Nơi nào có điểm nóng, nơi đó có nhà báo

Chia sẻ

Không nề hà khó khăn, vất vả, không sợ hiểm nguy kề cận, sẵn sàng làm việc đêm ngày để đem tới cho độc giả những thông tin nóng hổi, kịp thời… Đó là chân dung của những nhà báo - chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - thông tin.

Nhân ngày 21/6, hãy nghe những nhà báo thường xuyên có mặt ở những điểm nóng chia sẻ chuyện nghề và tình yêu mãnh liệt với nghề báo…

“Tự hào vì góp phần nhỏ vào thành công cuộc bầu cử”

Đó là cảm xúc đặc biệt của nhà báo Nguyễn Thắng, Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội khi chia sẻ về câu chuyện tác nghiệp trong ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước mỗi sự kiện trọng đại của đất nước, mọi nguồn lực của TTXVN đều được huy động vào cuộc một cách quyết liệt, bài bản. Đặc biệt, vừa qua thông tin về cuộc bầu cử đã được TTXVN thực hiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia tích cực của tất cả các đơn vị sản xuất thông tin nguồn và xuất bản cũng như hệ thống 63 cơ quan thường trú trong nước, 30 cơ quan thường trú ngoài nước. Hàng ngàn tin bài, ảnh, video thời sự cũng như các thông tin tư liệu, các bài phỏng vấn, bình luận, nhận định sâu sắc trong nước được đưa trước, trong và sau bầu cử.

Phóng viên Nguyễn Thắng chia sẻ, ngày 23/5, các phóng viên có mặt tại các điểm bầu cử trên địa bàn TP Hà Nội từ 6h sáng, sau đó phân công ra từng ekip nhỏ, vừa đưa tin khái quát, bám sát thông tin ở các điểm bầu cử có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tham gia, đồng thời phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các cử tri… Ấn tượng nhất với anh Thắng là khi phản ánh thông tin về bầu cử tại địa bàn xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Anh chia sẻ: “Nơi đây từng là “điểm nóng”, còn hôm nay tôi đi trong không gian yên bình, gặp những người dân thân thiện. Ngay từ đầu đường vào xã, cờ đỏ tung bay, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, chào mừng rực rỡ, cử tri và nhân dân xã Đồng Tâm hân hoan, phấn khởi đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền và trách nhiệm công dân. Những lão thành cách mạng, những cụ ông, cụ bà, những thanh niên lần đầu tiên đi bỏ phiếu… Các cử tri nghiên cứu kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để bỏ lá phiếu tín nhiệm cho những người thực sự xứng đáng. Đến 13h ngày 23/5/2021, toàn xã Đồng Tâm đã có 90,1% cử tri tham gia bỏ phiếu. Chỉ còn một số cử tri đi làm xa sẽ về để bỏ phiếu vào buổi chiều cùng ngày.

Là nhà báo đã có 15 năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Thắng luôn tâm niệm “trường đời là trường đại học lớn nhất của con người”. Trong suốt quá trình làm báo, anh đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng báo chí của Trung ương và thành phố Hà Nội như: 4 giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam, 4 giải Báo chí của TP Hà Nội, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội... Nhưng với anh, phần thưởng lớn nhất vẫn là những trải nghiệm về nghề mà chỉ có làm báo anh mới có.

Lên tiếng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em

Là phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) đã hơn 10 năm - nhà báo Văn Hồng Nhung luôn cảm thấy tự hào vì đã góp phần lên tiếng trong nỗ lực bảo vệ phụ nữ, trẻ em - một nhiệm vụ mà Hội LHPN Hà Nội triển khai hiệu quả nhiều năm qua. Trong 10 năm công tác, Văn Hồng Nhung được cơ quan giao theo dõi mảng pháp luật, toà án trên địa bàn Hà Nội. Đây là cơ hội để cô phát huy năng lực, sở trường của mình.

Nhà báo Văn Hồng NhungNhà báo Văn Hồng Nhung (Ảnh: NVCC)

Trong nhiều vụ án mà Hồng Nhung theo dõi, đưa tin, cô vẫn nhớ như in vụ án hiếp dâm trẻ em xảy ra tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Giữa tháng 2/2019, Nhung nhận được điện thoại của luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối) đề nghị tham gia vào vụ án hiếp dâm trẻ em mà anh vừa nhận được đơn. Ngay chiều hôm ấy, cô về nhà cháu bé trong ngổn ngang cảm xúc. Tại buổi nói chuyện, ánh mắt lo lắng của người cha, nước mắt của người mẹ và sự đau đớn, sợ hãi tột độ của cô bé 9 tuổi khiến cô day dứt mãi.

