Sai lầm cha mẹ thường gặp khi massage cho trẻ

Chia sẻ

Massage giúp phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, tăng cường phát triển hệ thần kinh, tăng cường miễn dịch, giảm căng thẳng, giảm cảm giác đau ở trẻ, giúp bé ngủ ngon, thở đều nhịp. Tuy nhiên không nhiều cha mẹ biết cách massage cho con.

Chẳng hạn, nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi trẻ bị mệt mỏi trong người hoặc bị ốm, được massage sẽ giúp cho các bé thoải mái và khỏe mạnh hơn, nhưng đây lại là cách làm sai lầm. Khi bé có dấu hiệu bị đau ốm, không khỏe trong người, cha mẹ không nên massage vì lúc này cơ thể của bé rất nhạy cảm, massage, xoa bóp ở thời điểm này sẽ khiến bé dễ bị cảm lạnh hoặc ốm nặng hơn.

Không những thế, nhiều phụ huynh lại có thói quen xoa bóp cho trẻ bất cứ lúc nào rảnh. Có khi mẹ massage cho bé vài lần trong ngày và nghĩ xoa bóp càng lâu, càng nhiều thì càng tốt.

Thực tế, tùy vào lứa tuổi của con, các bà mẹ nên có thời gian biểu massage hợp lý. Với trẻ sơ sinh, cha mẹ chỉ nên massage từ 2-5 phút; trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên có thể được massage trong 8-10 phút; bé 10 tháng tuổi trở lên có thể massage trong 10-15 phút.

Việc massage mỗi ngày một lần có thể giúp các bé ăn ngoan, mau lớn; đồng thời giảm được các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, tuy nhiên, không nên thực hiện với tần suất dày hơn.

Để tránh những sai lầm trên khi massage cho bé, cha mẹ cần giữ nhiệt độ phòng luôn ấm áp; chọn một bề mặt phẳng thích hợp, trải tấm lót mềm mại, êm ái; massage cho bé khi cảm thấy bé nằm yên tĩnh, vui vẻ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thời điểm massage cho bé tốt nhất là sau khi vừa tắm xong hoặc sau khi bé vừa ngủ dậy. Sử dụng loại dầu massage dành cho trẻ sơ sinh. Bạn có thể bật nhạc để cả bạn và bé đều cảm thấy dễ chịu và mẹ hãy chuẩn bị những bản nhạc không lời nhẹ nhàng, du dương tạo cho cảm giác thư giãn.

Ngoài ra, khi massage, các mẹ nên làm thật chậm, sử dụng áp lực vừa phải, chỉ bằng phần đệm của đầu ngón tay, thao tác nhẹ nhàng, dứt khoát và mềm mại...

Đáng lưu ý, khi massage các bạn hãy bắt đầu từ việc thực hiện các động tác vuốt ve một cách nhẹ nhàng để có thể đánh giá tâm trạng của bé. Nếu bé khóc ít, cha mẹ hãy cố gắng dỗ cho bé nín trước. Nếu bé khóc nhiều thì không nên cố massage, mà nên dừng lại ngay. Không nên xoa bóp khi bé không muốn, khi bé đói hoặc khi vừa ăn no, khi bé không khỏe.

Một lưu ý nữa là khi xoa bóp cần chuyện trò cùng bé. Nếu massage mà không có sự tương tác giữa cha mẹ và bé như cùng trò chuyện, trao đổi bằng ánh mắt, hát cho trẻ nghe... thì sẽ không thu được hiệu quả tốt nhất. Quá trình giao lưu với cha mẹ có thể giúp bé sớm phát triển ngôn ngữ và giảm bớt những khó chịu do bị căng thẳng.

Sau đây là một số cách massage cho trẻ:

Mặt: Dùng ngón tay cái vuốt ngang 2 bên da phía trên môi, dưới môi kéo nhẹ về 2 gò má như thể trẻ đang cười, điều này giúp massage cơ miệng giúp trẻ bú tốt hơn.

Bạn cũng có thể xoa nhẹ da đầu trẻ để tăng dòng máu đến nuôi vùng da này.

Ngực: Dùng 2 tay đặt lên ngực trẻ, vuốt nhẹ dọc từ trên xuống hoặc bạn cũng có thể vuốt từ giữa ngực ra 2 bên theo chiều của xương sườn sau đó vòng lại như thể tay bạn đang vẽ hình trái tim để về trung tâm và bắt đầu một vòng tiếp theo. Sau khi xong mặt trước, bạn có thể cho trẻ nằm sấp và massage phần lưng.

Chân: Một tay bạn giữ nhẹ chân trẻ, tay kia ôm vòng và xoay nhẹ chân từ gót lên mông và đi ngược trở xuống .

Tay: Dùng ngón tay cái xoa lòng bàn tay của bé, đặc biệt là phần mu bàn tay, theo hình vòng tròn. Sau đó nhẹ nhàng giữ ngón tay của bé rồi kéo từ trong ra ngoài. Lặp lại thao tác cho tất cả 10 ngón tay.

BS CKI NGUYỄN THỊ KIM LIÊN
(Khoa Sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.