Những ngày giãn cách…

Chia sẻ

Cầm cự mãi rồi cũng đến lúc phải “thủng lưới”; đó là cảm giác của tôi khi nghe truyền thông chính thức thông báo xuất hiện ca F0 Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

1. Đã dự đoán trước đó chỉ là vấn đề thời gian (con virus quái ác đang tràn ngập, hoành hành trên cả nước suốt từ Nam chí Bắc thì sao chịu “tha” riêng mình?); vậy nhưng vẫn toát mồ hôi, kèm theo chút gì như… hụt hẫng. Giữ “sạch lưới” qua ba đợt bùng phát dịch đầu tiên; vậy nhưng tới đợt thứ tư này (với cái biến chủng Ấn Độ B.1.617.2 - lây lan cực kì nhanh) thì quê tôi chính thức có tên trên “bản đồ Covid”.

Đêm đầu tiên thực hiện giãn cách, mới 10 giờ đêm phố xá đã im phắc, vắng hoe. Thành phố “đi ngủ” sớm như trong thời chiến có lệnh giới nghiêm. Thi thoảng vút trên đường là những chiếc xe cứu thương đưa người vào viện hoặc đưa các F1 đến khu cách ly. Dễ hiểu thôi, danh sách truy vết chắc chắn đang trong giai đoạn ngày càng dài ra khi dịch vẫn chưa đạt đỉnh! Nhà tôi nằm đối diện với ngôi trường trung học cơ sở đang được mượn tạm làm khu cách ly. Xe ra vào thường xuyên. Đêm đầu chính thức hoạt động, để ý chỉ 3 phòng học cửa sổ có sáng đèn; nhưng tới đêm thứ 5 thì nguyên cả mấy dãy phòng đều sáng trưng đèn đuốc! Khu cách ly đèn sáng, ngược với khu quảng trường (“tụ điểm ăn chơi” ngày thường với hệ thống quán cà phê, quán nhậu dày đặc) kề bên nhà nhà cửa đóng then cài im ỉm, tối um. Mọi hôm, tiếng ồn của “khu ăn chơi” gây khó chịu cho tôi; nhưng hôm nay thì, lạ, mong sao nó cứ ồn như cũ để… trấn an tâm lí!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

2. Bạn tôi gọi qua zalo: Khu tao bị phong tỏa rồi. Trời, phong tỏa lúc nào? Vì sao phong tỏa?? Mới lúc chiều. Tao đi làm về, đang hậm hụi dắt xe vô nhà thì nghe loa phường thông báo. Ai ở yên nhà nấy. Dân quân đang dựng rào cản, chăng dây. Nghe nói phát hiện F0 đầu hẻm… Giọng bạn như muốn khóc!

Rõ rồi. Gay go chưa? Mới bị giãn cách như tôi còn mệt đủ chuyện thì khi bị phong tỏa cái mệt ấy phải… nhân tư! Ngoài nỗi lo nơm nớp do “kẻ thù” đã đến ngay bên còn thêm trăm thứ bà dằn gây đảo lộn cuộc sống thường nhật: không đi học, đi làm hay đi chợ được (bạn tôi ngày làm cơ quan, tối đi ôn ở trung tâm Anh ngữ chuẩn bị thi lấy bằng cử nhân tiếng Anh cuối khóa). Đi học đi làm thôi đành bỏ, hết dịch tính sau; riêng khoản chợ búa thì đúng gay go: đồ mua trữ tủ lạnh bình thường chỉ đủ ăn vài ba bữa. Nhà gần chợ bước qua là tới, đâu ai mua đồ tươi sống trữ lâu làm gì? Phong tỏa kéo dài ít nhất phải hai tới ba tuần, không đi chợ được biết lấy gì ăn?? Tôi nghĩ, giá tình hình bên ngoài yên thì có gì mình còn xoay xở đi “tiếp tế” cho bạn được. Đằng này mình cũng đang loay hoay trong cảnh như gà mắc tóc…

3. Hai ngày sau gọi điện lại hỏi thăm tình hình, bạn hồ hởi báo tin: mới nhận được tiếp tế. Của ai? Của các Đoàn thiện nguyện. Bao gạo hai mươi cân, mì gói, rau củ kèm thêm một số nhu yếu phẩm. Sống rồi, hoan hô! Tốt quá; tôi nhẹ gánh thở phào. Mừng cho gia đình bạn, mừng cho những bà con bị kẹt trong khu phong tỏa. Thế giới vẫn còn rất, rất, rất nhiều người tốt. Vậy nhưng, phải kinh qua hoạn nạn mới thấy được những tấm lòng.

Những ngày này, “cố thủ” trong nhà đương nhiên là yên tâm nhất. Chỉ tội cho mấy đứa nhỏ hiếu động: nghỉ hè, đáng lí được thả sức rong chơi. Giờ bị “nhốt tù” lâu chắc là rất bứt rứt, cuồng chân. Biết làm sao được; chúng cũng phải bắt đầu bài học đối mặt, thích nghi với những bất trắc tất yếu của cuộc đời như dịch bệnh, thiên tai. Không ra ngoài được thì ráng tìm niềm vui trong bốn bức tường như đọc sách, chơi cờ, xem phim… Ăn uống đương nhiên cũng đành chịu kham khổ hơn lúc bình yên. Tôi và vợ đã thống nhất: dè sẻn số thực phẩm có sẵn trong nhà để hạn chế việc phải ra đường loay hoay chợ búa do hết thức ăn. Giãn cách, không làm gì nặng nhọc thì ăn uống tiết kiệm chút cũng không sao. Điều tôi ưng bụng nhất là có thời gian nghỉ ngơi, tranh thủ làm những điều mình thích. Yên tĩnh và rảnh rỗi, trạng thái đó hình như đã lâu, rất lâu tôi chưa được hưởng. Cuộc đời luôn mang tính hai mặt: Cái mất nào cũng tiềm ẩn bên trong những cái được “bù lỗ” cho con người nếu anh thiện chí và nhiệt tâm khám phá. Giãn cách rồi sẽ phải chấm dứt; dịch giã rồi cũng sẽ qua đi, trả lại cho con người cuộc sống bình yên. Vậy nhưng, ngay lúc này, sao ta không thử tận dụng thời cơ cho một khoảng lặng bình yên giữa mùa giãn cách??

Y NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.