Bát canh chua không hành

Chia sẻ

Bình ngồi xuống mâm, nhìn bát canh chua trắng nhởn, chỉ lác đác vài miếng cà chua mà chẳng có chút hành lá nào liền buông câu: “Lần sau em chú ý cách nấu nướng. Nhìn bát canh chán, chẳng muốn ăn”.

Chẳng ngờ, Mai chỉ chờ có vậy là bùng nổ. Cô cũng dằn mạnh bát cơm xuống mâm, nói lại chồng: “Vâng, em chỉ làm được có thế thôi. Dịch dã thế này mà anh còn đòi hỏi. Thật hết biết”.

Hai đứa trẻ chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau sợ quá chẳng dám nhúc nhích. Đứa nào đứa nấy cắm mặt nhìn xuống mâm cơm, chẳng biết có nuốt nổi miếng nào.

Hết tức chồng, Mai quay sang trút giận lên con. Chẳng cần có lý do chính đáng, cô quát:

- Cả hai cái đứa này nữa có ăn không, không ăn thì đứng lên. Mẹ sống một mình cho nhàn.

- Cô lại còn đòi sống một mình à. Vậy được, ai đi đường nấy đi - Bình nổi cơn tam bành với vợ.

Bữa cơm tối, lẽ ra là thời khắc sum họp, quây quần của gia đình vậy là tan. Bình bỏ bữa, hai đứa trẻ cũng kéo nhau vào buồng. Chỉ còn Mai vẫn ngồi thừ bên mâm cơm, hai mắt ầng ậc nước. Bình dám thách cô ly hôn ư? Chuyện nhỏ, chẳng qua, cô đang cố chịu đựng vì nghĩ đến hai đứa con còn trứng nước mà thôi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mai nghĩ về những ngày đã qua, không khí trong gia đình cô thật ảm đạm. Bình đi làm thì chớ về tới nhà là cáu kỉnh, dằn hắt vợ con. Anh ra vẻ chê trách Mai đoảng vị, không chu toàn việc nhà cửa, cơm nước. Mai biết chồng vốn là người ưa sạch sẽ, thích sự chỉn chu. Anh rất coi trọng bữa cơm tối. Các món ăn không chỉ ngon miệng mà còn phải đẹp mắt nữa. Chẳng thế mà anh không bằng lòng khi Mai nấu canh mà chẳng bỏ hành. Nhưng, anh đâu hiểu rằng dịch dã diễn biến phức tạp, Mai đâu thể thường xuyên đi chợ được. Đôi khi, trong tủ lạnh có gì thì cô mang thứ đó ra nấu, biết là không được ưng ý nhưng thôi đành.

Nằm trong nhà với cái bụng chưa có hạt cơm nào nhưng Bình chẳng hề thấy đói. Áp lực, sự mệt mỏi phải lo kiếm tiền nuôi vợ con dồn nén những ngày qua đã khiến Bình no nê rồi. Anh vắt tay lên trán, nhớ lại lời trưởng phòng nói với mình tuần trước: “Tháng này cơ quan cắt giảm 1/3 lương, tháng sau sẽ cắt ½ lương. Tới đây nếu không có việc thì có khi chúng ta phải nghỉ việc không lương. Tôi báo trước để anh em chuẩn bị tinh thần. Dịch dã khiến cuộc sống của chúng ta đều bị ảnh hưởng hết cả”.

Nghe đến bị giảm 1/3 lương Bình đã thấy hụt hẫng, nhưng tới khi biết rất có thể anh còn phải nghỉ không lương thì Bình lo thật sự. Bao lâu nay, anh là lao động chính của gia đình. Bình đi làm không chỉ nuôi thân mà phía sau anh còn có vợ và hai đứa trẻ. Nếu một ngày không may Bình mất việc thì cả nhà anh sẽ sống thế nào? Sợ vợ buồn, Bình chẳng dám kể lại mọi chuyện. Và thế là, mỗi ngày về tới nhà, ngồi xuống mâm cơm, nghĩ tới cảnh có ngày nồi cơm kia chẳng còn cơm nữa mà anh mất hết bình tĩnh, phải tìm lý do để xả stress ra ngoài bằng sự cáu gắt. Nếu im lặng, chắc Bình sẽ bùng nổ mất.

Mấy ngày sau đó, hai vợ chồng Bình lặng lẽ như hai chiếc bóng trong nhà. Cần gì liên lạc với chồng thì Mai sai truyền qua các con và ngược lại. Bọn trẻ sớm hiểu chuyện, cũng chẳng dám đùa nghịch nên nhà càng thêm im ắng.

