Giáo dục trong gia đình sẽ theo trẻ suốt đời

Chia sẻ

Phó mặc giáo dục trẻ cho nhà trường, thiếu sự giáo dục ở gia đình, coi nhẹ giáo dục từ xã hội đều là những quan niệm hết sức sai lầm và rất nguy hại cho sự phát triển bình thường của trẻ. Trường học đầu đời của mỗi đứa trẻ chính là gia đình chứ đâu phải nhà trường?

Quy luật muôn đời và cũng là mơ ước của mọi đứa trẻ, chỉ đơn giản là được sống bình yên, vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình. Không có sự bao bọc từ gia đình và không có được sự chăm sóc thương yêu của cha mẹ cùng người thân đều là sự bất hạnh, khiến trẻ lớn lên tự nhiên, chẳng khác cỏ dại.

Chúng ta hãy xem giáo dục ở gia đình cần phải như thế nào để con trẻ của chúng ta phát triển thành mẫu người truyền thống “con ngoan-trò giỏi” hay “con bản lĩnh-trò sáng tạo” theo xu hướng đổi mới giáo dục ngày nay.

Cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng mà còn là tấm gương giáo dục con cái

Trẻ em cần hơi ấm của cha mẹ. Con cái luôn mong được yêu thương, nhất là những người thân cận, gần gũi, ruột thịt với trẻ. Hãy cố gắng và tìm mọi cách giao tiếp với trẻ càng nhiều càng tốt. Con cái nhỏ tuổi chưa biết kêu cứu rõ ràng, cha mẹ hãy lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc cũng như thay đổi dù nhỏ nhất cơ thể con.
Khuôn mặt tươi cười của cha mẹ sẽ tạo ra khuôn mặt rạng rỡ của con cái. Sự lạc quan của bố mẹ, sẽ truyền cho con có những suy nghĩ tích cực. Vợ chồng hãy cùng nhau nuôi và dạy con cái. Nuôi con là việc hệ trọng, dạy con càng khó và phức tạp hơn. Gia đình hãy ăn cùng nhau càng nhiều càng tốt, cùng nói về những việc xảy ra hàng ngày, cùng nhau làm việc nhà, chơi thể thao hay tham gia các công việc phường xã. Công việc mưu sinh khiến con người ta mệt mỏi. Thời gian tiếp xúc với con không thường xuyên, thường ngắn ngủi. Sự căng thẳng đời thường sẽ truyền tới con cái không khí kém vui, nặng nề hay trầm lắng. Vì thế, cha mẹ không biết coi trọng bản thân, gia đình thì cũng không biết coi trọng sự tiến bộ của con cái, đó là tất yếu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cách sống của cha mẹ sẽ trở thành yếu tố giáo dục quan trọng nhất đối với con cái. Giống như “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” vậy. Con cũng kỳ vọng cha mẹ như cha mẹ kỳ vọng vào con. Lời nói, hành động của cha mẹ sẽ “lây” thấm vào con cái như “mưa dầm thấm lâu”. Xã hội thay đổi nhanh chóng, nhận thức giữa các thế hệ trong gia đình càng ngày càng có khoảng cách và lớn dần. Trong trường hợp này nhiều vấn đề chúng ta không tự giải quyết bằng cách truyền thống, gia đình cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, như các thầy cô giáo hay các chuyên gia tư vấn.

Dạy con đúng đắn là món quà vô giá mà bố mẹ trân quý tặng cho con. Vì con và cũng là vì bản thân mình, các bậc phụ huynh hãy một lần nữa nhìn lại gia đình mình, đã là một tấm gương sáng cho con trẻ chưa?