Một tuần sau, khi đối tượng hiếp dâm bị cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Chương Mỹ ra quyết định khởi tố về tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi” và cho tại ngoại, gia đình cháu bé quá bức xúc nên đã nhờ báo chí vào cuộc. Ngay tối hôm đó, cô cùng với các luật sư VP Luật sư Kết Nối đã lên kế hoạch đưa vụ việc ra ánh sáng. Được sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, lãnh đạo báo Phụ nữ Thủ đô, cô cùng các đồng nghiệp khác đã đi tới cùng vụ việc. Nhờ đó, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo điều tra lại và xác định đối tượng Nguyễn Trọng Trình phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, khung hình phạt lên đến tử hình. Hồng Nhung tiếp tục theo dõi vụ việc đến khi vụ án được đưa ra xét xử công khai, “yêu râu xanh” bị tuyên án tử hình, trả lại công bằng cho cháu bé. "Sau khi vụ việc xảy ra, Báo PNTĐ, Hội PN huyện Chương Mỹ và cơ sở thường xuyên thăm hỏi, động viên cháu bé. Biết cháu đã ổn định tâm lý, tôi cũng yên tâm phần nào…" - nhà báo Hồng Nhung chia sẻ.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ án xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em mà Hồng Nhung trực tiếp tham gia. Hồng Nhung xác định nếu đã chọn nghề báo thì không có quyền “làm chủ” thời gian biểu của mình. 24/7 - bất cứ khoảnh khắc nào đều phải sẵn sàng tâm lý “ra đường”, kể cả lúc nửa đêm. Đằng sau những con chữ, những bài báo là hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện tác nghiệp gian nan, khó khăn mà trong giới hạn một bài viết, những phóng viên không thể kể hết. Có như vậy, những tác phẩm hay chính là hơi thở của đời sống, đã làm nên giá trị của bạn, trong từng khoảnh khắc tác nghiệp.

Nghề báo cho Hồng Nhung cơ hội được đi nhiều. Với cô, mỗi chuyến đi là một dịp để trải nghiệm với những kỷ niệm khó quên.

Đồng hành cùng các nữ “chiến sĩ” trên mọi mặt trận

Dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc “nhịp sinh học” của những phóng viên theo dõi mảng y tế, trong đó có nhà báo Thảo Hương - báo PNTĐ bị đảo lộn hoàn toàn. Những lúc thư giãn, các nhà báo vẫn nói vui với nhau rằng: Giờ ăn, giấc ngủ, thậm chí ngày nghỉ bây giờ không còn theo nhịp sinh lý của “cơ thể… mà phụ thuộc tất cả vào “con Cô-vít”. Mỗi khi dịch bệnh bùng phát, tất cả lại rơi vào guồng quay “tin bài” tới hoa mắt, chóng mặt; thậm chí luôn phải đối diện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh bất cứ lúc nào do phóng viên phải đi lại như con thoi, thường xuyên gặp gỡ các y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, tiếp cận những điểm cách ly tại khu vực dân cư, khu điều trị bệnh nhân Covid-19…

Nhà báo Thảo Hương tác nghiệp tại Đồn Biên phòng tỉnh Đắk Nông vào năm 2020Nhà báo Thảo Hương tác nghiệp tại Đồn Biên phòng tỉnh Đắk Nông vào năm 2020 (Ảnh: NVCC)

“Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa tin, cập nhật tin tức thời sự từ các “điểm nóng” dịch bệnh, với đặc thù là phóng viên báo PNTĐ – tờ báo của giới nữ, trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào, chúng tôi phải luôn hướng tới về chị em, tìm hiểu những câu chuyện cảm động về tình người trong đại dịch để chia sẻ, đồng hành cùng các nữ chiến sĩ” - phóng viên Thảo Hương chia sẻ.

Còn nhớ thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong khi nhà nhà, người người rộn rã trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đón năm mới thì các nữ phóng viên báo PNTĐ vẫn miệt mài hành trình phỏng vấn, viết bài cho báo Tết. Ghi nhận sự vất vả của y, bác sĩ trên địa bàn thành phố, Thảo Hương đã liên hệ viết bài về các cán bộ, nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội – đơn vị có tới 50% bác sĩ, hơn 80% điều dưỡng là nữ giới.