“Một gia đình có 5 người nhiễm Covid-19, người chồng bị nặng hơn nên được đưa tới bệnh viện ACB để điều trị. Còn người vợ thì được chuyển tới bệnh viện dã chiến XYZ. Hai con đang cách ly tại nhà cùng bà ngoại…”. Mỗi ngày, từ khi có dịch, vợ chồng Bình đã hình thành thói quen theo dõi tình hình dịch bệnh như thế. Nhưng, tới khi đọc được tin này trên mạng xã hội, tự nhiên Bình muốn rơi nước mắt. Dịch dã khiến bao gia đình phải ly tán, con mất cha, vợ mất chồng, hoặc mỗi người nằm ở một viện khác nhau chẳng được thấy nhau. Bỗng Bình thấy gia đình mình còn quá may mắn khi các thành viên đều đang khỏe mạnh, an toàn. Nói dại, chỉ cần 1 người mới là F2, F1 thôi thì cả nhà sẽ lao đao theo.

- Mai này, anh xin lỗi, hôm trước anh không nên cáu giận trong bữa ăn. Em ạ, giờ em liều liệu việc cơm nước. Lúc nào thật cần thiết thì hãy đi ra đường, bằng không thì thôi. Ăn tàm tạm không chết, nhưng đi nhiều, nhỡ em nhiễm dịch thì anh không biết phải làm sao.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mai ngồi bên không nghĩ chồng tự nhiên lại thay đổi và nói với mình những lời ân cần đến thế. Trong bối cảnh này, các chị em phụ nữ ra ngoài đi chợ cũng chẳng khác gì đang vào… điểm nóng. Lúc nào Mai cũng tự giác thực hiện nghiêm thông điệp 5K, còn đeo thêm cả tấm chắn giọt bắn. Cả cái cảnh suốt ngày bị bó chân trong 4 bức tường, chỉ lo cơm nước, chăm con cũng chán lắm, nhưng vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng mà Mai phải tập thích nghi. Mai chỉ mong được chồng thấu hiểu mình.

- Vâng. Cảm ơn anh đã hiểu em. Em vẫn sẽ cố lo cho anh và các con những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng, em mong là nếu cơm nước không được tươm tất như trước thì anh đừng lấy đó để cáu giận. Em và các con cũng có áp lực, nỗi khổ của mình mà. Giờ, nếu chúng ta cứ trút giận lên nhau thì chỉ càng làm cho nhau mỏi mệt thêm thôi.

- Anh… anh biết rồi. Cũng tại vì anh mới hay tin có thể phải nghỉ việc không lương, anh thương em và con đâm ra không làm chủ được cảm xúc… Bình vội vàng thanh minh với Mai.

- Sao giờ anh mới nói với em điều đó. Thôi không sao nhà mình vẫn có một ít tiền tiết kiệm, nếu anh không còn lương thì mình sẽ chi tiêu tạm trong khoản đó rồi đợi qua dịch sẽ kiếm bù lại sau. Em cũng sẽ cân nhắc hơn việc mua sắm. Em tin rằng, miễn là chúng mình đồng lòng thì rồi khó khăn sẽ qua - Mai trả lời chồng.

Mâu thuẫn của hai vợ chồng vậy là được gỡ bỏ. Bình nghĩ, mình cũng thật buồn cười và nông nổi khi còn đòi chia tay Mai nữa. Nếu không còn gia đình, những ngày này, Bình nương náu vào đâu.

Sáng hôm sau, trước khi đi làm, Bình liền hỏi Mai:

- Em có cần mua gì không? Đưa cho anh tờ phiếu đi chợ, trên đường về anh ghé chợ mua cho em?

Mai nhẹ nhàng nhìn chồng:

- Không anh ạ. Nhà vẫn còn thức ăn. Dạo trước em tranh thủ gieo ít hạt giống ở khoảnh đất trống sau nhà mình. Chỉ có uống nước máy hàng ngày thôi mà giờ rau lên bời bời. Em hái rau là đủ bữa cho hai vợ chồng mình rồi.

Đúng là các cụ nói chẳng sai: Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Dịch dã vẫn đang bủa vây nhưng cả Bình và Mai đã không còn có cảm giác tiêu cực, chán nản nữa. Hình như, họ còn thấy cần có nhau hơn.

LAN CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.