phụ nữ hay người dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng đã giảm hẳn. Chị Trương Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn nhấn mạnh: Trong 2 năm gần đây, để các lớp tập huấn do Hội PN tổ chức đạt hiệu quả cao, Huyện Hội đã tích cực tuyên truyền, phát tờ rơi, tài liệu tham khảo đến 100% hội viên làm nông nghiệp về mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ và hỗ trợ mỗi hội viên 1 gói men vi sinh để hội viên thực hiện ngay sau khi gặt lúa. Đồng thời, nhằm lan tỏa và kêu gọi nhà nông khác cùng chung tay thực hiện mô hình, các buổi tập huấn thực hiện mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ đều được Hội LHPN huyện phát trực tiếp trên mạng xã hội facebook của Huyện Hội.

Có thể nói, mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ cho cây trồng hay tuyến đường phụ nữ tự quản xanh sạch đẹp nở hoa kiểu mẫu không chỉ giúp môi trường nơi đây dược cải thiện mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giúp cho môi trường làng quê xanh- sạch hơn, khẳng định vai trò và sự đóng góp bền bỉ của chị em phụ nữ trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.