“Theo lẽ thường, các cuộc phỏng vấn đều được thực hiện vào ngày làm việc, trong giờ hành chính. Tuy nhiên, muốn hiểu được khó khăn, vất vả của các y bác sĩ, phóng viên buộc phải tìm những thời điểm “éo le” hơn. Cuộc phỏng vấn của tôi khi đó bắt đầu từ lúc 18 giờ một ngày thứ Bảy" - Thảo Hương trải lòng.

Gọi là phỏng vấn nhưng thực chất là mình ngồi cùng các điều phối viên trực điện thoại đường dây nóng của Trung tâm hàng tiếng đồng hồ; trực tiếp quan sát các nữ nhân viên y tế tại đây chăm chú trả lời, ghi chép thông tin từng cuộc gọi yêu cầu được hỗ trợ của người dân; đồng thời nghe các chị tâm sự về hành trình trui rèn trở thành người phụ nữ bản lĩnh, kiên cường, gan dạ…

Phụ nữ được ví như “bông hồng”, nhưng các nữ bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm cấp cứu 115 sức vóc còn hơn cả nam giới. Các chị thường xuyên phải khênh, vác, thậm chí đi cấp cứu cho người nghiện tại khu nghĩa trang, bãi bồi ven sông Hồng… Mùa dịch Covid-19, nhìn ai cũng xơ xác vì thường xuyên phải mặc trang phục bảo hộ, khử khuẩn toàn thân; bữa ăn vội vã, chỉ đơn giản là gói mỳ tôm, chiếc bánh mỳ; áp lực và tần suất làm việc tăng lên gấp đôi, gấp ba. Vậy mà các chị luôn kiên cường, nỗ lực hoàn thành công việc.

"Sau này, khi câu chuyện về những “bông hồng thép” của Trung tâm cấp cứu 115 được đăng tải trên báo PNTĐ, không ít độc giả đã chia sẻ tình cảm, bày tỏ sự cảm phục, trân quý những nữ y, bác sĩ trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên cường, mạnh mẽ, làm tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cảm nhận được tình cảm ấy, bản thân tôi vô cùng tự hào, xúc động, cảm thấy những khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với các chị - Thảo Hương bày tỏ.

Còn với phóng viên Nguyễn Vân Nga, khi đầu quân cho báo PNTĐ được giao mảng Bạn đọc, tăng cường thêm cho mảng y tế khi dịch bùng phát, diễn biến phức tạp. Nga cho rằng để dấn thân vào vào tâm dịch, những nơi có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng thì không gì khác đó chính là phải biết vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình.

“Tôi đến với khu cách ly của Bộ Tư lệnh Thủ đô tại trường Đại học FPT, xã Hòa Thạch, huyện Thạch Thất ngày 3/6, từ 7h sáng mà nắng đã nóng bức. Sau khi được mặc kín mít từ đầu đến gót chân bộ quần áo xanh bảo hộ phòng dịch, với 2 đôi găng tay, kính, chỉ mươi, mười lăm phút, tôi đã cảm cái nóng, cái bí và hiểu vì sao hai hôm trước chính nơi đây đã có cán bộ y tế bị ngất. Tôi được vào từng phòng, gặp các công dân, thấy cuộc sống khi là F1 - người có nguy cơ đã mang trong mình Covid-19, được chứng kiến một phần việc của các chiến sĩ bộ đội, cán bộ y tế, các em dân quân tình nguyện… Lần đầu tiên trong 16 năm làm nghề phóng viên, tôi lại không nhìn thấy rõ khuôn mặt nhân vật của mình, bởi họ cũng phải đeo khẩu trang để phòng dịch. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn có được cuộc trò chuyện cởi mở và khi trở về, tôi vẫn giữ liên lạc với các anh, các chị, các cháu để cập nhật tình hình”- Vân Nga kể.

