Mùa Vua lan online trong đại dịch

Chia sẻ

Năm nay, thực hiện yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), các chùa và cơ sở tự viện trong cả nước sẽ thực hiện các nghi lễ truyền thống trong mùa Vu lan dưới hình thức online. Trong đó, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội sẽ tổ chức lễ Vu lan trực tuyến với sự tham gia của 500 tăng ni sinh.

Mùa Vu lan thường được tổ chức trang trọng và thiêng liêngMùa Vu lan thường được tổ chức trang trọng và thiêng liêng

Buổi lễ được phát trực tuyến qua các trang facebook: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Phật sự Học viện, phát lại trên website khuongviet.vn và một số kênh Youtube…

Phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến trong mùa Vu lan

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN vừa ký văn bản gửi các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện thông bạch về Đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2021.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Mùa Vu lan báo hiếu PL.2565 – DL.2021 đang đến gần trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm vô cùng phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Trong mùa Vu lan năm nay, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghị tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đấy, tụng kinh Vu lan báo hiếu mẹ cha, và hồi hướng tới cửu huyền thất tổ, anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an. Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo, và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan. Các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu lan năm nay.

GHPGVN yêu cầu, các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng ni đang cấm túc sinh hoạt chúng và an cư kết hạ trong nội viện nếu tổ chức Vu lan cần thông báo tới chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức Vu lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Tăng ni, phật tử bằng hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất trong mùa Vu lan năm nay hãy tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ Vắc-xin Covid-19 để chung tay cùng các cấp chính quyền đảm bảo mọi người đều được tiêm vắc-xin miễn phí và bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân. Giáo hội kêu gọi các đạo tràng phật tử hãy phát tâm, tổ chức nấu những suất cơm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong mùa Vu lan”.

Trực tuyến không làm giảm đi sự trọn vẹn về đạo hiếu

Nói về ý nghĩa của lễ Vu lan trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, trong các nghi lễ liên quan đến đạo hiếu của người Việt, Vu lan là dịp lễ rất quan trọng. Gìn giữ những giá trị tốt đẹp của lễ Vu lan cũng là cách chúng ta tôn vinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh hoành hành thì việc tổ chức các nghi lễ truyền thống trong mùa Vu lan dưới hình thức trực tuyến là điều không thể khác. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, việc tiến hành các nghi lễ trực tuyến không chỉ được tiến hành ở Việt Nam và với đạo Phật. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng tiến hành nhiều buổi thánh lễ trực tuyến. Trên thế giới, lễ Phục sinh cũng được tiến hành trực tuyến ở nhiều nước. Ở một số nước Hồi giáo, người dân tham dự các bài giảng tôn giáo thông qua các ứng dụng trực tuyến như Zoom, Youtube hay Facebook. Bên cạnh đó, trong đời sống tâm linh, nhu cầu của xã hội thực quyết định nhu cầu của thế giới tâm linh. Trong bối cảnh đại dịch, những sinh hoạt thường ngày như học tập trực tuyến, mua sắm trực tuyến thì tất yếu dẫn đến việc cúng lễ Vu lan trực tuyến.

“Phật tại tâm, trải nghiệm cá nhân là thước đo quan trọng nhất. Khi chúng ta cảm nhận rằng, những hình thức báo hiếu thực sự khiến chúng ta hài lòng, thì đó là lúc tâm chúng ta an, lòng chúng ta thanh thản. Không có một cách thức cúng lễ nào chung, đúng cho tất cả mọi người. Ở đây, không có mâu thuẫn nào trong cách thức ứng xử với tổ tiên. Chỉ có cách chúng ta hài lòng về hành động báo hiếu của mình mới là thước đo quan trọng…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho rằng, điều quan trọng là ý thức hay cái tâm hướng về tổ tiên, hướng tới những điều tốt đẹp, chân - thiện - mỹ hơn là hình thức hành động của chúng ta thể hiện bằng cách nào. Như thế, mâm cao cỗ đầy, nhiều vàng mã hay đến trực tiếp sẽ không quan trọng bằng việc tâm hướng thiện, niềm tin vững vàng khi chúng ta thực hành các nghi lễ, dù bằng bất cứ cách nào: Online hay trực tiếp. Và cần nhấn mạnh thêm nữa, bối cảnh dịch bệnh hiện nay, bên cạnh việc giữ an toàn sức khoẻ cho bản thân thì việc giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, tránh dịch bệnh lây lan để cuộc sống sớm trở lại bình thường, vừa là trách nhiệm đạo đức của mỗi người, vừa là cách chúng ta thực hành triết lý của đạo Phật.

Về phía GHPGVN cũng cho rằng, các phật tử, nhân dân không lo tổ chức trực tuyến sẽ làm bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu. Quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không. Việc Giáo hội khuyến khích các khóa lễ Vu lan, lễ hội Bông hồng cài áo tổ chức dưới hình thức trực tuyến chính là để chúng ta có được một mùa Vu lan trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch. Người dân có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến để các chư Tôn đức làm lễ. Như vậy vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, đảm bảo sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân.

 THANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Thu Thuỷ chia sẻ, với vai trò Đại sứ thiện chí chương trình "Phú Thọ - Khát vọng xanh" tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, cô vô cùng vinh hạnh khi được góp phần nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng tới cộng đồng về bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.