Giáo dục con bằng quy tắc gia đình

Quy tắc gia đình được dựa trên các quy định xã hội, các định ước mang tính truyền thống của địa phương, dân tộc được vận dụng trong mỗi gia đình. Quy tắc có thể là lời nhắc nhở, bất thành văn của ông bà hay cha mẹ. Cũng có thể quy tắc do con cái tự xây dựng dưới dạng câu chữ, được cha mẹ góp ý và gia đình cùng giám sát. Bản chất quy tắc là “nếp nhà”, là nét đẹp truyền thống của gia đình Việt. Quy tắc thể hiện ý nghĩa đặc trưng, khác biệt của “nhà nào con nấy”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Người ta coi 10 Quy tắc cơ bản dưới đây có vai trò thiết yếu để giáo dục con cái, bao gồm: chào hỏi, văn hóa tối thiểu của mỗi người; nói dối, thói quen xấu cần loại bỏ; luôn đúng giờ để giữ niềm tin và tôn trọng mình; hãy nhận lỗi để sửa lỗi; biết quý trọng và tiết kiệm thức ăn; học cách bao dung, thấy tự mình có giá trị; có mơ ước và đam mê; thấu hiểu tính mạng con người là trên hết; cởi mở với bố hoặc mẹ; tôn trọng quy định nơi công cộng, không ai có thể sống một mình. Quy tắc “Ngủ sớm, Dậy sớm và Ăn sáng” được các gia đình người Nhật hưởng ứng rộng rãi. Ngủ sớm và dậy sớm nhằm đảm bảo ngủ đủ cho trẻ, rèn luyện thói quen và xác lập nhịp sống khỏe mạnh sau này. Ăn sáng giúp cơ thể trẻ được cung cấp năng lượng trí tuệ, thể lực và tạo ra nhịp điệu cơ thể khỏe trong ngày. Từ đó tạo ra thói quen ăn uống khoa học suốt cuộc đời trẻ.

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của nhà nước chỉ là phần ngọn, giáo dục ở gia đình mới là gốc và cần làm rất sớm, ngay khi trẻ chưa cắp sách tới trường. Cần tập cho trẻ quen sự chịu đựng. Khen kịp thời khi con làm việc tốt. Trách phạt con thiên về cảm tính thì đó không phải là dạy con. Hãy đứng trên lập trường của con để suy ngẫm, không làm tổn thương thân thể và trái tim con. Hành động này không những không có hiệu quả giáo dục mà còn có khả năng trở thành hành vi ngược đãi trẻ em.

Giáo dục kỹ năng sống, kết hợp dạy cách học cho con

Không phải đây là nhiệm vụ của nhà trường mà là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi gia đình với con cái.

Quan niệm về tiền bạc và vật chất là thứ không quan trọng. Năng làm việc nhà, để quý trọng thành quả lao động. Luôn hợp tác trong công việc. Học tập có kế hoạch. Rèn tính tự lập và sự riêng tư. Tích cực đi dã ngoại và trải nghiệm, vui chơi thật nhiều ở bên ngoài thiên nhiên. Cha mẹ đừng quá bao bọc trẻ, vui chơi giúp trẻ lớn lên. Vui chơi là công việc của trẻ em. Nó quan trọng với sự trưởng thành của tâm hồn trẻ thơ, kích thích các giác quan. Không thích vui chơi ngoài trời, ắt dẫn đến con nghiền tivi, mê trò chơi điện tử.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Giáo dục không được nóng vội, cần từ từ tương ứng với sự phát triển, nhất là cá tính của trẻ. Tìm ra điểm tốt của trẻ và khen ngợi trẻ. Khen chê, trách mắng phải đúng lúc và rõ ràng. Hãy chú ý tỷ lệ cân bằng: trách một nhưng khen phải ba. Trẻ em được khen, chúng cảm thấy hạnh phúc và có được sự tự tin, lòng tôn trọng. Hãy cố tìm ra điểm tốt để động viên và khen con trẻ.

Không được so sánh con mình với con người khác. Mỗi đứa trẻ là một thế giới khác nhau, bình đẳng về khả năng tiềm tàng trí tuệ và phẩm chất. Thay vì so sánh rồi lo lắng, các bậc cha mẹ hãy tin rằng, bất cứ đứa trẻ nào cũng có cá tính và sự phát triển riêng để có thể nuôi dạy và phát triển con tốt nhất. Hãy yêu thương và tôn trọng con, cá tính vốn có của con. Con là báu vật vô giá mà tạo hóa ban cho bố mẹ và gia đình.Tìm ra điểm tốt của trẻ và khen ngợi trẻ.

Trẻ em là tương lai của cha mẹ, gia đình và của xã hội. Gia đình hãy dạy dỗ và uốn nắn chúng về mặt nhân bản cũng như mặt đức tin ngay từ thủa ấu thơ.

ĐẶNG TỰ ÂN
Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.