Nga nhớ mãi kỷ niệm trong lần tác nghiệp ở khu cách ly với một F1 là người vợ trẻ mang bầu. “Chị ơi em sắp sinh, em đã 3 lần âm tính trong 21 ngày cách ly ở Sơn Tây, nay lại 2 lần âm tính trong 7 ngày rồi mà xin về vẫn chưa được. Em lo quá, nhỡ sinh ở đây thì sao?” - người vợ bầu Đỗ Thị Giang vẫn nhắn tin cho Nga để được giãi bày. Rồi ngày vui được trở về gia đình, các nhân vật cũng nhắn báo, Nga mừng như chính họ vậy. Về nhà được 2 ngày thì Giang sinh con (12/6). Sinh xong vẫn còn mệt mà Giang đã nhắn cho Nga: “Chị ơi, nay em sinh rồi, con 3,4kg chị ạ. May quá, không phải sinh ở khu cách ly”. Thế là tấm ảnh hai mẹ con gửi đến, cũng là lần đầu tiên Nga thấy mặt nhân vật F1 của mình – hai mẹ con. Với Nga, cuộc đời làm nghề của phóng viên không gì hơn là được trải nghiệm cuộc sống với những sự kiện, những diễn biến đầy phức tạp của cuộc sống để rồi cũng gặt hái những niềm vui khôn xiết.

“Thấy mình được rèn giũa và trưởng thành hơn”

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cả nước đang “chống dịch như chống giặc”, nhà báo Trần Thị Thảo cùng đồng nghiệp tại báo Kinh tế & Đô thị cũng căng mình tác nghiệp để chuyển tải thông tin chính xác, kịp thời, nhanh nhất về tình hình dịch bệnh, các chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Thành phố…

Hằng ngày, vừa tiếp nhận khối lượng thông tin lớn từ Bộ Y tế, CDC Hà Nội… chị còn liên hệ phỏng vấn các chuyên gia; các nhà quản lý, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, chiến sỹ trực tiếp ở tuyến đầu dập dịch… đúng như tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Những ngày dịch dã, bị cuốn vào công việc đến nỗi Thảo chỉ dành cho gia đình được thời gian ít ỏi. Chị thường dậy từ 5h sáng, chuẩn bị bữa ăn cho chồng và hai con, trước 6h lại ôm máy tính làm bản tin sáng. Còn bữa trưa, chiều, kể cả khi làm việc online ở nhà, nhiều khi chị phải nhờ chồng hỗ trợ vì không thể rời máy tính.

Chị Thảo chia sẻ: “Với yêu cầu của báo chí hiện nay, phóng viên cái gì cũng phải biết, phải viết được. Từ một phóng viên viết về các đoàn thể, quen viết các bài nhẹ nhàng, thời gian đầu vào ngành y tế, tôi đã choáng ngợp và phải ra sức đọc hiểu, học hỏi để đáp ứng công việc. Không chỉ áp lực về tiếp nhận, xử lý thông tin, chúng tôi còn phải nâng cao chất lượng, làm các tác phẩm báo chí hiện đại như Longform, Megazine… buộc phải tư duy nhiều hơn. Hơn 14 năm làm nghề, nhiều lúc phải làm việc với cường độ cao, đầu óc căng như dây đàn, song bù lại tôi lại được rèn giũa và trưởng thành hơn”.

"Có giờ bắt đầu, không có giờ kết thúc"

Đó là chia sẻ của nữ nhà báo Phạm Ngọc Mai khi hỏi về thời gian làm việc của cô tại tâm dịch Bắc Giang. 2 tuần qua, 8 giờ cô bắt đầu làm việc cùng đoàn, nhiều ngày kết thúc đến 2-3 giờ sáng hôm sau...

Sinh năm 1989, tốt nghiệp khoa Văn, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2018 Ngọc Mai đầu quân vào báo Gia đình & Xã hội. Đây cũng là lần thứ 2 trong mùa dịch Covid-19 cô được phân công hỗ trợ làm y tế. Khi Bộ Y tế chọn một số phóng viên hỗ trợ thông tin tuyên truyền tại Bắc Giang, nhìn danh sách những người được Báo phân công đều đang con nhỏ, hoặc ốm, là người chưa lập gia đình, Ngọc Mai xung phong đi thay mọi người.

Nhà báo Ngọc Mai đang tác nghiệpNhà báo Ngọc Mai đang tác nghiệp (Ảnh: NVCC)

Là thành viên nữ duy nhất của đoàn báo chí đi công tác cùng đồng chí Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế xuống Bắc Giang, Ngọc Mai thấy mình vinh dự nhưng đầy trách nhiệm. Hàng ngày, công việc chính của Mai cùng đoàn đến các khu thu dung, bệnh viện dã chiến, các nơi có bệnh nhân nặng để nắm bắt tình hình. Mỗi ngày tháp tùng đoàn, cô đều gửi về cho báo 5-6 tin, bài. Khi hỏi về ấn tượng của Ngọc Mai trong thời gian ở Bắc Giang, nữ nhà báo chia sẻ đó là khi tận mắt chứng kiến bác sĩ ra khỏi phòng bệnh bơ phờ, nhiều bác sĩ nam không có thời gian cạo râu, mới thấy sự vất vả, hy sinh của họ. Sau thời gian điều trị các ca nặng qua cơn hiểm nguy, cô lại thấy ở các bác sĩ nét mặt rạng rỡ, hạnh phúc. Đặc biệt, thời điểm Bắc Giang mở đợt tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 cho công nhân, khi nhắc đến chuyện gia đình, con cái, một chị bác sĩ chia sẻ nhà cách đó có 2km mà không về được. Khi kể vậy, chị đã rớm nước mắt khiến Ngọc Mai cũng khóc theo và ôm chầm lấy chị bác sĩ dù lần đầu gặp mặt. 

Vào tâm dịch để tác nghiệp là rất đáng

 Gần 10 năm làm báo, kinh qua nhiều vị trí nhưng với nhà báo Vũ Thị Liễu - ban Thời sự, báo điện tử VTCNews, tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19 là quãng thời gian ý nghĩa và đáng nhớ nhất. Được phân công theo dõi địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, chị luôn có mặt ở các điểm nóng, sẵn sàng đi vào "tâm dịch" để phản ánh, ghi nhận tình hình, đưa đến cho bạn đọc thông tin chính xác và nhiều câu chuyện chân thực, xúc động về cuộc chiến chống "giặc dịch".

"Nhớ lại thời điểm đầu tháng 5 khi "xông" vào ổ dịch Thuận Thành, Bắc Ninh (khi đó đang là địa phương có số ca mắc nhiều nhất cả nước) để viết bài, mình cũng thấy bản thân... quá liều. Vào đây, mình được cán bộ y tế hướng dẫn, trang bị bảo hộ, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm nhưng chắc chắn mình thành F2, bất cứ khi nào cũng có thể được “nâng cấp” thành F0" - chị Liễu kể.

Nữ nhà báo cũng chia sẻ: Sự “liều” ấy với mình thật sự có ý nghĩa, giá trị và để lại rất nhiều cảm xúc, kỷ niệm. "Có vào tâm dịch mình mới hiểu được những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch vất vả đến thế nào. Khoác lên người bộ bảo hộ màu trắng, chỉ khoảng nửa tiếng là mình đã không thể chịu đựng nổi vì nó quá nóng và bí bách. Vậy mà y bác sĩ phải mặc cả ngày, mặc liên tục. Lúc đó mình mới hiểu tại sao nhiều y bác sĩ lại bị ngất khi đang làm nhiệm vụ…". Cũng trong đợt dịch ở Bắc Ninh, chị đã viết câu chuyện về một gia đình 5 người. Người bố mắc Covid-19 (tử vong vào cuối tháng 5), mẹ và con trai lớn là F0 điều trị ở 2 nơi khác nhau, 2 cháu nhỏ 9 tuổi và 5 tuổi phải ở trong khu cách ly tập trung từ ngày 6/5. Trước đó người chồng cũng chỉ đi làm thuê, còn người vợ cũng không có việc, ai thuê gì làm nấy nên cuộc sống gia đình vốn khó khăn nay lại càng cơ cực.

Sau khi bài viết cùng lời kêu gọi ủng hộ cho gia đình trên được đăng tải, báo mình đã nhận được sự chia sẻ của gần 2.000 độc giả với số tiền quyên góp lên tới 700 triệu đồng. Chính gia đình cũng không hoàn toàn ủng hộ việc mình “lao” vào tâm dịch để viết bài, lần nào cũng “tiền trảm hậu tấu”, ra khỏi vùng dịch mới thông báo cho bố mẹ. Nhưng đấy là đam mê, là “máu” nghề nghiệp... lại thôi thúc mình “xông pha” vào điểm nóng, nơi tuyến đầu chống dịch. Và sự liều lĩnh đó rất đáng, rất giá trị bởi nó giúp mình có thêm trải nghiệm, cảm xúc, viết được những bài báo hay, đặc biệt có thể lan tỏa câu chuyện xúc động, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhân ái của người dân Việt Nam”.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục